Cười với người ngọng dấu

Cười với người ngọng dấu

(GD&TĐ) - Với sự giàu có về âm điệu, ngữ nghĩa và ngữ pháp, một giờ học Tiếng Việt luôn chứa đựng nhiều hấp dẫn, với những tình huống hài hước bất ngờ. Đặc biệt, với học viên người nước ngoài, chính sự khác nhau về phông văn hóa, hệ ngôn ngữ đã tạo nên những màn cười đầy thú vị…hỗ trợ ghi nhớ bài học tốt hơn.

Đánh vật với thanh điệu

Tiếng Việt có tới 5 dấu và 6 thanh điệu. Việc đưa dấu thanh điệu vào câu nói đúng là ác mộng với người học tiếng Việt.

Anh Tùng, một tài xế Taxi có thâm niên, từng phục vụ nhiều vị khách nước ngoài chia sẻ một tình huống “dở cười, dở mếu” với thanh điệu của “tiếng ta”: Một hôm ế khách cả buổi, đến cuối giờ chiều đang chạy xe lòng vòng thì vớ được ông khách sộp, người “Tây” vẫy xe.

Vừa bước chân lên xe, ông khách đã “bắn” luôn một câu tiếng Việt:  “Cho đến thằng con”. Anh Tùng cố gắng hỏi lại vì vẫn chưa hiểu vị khách muốn nói gì. Ông Tây vẫn hồ hởi: “Thằng con nhé!”… Để đáp lại và cũng ra vẻ mình đã hiểu ý khách đồng thời cũng vì lo mất mối hàng vì gặp đúng ngày “ế ẩm”, anh Tùng “Vâng. Vâng. Yes. Yes…” rồi bắt đầu nghĩ kế hoãn binh, “gọi điện thoại cho người thân”. 

Nghĩ đến cô em họ chuyên dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài, anh Tùng xin phép dừng xe, vờ kiểm tra máy móc và tranh thủ “a lô” cho cô em họ. Anh không khỏi bật cười thích thú khi hiểu ra rằng nơi vị khách Tây đang muốn đến là phố Thành Công. Buồn cười nhất là màn đọc số nhà: “Pốn pa hai”, Thằng Con (432, phố Thành Công).

Hào hứng theo âm điệu trong tiếng Việt
Hào hứng theo âm điệu trong tiếng Việt
 

Sốc văn hóa

Cô Dương Hồng Nhung, giáo viên Tiếng Việt của Trung tâm Việt – Edu chia sẻ: Anh chàng học viên mới, người Pháp, một hôm đến lớp với nét mặt hằm hằm bực bội. Mike bảo:  Sao người Việt Nam lại tò mò thế không biết, toàn quan tâm những chuyện riêng tư, nào là  “Sang Việt Nam lâu chưa?” “Có lấy vợ Việt Nam không?” “Lương tháng bao nhiêu tiền?”… 

Sau một hồi giải thích đó là những câu xã giao, thể hiện sự quan tâm tới người khác, là một nét văn hóa của người Việt, anh chàng Mike mới vui vẻ trở lại. Và anh chàng đã được cô giáo trang bị cho những câu trả lời “tủ” để ứng phó trong những tình huống mang tính chất “kinh điển” này: Tôi mới sang Việt Nam; Có muốn lấy vợ Việt Nam nhưng hiện tại thì chưa; Lương cũng đủ ăn;… 

Cô Nhung kể, Thomas người Đan Mạch, thích 1 cô gái người Việt tuổi Hợi, đến Tết anh ấy băn khoăn không biết chúc gì cho cô gái. Vận dụng hết vốn từ, nói những câu tưởng chừng lãng mạn và thành tâm nhất mà mục tiêu vẫn không lay động. Khi thực hiện tư vấn của giáo viên Tiếng Việt là dùng câu “chúc em hay ăn chóng lớn”, Thomas đã nhận được sự hài lòng của cô gái cùng với cái gật đầu đồng ý làm người yêu của anh.

“Mang vạ” vì đại từ nhân xưng

Chính vì tính thực hành cao của Tiếng Việt mà nhiều lúc các học trò ngoại quốc "nhanh ẩu đoảng", phát kiến ra những câu nói "bất hủ", vừa ngô nghê, vừa ngộ nghĩnh.

John đã lấy vợ người Việt Nam, có gần 2 năm sống và làm việc cùng người Việt. Sau bài học về đại từ nhân xưng, John tỏ ra rất thích thú và nhập tâm. Nhưng đến buổi học hôm sau, vừa vào lớp, anh chàng đã nhăn nhó, thắc mắc: "Cô giáo nói, với người ít hơn mình nhiều tuổi thì  xưng là “chú – cháu” đúng không? Sao John gọi vợ  là "cháu" thì cô ấy lại giận nhỉ ?". 

Bảo Minh

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ