Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải cho các tác giả đoạt giải nhì |
Lễ trao giải diễn ra sáng nay đã khép lại cuộc thi phối hợp phát động giữa Báo Gia đình và Xã hội (Thường trực Ban tổ chức cuộc thi), Báo Giáo dục và Thời đại, Tuần Báo Văn nghệ, Báo Người cao tuổi, Hệ phát thanh có hình (Đài Tiếng nói VN) và Website lucbat.com. Đây là một trong nhiều hoạt động văn nghệ hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhằm khuyến khích phong trào sáng tác thơ lục bát, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Chỉ trong hơn 6 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được trên 15.000 tác phẩm dự thi của hơn 1000 tác giả trên khắp mọi miền đất nước. Các tác phẩm tham dự hầu hết đều hướng tới chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa và mọi mặt đời sống con người Việt Nam nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Trong 74 tác phẩm xuất sắc nhất lọt vào chung kết, Hồi đồng Chung khảo gồm Nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng); Nhà thơ Vũ Quần Phương; Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu; Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc (TBT Báo GĐ&XH – Trưởng ban Tổ chức cuộc thi) đã xét chọn ra 4 giải Nhì, 7 giải Ba, 7 giải Tư và không có giải Nhất.
Ban tổ chức làm việc |
Tuy không có giải nhất nhưng nhìn một cách tổng thể, cuộc thi đã thành công ngoài mong đợi, không chỉ từ số lượng các tác giả, tác phẩm tham gia mà quan trọng là khơi gợi lại tình yêu với thi ca nói chung, với thể thơ truyền thống của dân tộc nói riêng từ nhiều tầng lớp người dân.
Như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi nhận xét: “Trong lúc làng thơ hiện nay không ít người say sưa tìm tòi hình thức, rút lui vào cá nhân thì cái được nhất của cuộc thi lục bát này là mở ra với đời thường, phát hiện chất thơ của đời thường, sục vào mọi ngõ ngách của đời sống để đãi lấy thơ. Và cái tài thể hiện đậm nhất trong cuộc thi này là sự tiếp cận với thế giới quanh ta, nghiền ngẫm, chuyển hóa nó thành chất liệu của tâm hồn”.
Từ thành công đáng khích lệ này, Ban tổ chức mong muốn sẽ duy trì cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ” thành giải thưởng hàng năm.
Báo GD&TĐ điện tử xin giới thiệu tới quý độc giả 4 tác phẩm thơ đạt giải cao nhất của cuộc thi:
Chợ đêm Long Biên
Buôn đêm để bán sáng ngày
Một vùng không ngủ kề ngay phố phường
Ngợp trời rau quả muôn phương
Về đây từ khắp nẻo đường bán mua.
Chợ đêm dù bão dù mưa
Vẫn đông người vợ, vẫn thưa người chồng
Chuyển khuân, bốc dỡ, gánh gồng
Nón che kín mặt, kiếm đồng sinh nhai
Nữ nhi cửu vạn đêm dài
Vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người
Giữ lành quả ngọt, rau tươi
Chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem
Mồ hôi, sương muối ố hoen
Buốt lưng cửu vạn đã quen với nghề
Đồng công năm bảy xẻ chia
Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con
Chợ trăng đêm khuyết đêm tròn
Khiêng sương, vác gió cũng mòn hai vai
Bữa ngon, hiểu được mấy ai?
Chỉ cây cầu biết, thở dài với sông.
(Nguyễn Thị Mai)
***
Dì tôi
Dì tôi vóc hạc tựa bà
Dì đong bán cám quanh nhà mình thôi
Chắt chiu như kiến tha mồi
Tết nào cũng đỏ một nồi bánh chưng
Dì tôi ở giữa phố đông
Quanh năm chợ búa mà không thấy giầu
Người ta mấy bậc nhà lầu
Dì tôi lưng áo vẫn mầu… nhà quê
Phố dài lắm kiểu người đi
Chợ đông thương buổi tóc dì tôi xanh
Lấy chồng chịu cảnh chiến tranh
Nuôi con đành phận dụm dành cho con
Dì tôi chắt cạn lòng son
Như trăng lọc sáng giữa vòm sao khuya
Tu chùa còn được ngắm bia
Còn hương khói với trời kia đất này
Dì tôi tu chợ ngày ngày
Bao nhiêu cay cực đoạ đày dì tôi
Cám thơm mùi gạo cám ơi!
Giấu trong vỏ trấu đầy vơi nỗi niềm…
(Đoàn Nguyên)
***
Làng trong phố
Mơ về thành phố thênh thang
Lạ chưa tôi gặp cổng làng ngày xưa
Rêu mờ dầu dãi nắng mưa
Có cây đa cỗi gió đưa lá cành
Tên làng có tự xa xanh
Làng Mọc, làng Cót, làng Canh, làng Vòng…
Bao mồ hôi của cha, ông
Qua thăng trầm chắt từ trong nỗi niềm
Từ ngày phố xá mọc lên
Thấp cao nhà ống dựng chen sân đình
Giữ sao cái nghĩa, cái tình
Tối đèn, tắt lửa gọi mình, gọi ta?
Thôi thì thế cũng phải mà
Cái “thời kinh tế” bung qua xóm làng
Đất đai tính đổi bằng vàng
Lấp từ rãnh nước, lấp sang ao chùa.
Chỉ thương cánh vạc, cánh cò
Cứ về chốn cũ ngẩn ngơ kiếm tìm
Hội làng tôi gặp lại em
Tóc nâu, váy cụt hồn nhiên dỗi hờn
Làng giờ lên phố lên phường
Trăng xưa nhòa ánh điện đường ngõ quê
Tôi theo bè bạn học nghề
Rồi xa, có mấy khi về được đâu
Bà tôi bỏm bẻm nhai trầu
Vẫn ngồi cái quán chẳng cầu bán, mua
Vuông đất nhỏ, gốc đa xưa
Cứ như cái thuở bà chưa lấy chồng.
(Hồ Phong Tư)
***
Nửa trời trăng khuyết
Từ ngày vắng bặt tin anh
Hình như một nửa trời xanh nhạt màu
Chiến trường khuất nửa xa sâu
Mây đêm vương nửa khuyết vào vầng trăng.
Nhà ta nửa lệch, nửa bằng
Nắng chênh nửa sáng, sương giăng nửa chiều
Cây nhang cháy nửa liêu xiêu
Tóc em nửa bạc vì nhiều buồn đau.
Mẹ ngừng nhai nửa miếng trầu
Lặng nhìn tấm ảnh nửa màu phôi phai
Thương con lòng mẹ chia hai
Nửa sau khung cửa, nửa ngoài mái hiên.
Ruộng nhà hai nửa mùa chiêm
Nửa phơi nắng hạn, nửa chìm lũ mưa
Thiếu người cày sáng, cuốc trưa
Khuyết, tròn hạt lúa nửa mùa trồng gieo.
Nhà chia nửa sáng, nửa chiều
Mới qua được nửa kiếp nghèo rạ rơm
Giá nhà còn đủ mặt con
Mẹ đâu nên nỗi nửa buồn, nửa lo.
Nửa đêm nghe gió trở mùa
Nhớ, thương hai nửa, lạnh lùa vào tim
Trăng mây nửa nổi, nửa chìm
Nửa đi xa khuất… nửa tìm bóng nhau…
(Quang Chuyền)
Hiếu Nguyễn