Cựu lãnh đạo Pakistan Musharraf bị kết án tử hình trong một động thái chưa từng có

GD&TĐ - Hôm nay (17/12), một tòa án ở Pakistan đã kết án tử hình đối với cựu lãnh đạo quân sự Parvez Musharraf vì tội phản quốc – truyền thông nhà nước đưa tin. Đây là một động thái chưa có tiền lệ tại một quốc gia mà các lực lượng vũ trang thường được miễn truy tố.

Cựu TT Pakistan Parvez Musharraf.
Cựu TT Pakistan Parvez Musharraf.

“Tòa án đặc biệt Islamabad đã kết án tử hình đối với cựu TT Pervez Musharraf vì tội phản quốc” – Đài phát thanh Pakistan cho biết.

Vụ án xoay quanh quyết định của ông Musharraf trong việc đình chỉ hiến pháp và áp đặt quy tắc khẩn cấp vào năm 2007 – luật sư Akhtar Shah của ông cho biết.

Động thái gây tranh cãi trên đã làm dấy lên các cuộc biểu tình chống lại ông Musharraf, dẫn đến việc ông từ chức khi đối mặt với các thủ tục luận tội.

Ông Musharraf đã phải sống lưu vong kể từ khi một lệnh cấm đi lại được dỡ bỏ năm 2016, cho phép ông đi chữa bệnh ở nước ngoài. Từ đó, cựu lãnh đạo 76 tuổi này đã dành phần lớn thời gian ở Dubai và London.

Ông Musharraf sinh ra ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ nhưng cùng gia đình chuyển tới tới Pakistan. Ông lên nắm quyền sau khi lật đổ Thủ tướng Nawaz Sharif trong một cuộc đảo chính không đổ máu năm 1999.

Trong thời gian nắm quyền, ông Musharraf trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, ông đã ít nhất 3 lần thoát khỏi các cuộc ám sát của al-Qaeda.

Việc cai trị của ông không gặp thách thức lớn nào cho tới khi ông cố gắng sa thải một chánh án vào tháng 3/2007, làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc và nhiều tháng hỗn loạn, dẫn đến việc phải áp dụng tình trạng khẩn cấp.

Sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto năm 2007, ông bị cô lập do những tổn thất nặng nề mà những đồng minh của ông phải gánh chịu vào tháng 2/2008.

Sau phán quyết tử hình ông Musharraf, con trai Bilawal Bhutto của ông Bhutto đăng trên Twitter rằng “Dân chủ là sự trả thù tốt nhất”.

Tháng 8/2008, ông Musharraf phải từ chức trước các cáo buộc của liên minh chính phủ mới và phải sống lưu vong. Năm 2013, ông trở lại để tranh cử nhưng bị cản trở tham gia vào các cuộc bỏ phiếu, trong khi phải đối mặt với một loạt các vụ kiện.

Ông Musharraf bị cáo buộc tham gia vào âm mưu giết đối thủ chính trị trước bầu cử - điều mà ông phủ nhận.

Theo Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ