Cứu sống bé trai nguy kịch do ong đốt

GD&TĐ - Mới đây khoa Hồi sức chống độc (Bệnh viện Sản nhi Nghệ An) đã tiếp nhận một bé trai 11 tuổi trong tình trạng niêm mạc nhợt, khó thở, nước tiểu đỏ, suy đa tạng, men gan tăng, rồi loạn đông máu. Theo chia sẻ của người nhà, bé bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt trên khắp cơ thể.

Bệnh nhi được cứu sống nhờ hồi sức tích cực
Bệnh nhi được cứu sống nhờ hồi sức tích cực

Nhận định đây là ca bệnh đặc biệt, trong tình trạng nguy kịch với khoảng 100 vết đốt trên người khiến toàn thân sưng tấy, các bác sĩ tiến hành hội chẩn khẩn, sau đó tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu liên tục nhiều giờ. Sau điều trị, bệnh nhân đã tỉnh, thoát sốc, chức năng gan, thận đang hồi phục.

Theo bác sỹ chuyên khoa 1 Nguyễn Hùng Mạnh - Trưởng khoa Hồi sức chống độc (Bệnh viện Sản nhi Nghệ An), biện pháp lọc máu liên tục sử dụng hiệu quả cho các trường hợp bệnh nhân suy đa phủ tạng, suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy gan cấp, suy tim kháng trị, viêm tụy cấp, ngộ độc nặng… Kỹ thuật này được triển khai từ năm 2016. Nhờ đó có khoảng 30 bệnh nhân nặng nhập được cứu sống. Trước đây, khi chưa ứng dụng kỹ thuật lọc máu liên tục, các ca bệnh nguy kịch như đã đề cập trên phải chuyển viện lên tuyến trên để điều trị trong tình trạng nguy hiểm.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, ong đốt là tai nạn thường gặp với người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em. Do vậy, khi bị ong đốt, cần nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có ong, đặt người bị ong đốt nằm yên tại chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể. Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra.

Tuyệt đối không dùng tay nặn ép lấy ngòi vì có thể làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể. Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng, uống nhiều nước để loại thải các độc tố. Đưa người bị đốt tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ