(GD&TĐ) - Cuộc thi viết về “Cô giáo của tôi” tới thời điểm hiện nay đã đi sắp hết chặng đường, Ban biên tập (BBT) đã nhận được rất nhiều bài của độc giả từ các nơi gửi đến. Bao ân tình cùng nỗi niềm yêu thương, lòng biết ơn các cô giáo đã được gửi đến Tòa soạn hơn 1 năm qua. BBT đã nhận được gần 70.000 bài của thầy trò từ các trường Mầm non tới các trường ĐH, Cao đẳng gửi về tham dự cuộc thi.
Đong đầy cảm xúc
Mỗi bài viết là mỗi cách thể hiện khác nhau, mỗi bài viết là mỗi gương mặt cô giáo thân yêu hiển hiện lên, với những diện mạo, tấm lòng cụ thể. Các tác giả đã cố gắng thể hiện thành công, hoặc ít ra cũng tương đối thành công, về cô giáo thân yêu của mình trong cách nhìn trìu mến, biết ơn, cả sự sám hối bởi lỗi lầm tuổi học trò. Chính sự khác biệt đó đã tạo nên sức hấp dẫn, phong phú của cuộc thi này.
Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đã gửi qua đường bưu điện hàng trăm, hàng ngàn bài dự thi. Ngoài những bài viết của tập thể giáo viên được đánh máy cẩn thận, đóng bìa trang trọng gửi đến tham gia dự thi, còn có cả những trường THCS, thậm chí, Tiểu học cũng gửi bài đến tham gia, với nét chữ cẩn thận, tròn trĩnh và ngay ngắn của các em như Trường Tiểu học Gia Thụy, (Long Biên, Hà Nội) với 1.038 bài dự thi.
Đó là 1.038 cách nhìn nhận ngây thơ và trong sáng, đáng yêu về cô giáo của mình. Trường Tiểu học A Hợp Lý, Lý Nhân, Hà Nam cũng vậy. 57 bài dự thi của các em đã được các thầy cô đóng gói cẩn thận gửi về, như một sự quan tâm, yêu thương các em, như một sự ký thác tâm tình gửi trao về đạo thầy trò hiện nay, ở một lứa tuổi còn ngây thơ, trong sáng.
Lứa tuổi chỉ biết đến cánh diều, chú dế, tiếng ve và được chăm sóc đặc biệt bởi cha mẹ, ông bà, thầy cô. Nét bút tăm tắp, rõ ràng, đẹp đến bất ngờ của các em lớp 2, lớp 3 đã khiến BBT xúc động. Bởi còn quá nhỏ, các em chưa thể bộc lộ hết cảm nhận sâu sắc của mình về cô giáo kính yêu, nhưng qua những dòng chữ ngắn ngủi, ngây thơ của tuổi học trò, các em đã thể hiện được sự tôn kính, đầy rung động, yêu thương với cô giáo của mình.
Các trường: THCS Nghĩa Đạo (Thuận Thành, Bắc Ninh); THCS Nhân Hưng (Lý Nhân, Hà Nam); THCS Liêm Cần, (xã Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam); THCS An Hòa 1 (phường An Hòa, Quận Ninh Kiều, Cần Thơ); THCS Triệu Sơn (Triệu Phong, Quảng Trị) đã tham dự cuộc thi ngay từ những ngày đầu tiên.
Có thể, do tuổi tác, vốn sống chưa có gì nhiều nên bài viết các em mới ở sự miêu tả cô giáo như thực tế các em nhìn nhận thấy, nhưng những trang viết đầy xúc cảm, trong sự biết ơn, yêu thương trìu mến đã khiến người đọc xúc động. Qua những “tác phẩm” của các tác giả nhí, ta vẫn nhận ra bao yêu thương, được đong đầy trong những câu chữ vụng dại của các em.
Nét đẹp cô trò |
Khơi dậy tinh thần tôn sư trọng đạo
Đặc biệt, tập thể học sinh trường Nội trú dân tộc Na Rì (Bắc Kạn) đã gửi tới BBT những bản thảo được viết bằng tay bởi những tấm lòng của các học sinh dân tộc Bắc Kạn. Đa số những bài gửi đến chưa thể gọi là tác phẩm, bởi chữ viết các em còn vụng về, nguyệch ngoạc, khi bộc lộ cảm xúc về cô giáo thân yêu của mình, nhưng việc cả một tập thể học sinh gửi bài viết tham dự cũng cho thấy rằng, các trường, nhất là BGH đã thực sự thấy ý nghĩa cuộc thi - nhất là ý nghĩa của việc “Tôn sư trọng đạo” thời nay ở một một vùng núi còn thiếu thốn trăm bề.
Tập thể 10 GV trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Điện Biên) cùng viết về một cô giáo tên Vương. Các bài viết giống nhau về hành văn, cùng phong cách biểu hiện và cùng viết về một nhân vật, nên BBT không biết ai là tác giả chính thức của bài viết. Mặc dầu nội dung tương đối tốt, có nhiều chi tiết cảm động về cô giáo Vương, nhưng do sự “trùng lặp, giống nhau một cách đặc biệt” như vậy, BBT khó có thể sử dụng bài cho các bạn được.
Một số tác giả khác có gửi thư qua email của báo và BBT, nhưng bài không thể sử dụng vì viết sơ sài, mong các bạn thông cảm.
Cuộc thi đã đi gần hết chặng đường. Đã hé lộ những cây bút viết tham gia rất hăng hái, nhiệt tình với những bài viết xúc động trong văn phong hấp dẫn.
BBT rất mong ở cuối chặng đường trong cuộc thi này, các bạn sẽ tham gia tích cực, tìm được những tấm gương điển hình về nhân cách, về sự đóng góp của cô giáo của mình. Có thể các bạn là người nghe được câu chuyện, hoặc các bạn tìm đến và viết sau khi phát hiện ra “cô giáo” của mình có ảnh hưởng rất lớn về mặt uy tín trong xã hội. Có thể đó là một cô giáo bình thường như bao cô giáo khác, nhưng với bạn, với tác giả lại là người có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình phát triển nhân cách cũng như là người quan trọng trong những bước ngoặt cuộc đời của bạn...
Việc kể một câu chuyện về một cô giáo có ý nghĩa trong cuộc đời của mình, hay của bạn bè, hay của con cái đều có thể được, nếu như trong câu chuyện của bạn viết, có gương mặt, diện mạo, có tính cách, có thân phận, cuộc đời riêng của cô giáo. Những bài viết chung chung, không có yếu tố thuyết phục, với những mỹ từ, đại ngôn... BBT đều không thể sử dụng.
Mong các bạn lưu ý.
Bài vở gửi về: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hoặc qua email: baogdtd@gmail.com; và qua email: chuthithom@gmail.com. Các bạn cần ghi rõ tên tuổi và địa chỉ, điện thoại để TS gửi báo biếu và nhuận bút. Trường hợp chưa nhận nhuận bút và báo biếu, các bạn hồi âm lại địa chỉ và email của Báo, chúng tôi sẽ chuyển tới các bạn trong thời gian sớm nhất. Cảm ơn sự cộng tác của các bạn, mong các bạn tiếp tục cộng tác. |
BBT