(GD&TĐ) - Buổi sớm, Trại giam Thanh Lâm chìm trong sương mờ. Khi ánh mặt trời bừng lên le lói, chúng mới dần tan ra rồi lại qui tụ giăng trắng lưng chừng núi. Những dãy núi xanh trùng điệp nối tiếp nhau chạy dài tít tắp bắt đầu xuất hiện. Xen lẫn màu xanh bạt ngàn của rừng cây là những mái nhà khang trang. Đến Trại giam Thanh Lâm hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng vì đổi thay nhiều quá!
Lao động tại xưởng chế tác đá. ảnh gdtd.vn |
Khi mới thành lập năm 1979 với tên gọi Khu sản xuất Thanh Lâm, nơi đây hoang vu lắm. Bốn bề núi rừng bao phủ âm u, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Từ TP Thanh Hóa lên Khu sản xuất Thanh Lâm đường dài hơn trăm cây số mà phải đi mất mấy ngày mới tới nơi. Đấy là khi trời không mưa. Còn nếu mưa, khu vực này bị cô lập hoàn toàn. Thêm vào đó dịch bệnh sốt rét xẩy ra liên miên. Không ít phạm nhân và cả cán bộ của trại mắc bệnh ngã nước. Cơ sở vật chất tuềnh toàng, nhà tranh nứa lá. Khó khăn chồng chất khó khăn. Có lúc tưởng như con người nơi đây không thể cầm cự nổi trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thiếu thốn mọi bề.
Nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường, con người đã từng bước cải tạo thiên nhiên, phục vụ cho cuộc sống mới. Từ chỗ chỉ là nơi quản lý số đối tượng tù tha thuộc diện cư trú bắt buộc, mươi năm sau, khu sản xuất Thanh Lâm được nâng cấp thành trại giam. Giờ thì Trại giam Thanh Lâm đã có qui mô rộng lớn, quản lý hơn 3000 ha cả đất nông nghiệp và đất rừng nằm trên huyện miền núi Như Xuân của tỉnh Thanh Hóa. Một mảnh đất giàu tiềm năng song vẫn còn khó khăn, thách thức như người dân ở đây thường nói: “ruồi vàng, bọ chó, gió Lào”. Thiên nhiên khắc nghiệt và công tác cải tạo phạm nhân ở đây cũng khắc nghiệt không kém.
Ở đây, những người từng lầm lỡ được tạo điều kiện để làm lại cuộc đời. ảnh gdtd.vn |
Đến trại giam, thời gian như trôi thật chậm. Sáu giờ sáng, tiếng kẻng vang lên, phạm nhân lục tục ra khỏi phòng, xếp hàng đi lao động. Có lẽ, niềm vui lớn nhất ở trại giam đối với phạm nhân là được lao động. Đến xưởng sản xuất đá mỹ nghệ nghe tiếng máy chạy xe xé. Phạm nhân ai cũng chăm chú làm việc. Nơi khâu bóng thì bớt ồn ã hơn, nhưng do đặc thù công việc nên mọi người vừa làm vừa có thể nói chuyện rôm rả. Ở một góc nhà xưởng, phạm nhân Hoàng Văn Luận, sinh năm 1977 quê ở Hưng Yên cứ lặng lẽ miệt mài ngồi khâu bóng, ít chuyện trò với ai. Một ngày Luận khâu được hai quả bóng – một thành tích thuộc loại tay nghề đáng nể! Những đường kim mũi chỉ đâm lên đâm xuống, Luận thao tác cứ nhoay nhoáy. Ai thấy cũng kinh ngạc. Luận là trí thức mà làm thủ công giỏi ra phết. Trước kia anh làm kế toán trưởng chi nhánh của một ngân hàng. Công danh sự nghiệp lên như diều gặp gió. Luận có hai bằng đại học tại Học viện Tài chính, Đại học Thương mại và đang chuẩn bị bảo vệ tốt nghiệp thêm bằng đại học thứ ba tại Học viện Ngân hàng thì bị đi tù vì tội tham ô. Cái máu cờ bạc trong người đã giết chết đời Luận! Luận vốn mê bóng đá rồi dính vào đường dây cá độ, không dứt ra được. Càng thua Luận càng cá độ với số tiền cấp số nhân những mong gỡ gạc. Nhưng Luận càng thua đậm, nợ hơn chục tỷ đồng. Bí quá, Luận lập phiếu khống lấy tiền của ngân hàng chuyển cho đối tượng thắng độ.
Thời gian đầu mới vào trại cải tạo chẳng bao giờ thấy Luận cười. Luận cũng không muốn cải tạo lao động. Chao ôi, trả án chung thân thì còn gì là đời. Lao động cải tạo tốt hay không tốt có ý nghĩa gì đâu. Nhưng Luận không chịu lao động cải tạo là vì còn có một nhẽ khác. Ấy là Luận bức xúc đòi sự công bằng của pháp luật. Một cái phiếu chuyển tiền của Luận có đến ba chữ ký, gồm nhân viên kế toán, kế toán trưởng và giám đốc chi nhánh sao mỗi mình Luận phải chịu cảnh tù đầy? Trong một năm Luận chuyển tiền của ngân hàng cho “đối tác” cá độ bóng đá hơn 40 lần, khi quyết toán cuối năm chẳng ai phát hiện ra. Tuy vậy, Luận biết việc lập phiếu khống chuyển tiền sớm muộn gì cũng bị lộ. Luận muốn tự thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Và Luận tự thú thật. Nhưng sao pháp luật vẫn xử hắn tù chung thân? Thế thì thiệt thòi cho hắn quá.
Giờ thì Luận đã thụ án ở Trại giam Thanh Lâm được hơn hai năm. Luận lao động, sinh hoạt ở đội 5, phân trại 1 dưới sự quản lý giáo dục của quản giáo Hưng. Quản giáo Hưng trẻ tuổi, chưa đầy ba mươi. Nhưng môi trường công việc khiến anh già giặn trước tuổi. Cũng phải thôi, đội của Hưng lúc nào cũng có vài chục phạm nhân. Trong một năm, phạm nhân chuyển đến chuyển đi biết bao lần. Mỗi phạm nhân chuyển đến, Hưng đều phải tìm hiểu hoàn cảnh của họ một cách toàn diện để phục vụ công tác quản lý và cải tạo. Mỗi phạm nhân đều là một mảnh đời bất hạnh. Những người càng chứng kiến nhiều nỗi bất hạnh nhân gian thì càng già trước tuổi. Từ khi về Trại giam Thanh Lâm công tác, quản giáo Hưng đã giáo dục, cải tạo được nhiều phạm nhân tiến bộ, được giảm án, đặc xá. Thế mà sao lần này việc giáo dục, cảm hóa Luận lại khó khăn đến vậy? Dùng nội qui trại giam để xử lý kỷ luật cũng chỉ khiến cho tay chân Luận động đậy hơn một chút, chứ tư tưởng hầu như không lay chuyển, luôn có suy nghĩ tiêu cực, bế tắc, bi quan với cuộc sống.
Với các phạm nhân ở đây, họ đang quyết tâm "vá" lại cuộc đời. ảnh gdtd.vn |
Không chịu lùi bước trước khó khăn thử thách, quản giáo Hưng đã nghiên cứu tỷ mỷ hồ sơ, hoàn cảnh của Luận và tìm được căn nguyên của vấn đề. Luận đang bức xúc mà bức xúc nhất là tại sao anh ta đã tự thú mà không được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật? Quản giáo Hưng đã phải khéo léo nhẹ nhàng nói lại. Anh đã bồi thường thiệt hại cho Nhà nước chưa? Anh thử nghĩ xem, nếu cứ tham ô tiền của Nhà nước rồi tự thú để được khoan hồng thì đất nước này sẽ có bao nhiêu người muốn “hy sinh đời bố củng cố đời con”?
Mưa dầm thấm lâu, quản giáo Hưng kiên trì giáo dục thuyết phục, cảm hóa rồi Luận cũng nhận thức ra vấn đề, yên tâm cải tạo. Từ lúc biết hối cải, lúc nào Luận cũng thương cha mẹ, nhớ vợ con. Luận nhớ cuộc sống tự do. Nhớ những buổi chiều hết giờ làm việc được cùng với bạn bè bù khú đôi ba vại bia hơi trên vỉa hè Hà Nội. Luận thấy mình đã gây ra nỗi đau cho gia đình lớn quá. Đi tù, Luận đã lấy đi biết bao giọt nước mắt của mẹ cha, của người vợ trẻ và đứa con thơ dại gọi tiếng cha còn chưa tròn vành rõ chữ.
Hình như khi đã nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, con người ta càng làm việc hăng say hơn. Bây giờ thì Luận kiên trì học và khâu thành thạo những quả bóng tròn. Quả bóng mà mấy năm trước vì nó mà đời Luận bị xoáy rơi vào vòng tố tụng, mất hết cả cơ nghiệp, tự do. Nhưng quả bóng trong trại giam mà Luận làm ra lại hoàn toàn khác. Nó không tròn trịa dễ thấy như trên màn hình ti vi. Nó cũng tròn nhưng là tròn bởi những mảnh ghép mà chính tay Luận khâu vá vã mồ hôi, rát tay mà thành. Thế nên từ khi vào trại cải tạo, Luận hiểu về quả bóng lắm. Quả bóng cũng như con người ngoài đời, dễ “lăn” đủ hướng. Nhưng nếu “lăn” không cẩn thận rất dễ rơi vào dốc trượt lầm lỗi không phanh.
Cải tạo tốt, Luận được hưởng chế độ thăm nuôi ngày càng nới rộng hơn. Trước vài ba tháng vợ Luận được lên thăm một lần và chỉ có một tiếng đồng hồ hàn huyên. Tình cảm vợ chồng bao năm quen hơi bén tiếng mà bỗng chốc “anh ở trong song sắt em ở ngoài song sắt” mới thật khiến người ta cảm động làm sao! Mỗi lần gặp vợ, Luận ngây người như tượng đá. Còn người vợ thì cứ sụt sịt nước mắt vắn dài. Bây giờ thì Luận được thăm gặp người nhà mỗi tháng một lần trong vòng 24 tiếng, được nhận quà đến bảy cân, rất phấn khởi.
Cứ khi có thời gian là vợ Luận lại sắp xếp công việc lên Thanh Lâm không chỉ thăm chồng, động viên anh cải tạo thật tốt, sớm trở về với thằng cu Bi mà còn bởi chị đã cảm mến khung cảnh núi rừng hùng vĩ nơi đây. Đêm nằm cạnh chồng, chị hào hứng nghe Luận kể về lịch sử Trại giam Thanh Lâm. Cái thủa ban đầu mảnh đất này rừng núi hoang vu lắm. Nhưng bằng sự đồng cam cộng khổ của cán bộ, chiến sỹ Trại giam Thanh Lâm và sự nỗ lực lao động, cải tạo của phạm nhân đã biến khu rừng thiêng nước độc nơi đây thành mảnh đất mầu mỡ, hồi sinh cho biết bao mảnh đời lầm lỡ. Buổi sáng, mở cửa sổ phòng hạnh phúc, những làn gió tinh khiết ùa vào trong trẻo. Bên ngoài, tiếng chim rừng hót véo von. Vợ chồng Luận thấy cuộc đời thật tươi đẹp và ngày đoàn tụ của gia đình mình dường như đang đến rất gần./.
Trà My