(GD&TĐ)-Một trong những giải pháp mạnh để “hãm” lạm phát là cắt giảm đầu tư công. Vì thế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến ngày 1/6, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 80 nghìn tỷ đồng, bằng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Các công trình thuộc dự án 135 vẫn được Chính phủ triển khai theo đúng tiến độ |
Đầu tư công gồm 3 bộ phận cấu thành là đầu tư từ NSNN, từ tín dụng đầu tư ưu đãi Nhà nước và từ khu vực DNNN. Theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2/11 của Chính phủ, cắt giảm đầu tư công năm 2011 là một liệu pháp tất yếu trong lộ trình dài hạn và tổng thể cùng với thắt chặt và điều chỉnh cơ cấu hoạt động tín dụng và tiền tệ nhằm thu hẹp tổng cầu nhanh chóng nhất, giảm sức ép lạm phát tiền tệ và là điều kiện để dồn vốn đầu tư xã hội theo những kênh đầu tư và dự án đầu tư có hiệu quả hơn, nâng cao hiệu quả và giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội, kiềm chế lạm phát, kiềm chế nhập siêu, tiết kiệm năng lượng.
Nói cách khác, năm 2011, lần đầu tiên việc cắt giảm đầu tư công được thực hiện theo tinh thần mới trong Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, với quan điểm: Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, không quá bị câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDPcao, vì vậy, cắt giảm đầu tư công không chỉ là cắt giảm để chống lạm phát, mà đây cũng là dịp để rà soát tính hợp lý và nâng cao hiệu quả của đầu tư công, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao và hiệu quả hơn ở những năm cuối của kể hoạch 5 năm và tiếp theo…
Nghị quyết 11 cũng xác định cơ chế thực hiện cắt giảm đầu tư công theo hướng để các địa phương và ngành, doanh nghiệp tự thẩm định và tái thẩm định, cắt, giảm hoặc điều chỉnh vốn đầu tư trong phạm vi phân cấp quản lý của mình theo những tiêu chí hướng dẫn và sự kiểm tra của cơ quan chức năng, Bộ KH-ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo và kiến nghị Thủ tướng thu hồi các khoản bố trí sai mục tiêu nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ, để điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác…
Tính đến tháng 6/2011, tổng số vốn đầu tư các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm trong năm 2011 là 80,55 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. Trong đó: Đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đã thực hiện cắt giảm, điều chuyển được 2.048 dự án với số vốn là 5.556,4 tỉ đồng. Với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đã rà soát, cắt giảm được 126 dự án với số vốn cắt giảm là 2.777,6 tỉ đồng. Riêng các Bộ đã đình hoãn, cắt giảm được 91 dự án với số vốn 2.478,5 tỉ đồng để tăng vốn cho 88 dự án.
Các địa phương cắt giảm, điều chuyển vốn của 35 dự án với số vốn 299,1 tỉ đồng. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thực hiện cắt giảm dự án với số vốn “khủng” lên tới 39.212,2 tỉ đồng, bằng 10,7% kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2011 (349.848,4 tỉ đồng). Các tập đoàn: Điện lực, Dầu khí, Than - Khoáng sản có số vốn cắt giảm so với tổng mức đầu tư là thấp, nhưng con số tuyệt đối lại khá lớn, như Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cắt giảm số vốn lên tới gần 12.160 tỉ đồng; Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) giảm 7.251,6 tỉ, Tập đoàn Than - Khoáng sản 4.787 tỉ, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông 3.000 tỉ... Điều đáng nói là phần lớn các dự án bị đình hoãn (tổng số tới 907 dự án) là do các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào trụ sở, văn phòng, mua sắm thiết bị đắt tiền, không phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Trong số này có không ít trường hợp dự án khởi công năm 2011 nhưng chưa đủ điều kiện đầu tư như chưa rõ nguồn vốn, chưa đủ điều kiện giải phóng mặt bằng... Các dự án này trên thực tế là không có vốn hoặc dự án không khả thi, nhưng cũng được tính vào số vốn được cắt giảm.
Cùng với cắt giảm đầu tư công, đến nay, các Bộ, ngành và địa phương đã cắt giảm 10% chi thường xuyên với số tiền trên 3.850 tỷ đồng, đồng thời tăng cường kiểm soát chi, phấn đấu giảm bội chi xuống dưới 5% GDP.
Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Bộ KH-ĐT, nêu rõ, theo tinh thần Nghị quyết 11, chỉ trừ các dự án cấp bách, phòng chống hậu quả thiên tai lũ lụt, các dự án trọng điểm quốc gia, dự án có sử dụng vốn ODA, còn tất cả các dự án khởi công mới trong năm nay (sử dụng vốn ngân sách nhà nước) đều phải dừng lại để điều chuyển vốn sang các dự án sắp hoàn thành hoặc cấp bách hơn. |
Theo các chuyên gia kinh tế, xu thế hiện nay là ngăn bớt dòng đầu tư công chảy vào nền kinh tế đồng thời với việc khơi thông các luồng vốn xã hội hóa, nhằm tập trung nguồn lực công giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Minh Duy