Hộ kinh doanh không còn là “người rừng”
Mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng xin đưa ngay hộ kinh doanh vào lần sửa Luật doanh nghiệp lần này là để định danh, bảo vệ quyền lợi và có thể áp dụng được các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho hộ kinh doanh. Và Bộ trưởng đã đưa ra 5 lý do để thuyết phục Quốc hội đồng ý đưa hộ kinh doanh vào luật.
Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp không phải là việc “đẻ” ra những quy định để trói buộc các hộ kinh doanh, mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển.
Nếu chờ đợi hộ kinh doanh được xác lập vị trí pháp lý của mình trong bộ luật riêng thì ít nhất 2-3 năm nữa mới có thể ra được bộ luật này. Vậy trong thời gian đó, hàng triệu hộ kinh doanh sẽ trông cậy vào cơ sở pháp lý nào để bảo vệ hộ kinh doanh. Điều này không có nghĩa chủ hộ kinh doanh sẽ là giám đốc. Họ vẫn được áp dụng các quy định đặc thù như hiện nay.
Luật sư Lê Huế, (Công ty Luật TNHH XTVN – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đưa ra quan điểm: "Thứ nhất, việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh chi tiết trong Luật doanh nghiệp là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với sự đóng góp và vị thế của hộ kinh doanh trong nền kinh tế - xã hội hiện tại của Việt Nam bởi trong năm 2019, hộ kinh doanh đóng góp tới 30% vào GDP, tạo việc làm cho hàng chục triệu người lao động trong khi đó tại Luật doanh nghiệp 2014 chỉ có 1 điều khoản để điều chỉnh về loại hình kinh doanh này.
Thứ hai, việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hay ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân hay công ty, mà là để bảo vệ hộ kinh doanh, đảm bảo minh bạch hóa, nâng cao năng lực phát triển của các hộ kinh doanh. Khi vị thế pháp lý, quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh được ghi nhận trong luật, sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi giúp họ yên tâm làm ăn bài bản, có điều kiện thuận lợi để từng bước chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp hiện đại hơn, mở rộng hoạt động kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước."
Để không làm khó các hộ kinh doanh
Dưới góc độ của một hộ kinh doanh, anh Nguyễn Văn Cường (Ngọc Khánh) cho rằng quán ăn anh đang kinh doanh là mô hình kinh doanh nhỏ lẻ. Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp thì sẽ khiến quán ăn của anh phát sinh thêm chi phí, thêm thủ tục và khó khăn hơn trong hoạt động. Chiếu theo Luật doanh nghiệp thì anh thấy rất phức tạp, không đủ trình độ quản lý, không đủ chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh.
Đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh thành luật riêng để quản lý chặt chẽ hơn. Hộ kinh doanh chỉ biết và thực hiện theo luật về hộ kinh doanh, khi đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp thì thực hiện theo Luật doanh nghiệp, như vậy sẽ đơn giản hơn. Nếu để chung doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong luật thì khi có thay đổi các quy định đối với doanh nghiệp nhưng không có tác động đối với hộ kinh doanh và ngược lại thì phải sửa đổi luật làm ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.
Trước đó, khi thảo luận về nội dung này trong dự thảo Luật doanh nghiệp, nhiều đại biểu đã đưa ra quan điểm về việc đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp.
Theo đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) hình thức kinh doanh hộ kinh doanh rất đa dạng, linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục để thích ứng với biến động của thị trường. Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động khi dịch được kiểm soát thì lại tiếp tục quay trở lại. Nên nếu đưa vào luật sẽ khiến họ gặp khó khăn trong hoạt động.
Cùng quan điểm, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng hiện nay đang có 5 triệu hộ kinh doanh, chỉ có 1,7 triệu hộ đang nộp thuế. Nếu đặt mục tiêu đưa hộ kinh doanh vào để tăng cường quản lý thuế phải cân nhắc kỹ, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tìm động lực để cho kinh tế tư nhân phát triển. Muốn tạo động lực trong kinh doanh và quản lý 5 triệu hộ kinh doanh thì cần phải có luật riêng để điều chỉnh.
Hiện nay hộ kinh doanh không được quy định ở văn bản pháp lý nào nên việc luật hoá tất cả các quy định, hoàn thiện khung pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp và thiết kế như dự thảo lại tạo ra một loại hình kinh doanh không rõ ràng, thiếu chuẩn mực về mặt pháp lý, chứa đựng trong đó hàng loạt nguy cơ mẫu thuẫn, làm tăng chi phí tuân thủ, bất ổn và rủi ro pháp lý cho kinh doanh. Nên vấn đề quan trọng nhất ở đây vẫn là làm thế nào để giảm chuẩn tuân thủ của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh.