Cuối năm, ùn tắc bủa vây đường cửa ngõ TP HCM

Tình trạng ùn tắc giao thông bủa vây các tuyến đường “cửa ngõ” trên địa bàn TP HCM diễn ra ngày càng nhức nhối, nhất là vào dịp cuối năm…

Ùn tắc kẹt xe ở đường Xa lộ Hà Nội, gần nút giao Đại học Quốc gia, cửa phía Đông TP HCM
Ùn tắc kẹt xe ở đường Xa lộ Hà Nội, gần nút giao Đại học Quốc gia, cửa phía Đông TP HCM

Sống chung với ùn tắc

Ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều 23/12 tại trục đường “cửa ngõ” phía Đông Bắc như: Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, QL13, lưu lượng phương tiện luôn đông đúc, dồn nén. Rất nhiều phương tiện theo đường Điện Biên Phủ đến cầu vượt Hàng Xanh cũng rẽ trái vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khiến tình hình giao thông khu vực này càng trở nên hỗn loạn và thường xuyên ùn tắc.

Theo Sở GTVT TP HCM, hiện TP còn 7 điểm ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp. Nóng nhất trong các điểm cửa ngõ phía Đông như đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ đường Bạch Đằng đến ngã năm Đài liệt sĩ (quận Bình Thạnh). Hay cửa ngõ Tây Bắc, khu vực QL22 đoạn từ vòng xoay An Sương - ngã tư Tân Trung Chánh, quận 12. Đây là tuyến đường độc nhất ở cửa ngõ phía Tây Bắc kết nối vào các quận trung tâm TP HCM.

Đoạn chạy qua cổng bến xe An Sương, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe buýt và xe khách ra vào bến, thường xuyên gây ách tắc nghiêm trọng. Khu vực này càng ùn tắc nghiêm trọng hơn khi dự án hầm chui nút giao An Sương bị ngừng thi công 2 năm nay do thiếu mặt bằng.

Cũng tại khu vực đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Bình) vào giờ cao điểm, lưu lượng xe máy, ô tô, xe tải, xe buýt đổ về rất đông gây ùn ứ kéo dài. Ghi nhận của PV, nhiều người cố gắng chen lấn để đi làm cho kịp giờ, khiến cảnh ùn tắc thêm trầm trọng hơn.

Anh Nguyễn Văn Hùng, thường xuyên đi làm tuyến đường Trường Chinh cho biết: “Khu vực này liên tục kẹt xe vào những giờ cao điểm, tôi phải đi làm từ sớm để… trừ hao. Mỗi lần ùn tắc là đường tắc cứng, ai cũng mệt mỏi vì càng cố chen lấn, nhiều hôm phải mất đến 30 phút mới thoát khỏi đám đông”.

Khổ sở không kém là khu vực ngã ba đường Phó Đức Chính giao với Võ Văn Kiệt, quận 1 (đoạn gần hầm Thủ Thiêm). Vào giờ tan tầm, người dân phải nhích từng chút một do quá nhiều phương tiện di chuyển theo hướng từ quận 1 về các quận 5, 6, 8. Gần khu vực này, còn có nhiều nhà xe đón trả khách nên giao thông càng hỗn loạn. Tuy nhiên, ghi nhận của PV không hề có lực lượng CSGT điều tiết, để bớt ùn tắc.

Còn nhiều điểm tái phát

Theo Sở GTVT TP HCM, hiện toàn TP có 28 điểm ùn tắc giao thông, qua theo dõi có 15 điểm chuyển biến tốt, 7 điểm chuyển biến nhưng còn phức tạp và 6 điểm không chuyển biến.

Trước đó, báo cáo của Sở GTVT cho thấy, năm 2017 TP có 37 điểm ùn tắc, đến nay đã xóa được 9 điểm như: Khu vực Xa lộ Hà Nội - Thảo Điền - Quốc Hương, quận 2; Đường Lã Xuân Oai (từ cầu Tăng Long đến đường Lò Lu), quận 9; QL50 (cầu Ông Thìn), huyện Bình Chánh; Đường Quang Trung khu vực chợ Hóc Môn, huyện Hóc Môn...

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận của PV, nhiều điểm dù đã công bố “hết kẹt” nhưng ùn tắc vẫn liên tục xảy ra. Đơn cử như khu vực Xa lộ Hà Nội - Thảo Điền - Quốc Hương, ùn tắc vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, người dân vẫn khổ sở khi qua lại khu vực này. Mặc dù Sở GTVT đã cải thiện nhiều giải pháp, song ùn tắc không giảm được nhiều là do khu vực trên có rất nhiều căn hộ, chung cư, khu thương mại...

Mới đây Sở GTVT TP HCM trực tiếp có văn bản lấy ý kiến của các cơ quan chức năng của thành phố về việc xóa điểm ùn tắc giao thông trong năm 2019 và bổ sung các điểm có nguy cơ cao về ùn tắc giao thông trong năm 2020. Sở GTVT TP HCM cho rằng, theo dõi tại trung tâm điều khiển giao thông, năm 2019 đã giảm được 6 điểm, có thể “xóa” khỏi danh sách 28 điểm ùn tắc.

6 điểm gồm: Giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư, quận 7; giao lộ Lê Văn Việt - Đình Phong Phú, quận 9; giao lộ Tô Ngọc Vân - TX25, quận 12; Quốc lộ 1 - Khu vực cầu Bình Điền, huyện Bình Chánh; đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp; ngã tư Thủ Đức, quận 9 và quận Thủ Đức.

Theo Sở GTVT, hiện mới chỉ là ý kiến của Sở GTVT về việc TP đã giảm 6 điểm ùn tắc trong năm qua và còn phải chờ ý kiến của các đơn vị liên quan xác nhận hay bổ sung các điểm phát sinh mới trong năm 2019.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, với 28 điểm ùn tắc, hàng năm đơn vị này đều phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch xử lý. Qua theo dõi đến cuối năm sẽ xóa thêm 4 điểm. Riêng những điểm ùn tắc ở các “cửa ngõ” như: Nút giao An Sương, QL 22; đường Trường Chinh, quận Tân Bình… sau khi hoàn thành các dự án mở rộng, cải tạo, tình hình ùn tắc sẽ bớt nóng hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban Chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho rằng, tình hình ùn tắc trên địa bàn diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân như: Lượng phương tiện đông, sự cố tai nạn, ảnh hưởng các dự án đang thi công…

Theo ông Tường, trong các nguyên nhân trên, rõ nhất là số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông phát triển không đáp ứng kịp. Đồng thời, cũng phải thừa nhận, TP HCM chưa có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân hiệu quả.

“Cùng đó, tình trạng buôn bán, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè và chợ tự phát vẫn phức tạp. UBND một số quận, huyện chưa tập trung kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp tái lấn chiếm để kinh doanh, khiến ùn tắc nghiêm trọng hơn”, ông Tường nói.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ