Ngoài đỉnh điểm là cuộc chiến tranh năm 1962, hai nước còn có hàng loạt trận đụng độ khác và vụ mới đây hôm 15/6 đã gây ra thương vong mang tính lịch sử.
Khi còn cai trị lục địa Ấn Độ, thực dân Anh đã tổ chức một hội nghị quốc tế năm 1914 với giới cầm quyền Trung Quốc và Tây Tạng để thiết lập đường biên giới giữa các bên được gọi là Đường ranh giới McMahon. Sau đó hơn 30 năm, Ấn Độ tiếp quản tuyến đường biên giới này khi giành được độc lập năm 1947.
Tuy nhiên, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đã không công nhận Đường ranh giới McMahon, đồng thời tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ rộng 90.000 km2 bao gồm phần lớn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Bối cảnh lịch sử này đã khiến đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc không bình yên suốt từ khi hai nước tuyên bố độc lập đến nay.
Cuộc chiến tranh 1962
Tranh chấp biên giới lần đầu tiên bùng lên trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru tới Bắc Kinh năm 1959. Trong chuyến đi này, Thủ tướng Nehru đã đặt câu hỏi với chủ nhà Trung Quốc về đường biên giới và Thủ tướng Chu Ân Lai đáp rằng, Bắc Kinh không chấp nhận ranh giới vạch ra dưới thời thực dân cai trị.
Sau đó căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc và Ấn Độ năm 1962. Ngày 20/10 năm đó, Trung Quốc bất ngờ đổ quân ồ ạt vượt biên giới vào lãnh thổ Ấn Độ tại khu vực Ladakh. Cuộc chiến không cân sức khi có tới 80.000 quân Trung Quốc giao tranh với khoảng 12.000 quân Ấn Độ trong thế bị động.
Cuộc chiến chủ yếu diễn ra tại những khu vực hiểm trở có độ cao trên 4.000 mét của dãy Himalaya. Ngày 21/11/1962, Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn và rút quân khỏi lãnh thổ Ấn Độ. Cuộc chiến tranh chớp nhoáng chỉ kéo dài trong 4 tuần nhưng đã khiến 1.383 lính Ấn Độ thiệt mạng và 1.047 lính bị thương. Con số thương vong của phía Trung Quốc không được công bố chính thức.
Kết quả, Trung Quốc đạt được mục tiêu khi phát động chiến tranh, tái chiếm được Aksai Chin, một hành lang chiến lược nối Tây Tạng với miền Tây Trung Quốc. Phía Ấn Độ hiện vẫn đòi chủ quyền toàn bộ khu vực Aksai Chin này cũng như thung lũng Shaksgam do Trung Quốc kiểm soát ở phía bắc Kashmir. Sau cuộc chiến, Ấn Độ và Trung Quốc đã tạm phân chia biên giớivới nhau gọi là "Đường kiểm soát thực tế" (LAC), có chiều dài hơn 3.200 km chạy dọc dãy núi Himalaya.
Kể từ đó, đường ranh giới LAC đã làm giảm đáng kể nguy cơ xung đột bùng nổ thành chiến tranh giữa hai nước. Tuy nhiên, nhiều khu vực chạy dọc theo tuyến đường này vẫn luôn tiềm ẩn căng thẳng do hai bên chưa thể đi đến đàm phán về một đường biên giới chính thức.
Các cuộc xung đột đổ máu
Các vụ chạm trán giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc dọc tuyến LAC xảy ra nhiều lần, nhưng thỉnh thoảng mới bùng lên thành các cuộc đụng độ chết người. Năm 1967, quân Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu nhau bằng pháo binh tại điểm nóng Nathu La, con đèo cao nhất của Ấn Độ ở Đông Bắc bang Sikkim nằm kẹp giữa Bhutan, Tây Tạng và Nepal. Sau một loạt vụ giao tranh, phía Ấn Độ cho biết họ mất khoảng 80 binh sĩ và Trung Quốc mất tới hơn 300 người.
Lần gần đây nhất Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ gây đổ máu là năm 1975 tại khu vực Tulung La, thuộc bang Arunachal Pradesh. Ấn Độ cáo buộc quân Trung Quốc đã tràn qua biên giới, tổ chức phục kích làm 4 binh sĩ nước này thiệt mạng, nhưng Bắc Kinh bác bỏ việc mình xâm phạm lãnh thổ đối phương.
Sau hơn 4 thập kỷ không xảy ra vụ đụng độ lớn, đến năm 2017 Ấn Độ và Trung Quốc lại bị đẩy đến bên bờ vực một cuộc chiến tranh biên giới mới. Căng thẳng bắt đầu khi Ấn Độ điều binh tới ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường ở cao nguyên Doklam, dẫn đến binh sĩ hai bên luôn trong tư thế đối đầu nhau và sẵn sàng nổ súng trong suốt một tháng.
Cao nguyên Doklam do Bhutan kiểm soát có vị trí vô cùng chiến lược, có thể cho phép Trung Quốc tiếp cận dải đất hẹp kết nối các bang miền Đông Bắc Ấn Độ với các bang còn lại của nước này. Đó là lý do Ấn Độ kiên quyết không cho Trung Quốc triển khai xây dựng một con đường tại đây. Cả Trung Quốc và Bhutan đều tuyên bố chủ quyền với cao nguyên Doklam, nhưng Bhutan là đồng minh thân cận của Ấn Độ nên New Delhi có tầm ảnh hưởng lớn hơn tại đây so với Bắc Kinh.
Quả bom chiến tranh năm 2017 cuối cùng được tháo ngòi nhờ một cuộc họp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và sau đó hai bên trở lại bầu không khí chung sống. Tuy nhiên, gần đây cả hai lại ráo riết các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường dây thông tin liên lạc và các sân bay dã chiến nhằm tăng cường khẳng định chủ quyền trong khu vực.
Một trong những điểm nóng nhất dọc tuyến LAC vẫn là Ladakh thuộc cao nguyên Kashmir, một điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới nhờ đời sống và cảnh quan Phật Giáo Tây Tạng tại đây. Vùng đất được mệnh danh là Tiểu Tây Tạng này chính là nơi vừa xảy ra vụ đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đêm 15/6 vừa qua.
Mọi chuyện bắt đầu khi các binh sĩ Ấn Độ đi tuần tra đã va chạm với các quân nhân Trung Quốc trên một đỉnh núi hẹp. Trong lúc lộn xộn một chỉ huy phía Ấn Độ đã bị xô đẩy rơi xuống con sông nằm dưới vực sâu. Lập tức, hàng trăm binh sĩ hai bên lao vào nhau hỗn chiến bằng gạch đá và gậy gộc. Không hề có tiếng súng nhưng cuộc đụng độ đã gây ra hậu quả đẫm máu nhất kể từ năm 1967.
Phía Ấn Độ thông báo có 20 binh sĩ nước này thiệt mạng và cho rằng Trung Quốc có hơn 40 lính thương vong, tuy nhiên phía Trung Quốc từ chối xác nhận. Bắc Kinh cáo buộc binh sĩ Ấn Độ đã hai lần vượt ranh giới và khiêu khích tấn công quân nhân Trung Quốc. Vụ hỗn chiến này là giọt nước tràn ly khi hai bên liên tục căng thẳng trong suốt thời gian gần đây.
Hai nước láng giềng đông dân nhất thế giới và đều sở hữu vũ khí hạt nhân đang tìm các kênh ngoại giao để tháo ngòi căng thẳng tại khu vực biên giới Ladakh. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và thống nhất làm hạ nhiệt tình hình. Phía Trung Quốc được cho là đã rút quân khỏi khu vực biên giới. Phía Trung Quốc được cho là đã rút quân khỏi khu vực biên giới. Nhưng chừng nào Bắc Kinh và New Delhi chưa đàm phán để xác lập đường biên giới chính thức thì khu vực được mệnh danh là "nóc nhà thế giới" này vẫn là điểm nóng tiềm ẩn của chính trị thế giới.