Một số mục tiêu chế tạo, gồm cả máy bay chiến đấu và vũ khí phòng không, dự kiến sẽ được tung ra vài năm tới. Sự tăng cường này diễn ra trong bối cảnh ngày càng nảy sinh nhiều điểm nóng giữa Nga và phương Tây, như khu vực Đông Âu, Trung Đông, hay vấn đề biển Đông đối với Trung Quốc. Nó cũng đẩy các nước phương Tây thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất những loại máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Hai tháng trước, Không quân Mỹ đã nhận được chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới nhất, F-35 Joint Strike Fighter. Được thiết kế để không bị phát hiện, chiếc máy bay được chế tạo với số lượng giới hạn, và nó có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công cực kỳ chính xác trong bí mật. Trong khi đó, chiếc máy bay được mệnh danh Ferrari trong lĩnh vực máy bay chiến đấu, F-22, vẫn còn tương đối mới mặc dù được giới thiệu lần đầu vào năm 2005. Nó được thiết kế để bắn hạ mọi máy bay đối phương trong khi vẫn đang bay với vận tốc March 2 (gấp 2 lần vận tốc âm thanh), gần đây, nó được nghiên cứu phát triển thêm những biến thể như một máy bay ném bom và thu thập thông tin tình báo trong lãnh thổ đối phương.
Hiện tại, hơn 3/4 số máy bay trong Lực lượng Không quân Mỹ sử dụng những loại được nghiên cứu trong thập niên 1970, như chiếc chiến đấu cơ phản lực F-15 được sử dụng rộng rãi từ 1975, F-16 được sử dụng từ 1979, hay F/A-18 được Hải quân Mỹ trang bị cho các tàu sân bay vào năm 1978.
Những chiếc máy bay cũ cũng là xương sống của lực lượng không quân của nhiều đồng minh châu Á và châu Âu, cùng với máy bay mới hơn như Rafale do Pháp và Typhoon do Eurofighter sản xuất. Trong khi đó, Nga đang có kế hoạch để bắt đầu sản xuất những chiếc máy bay thế hệ thứ 5 mới nhất của mình, chiếc Sukhoi T-50 vào năm 2018. Đây là mẫu máy bay phản lực hai 2 động cơ, nó được trang bị nhiều thiết bị điện tử tinh vi có khả năng phát hiện đối phương ở khoảng cách hàng nghìn km.
Đối với Trung Quốc, lực lượng không quân nước này “đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các lực lượng không quân các quốc gia phương Tây”, Lầu Năm Góc cho biết trong bản Báo cáo Đánh giá Năng lực Quân sự của Trung Quốc hàng năm được công bố hồi tháng 5.
Theo những thông tin trong Báo cáo, Trung Quốc đang nghiên cứu máy bay J-20, có chức năng tương tự như F-22 của Mỹ và đã có chuyến bay đầu tiên hồi năm 2011. Năm 2012, Bắc Kinh cũng bắt đầu thử nghiệm FC-31, một loại máy bay giống F-35. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản đối việc công bố bản Báo cáo tháng 5 do Mỹ đưa ra, họ cáo buộc Mỹ “bình luận không đúng” về các vấn đề phát triển vũ khí của Trung Quốc.
Để đối phó với những mối đe dọa mới từ các loại vũ khí của Nga và Trung Quốc, Không quân Mỹ, trong một đánh giá gần đây về khả năng chiến đấu, đã đề nghị phát triển thêm nhiều loại tên lửa tầm xa và máy bay khác có khả năng tấn công các mục tiêu ngoài giới hạn phòng thủ của đối phương. Cùng với đó, Hải quân Mỹ trong tháng 5 vừa qua, cho biết sẽ thực hiện kế hoạch thay thế toàn bộ máy bay chiến đấu F/A - 18E/F Super Hornet trên các tàu sân bay trong vòng 18 tháng, với số lượng lên đến 2.035 chiếc.
Bộ Quốc phòng các nước tại khu vực châu Âu (EU), bao gồm Anh, cũng đang bắt đầu xem xét việc phát triển loại máy bay thế hệ mới nhất (thế hệ 5). Hành động này xuất phát từ những lo ngại và căng thẳng, sau khi Nga triển khai quân đội áp sát lãnh thổ phía Đông Nam châu Âu và việc chiếm đóng bán đảo Crưm của Ukraine. Hiện chính phủ Đức cũng có hành động tương tự, nước này muốn có một loại máy bay chiến đấu mới, nhằm thay thế phi cơ Tornados, vốn đã phục vụ trong không quân nước này từ 37 năm trước.