Cuộc đời cuồng tín của "cô dâu thánh chiến" IS

Từ bỏ cuộc sống yên ấm, một cô gái sẵn sàng gia nhập Nhà nước Hồi giáo (IS) và chiêu mộ công dân phương Tây có ý định gia nhập nhóm khủng bố này.

Cuộc đời cuồng tín của "cô dâu thánh chiến" IS

Rũ bỏ người thân để theo IS

a
Aqsa Mahmood rũ bỏ gia đình, gia nhập Nhà nước Hồi giáo và kết hôn với chiến binh của tổ chức. Ảnh: Mirror

Tháng 11/2013, Aqsa Mahmood, 19 tuổi, rời thành phố Glasgow của Scotland để theo đuổi ước muốn trở thành một chiến binh. 4 ngày sau đó, Aqsa gọi điện về cho bố mẹ và nói rằng, cô đã tới Syria để gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi vượt biên qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Aqsa thường xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội, tuyên truyền về hệ tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan và kêu gọi tấn công những nước phương Tây. Cô đã đăng tải những bức ảnh bên khẩu AK-47 và cảnh tượng các chiến binh IS hành quyết con tin.

Theo thông tin từ các nhà điều tra, Aqsa bị tình nghi về việc dụ dỗ 3 nữ thiếu niên Anh, gồm Shamima Begum, 15 tuổi, Kadiza Sultana, 16 tuổi và Amira Abase, 15 tuổi, tới Syria để gia nhập tổ chức khủng bố IS.

Trên trang cá nhân, Aqsa cho biết, cô đã cưới một chiến binh IS, rũ bỏ người thân và trở thành thành viên của gia đình thánh chiến. Nhiều bài viết trên blog cho thấy Aqsa là một kẻ cuồng tín đang tìm cách truyền đạo.

Trong một tuyên bố công khai vào cuối tuần trước, gia đình của Aqsa tuyên bố: “Con đã ruồng bỏ gia đình và quê hương Scotland. Đó là hành động của một kẻ bỏ đạo và nhạo báng đạo Hồi. Con đang giết gia đình từng ngày bằng những hành động ấy. Bố mẹ mong con dừng ngay lại nếu trước đây con từng yêu thương bố mẹ".

Thay đổi

Vào những năm 1970, cha của Aqsa rời Pakistan để tới thành phố Glasgow và trở thành vận động viên cricket người Pakistan đầu tiên tại Scotland. Ông và vợ, bà Khalida, đã mua một căn hộ để định cư. Họ có 4 người con và đều học trường tư thục danh tiếng Craigholme. Theo bố mẹ của Aqsa, con gái họ hâm mộ ban nhạc rock Coldplay và thích đọc Harry Potter.

"Aqsa là đứa con tuyệt vời nhất. Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với nó. Aqsa yêu trường học và là một người thân thiện. Tôi chưa từng quát mắng con bé", bố của Aqsa cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 9/2014.

Theo lời cha mẹ của Aqsa, cô gái chưa từng có niềm tin về sự cực đoan. Nhưng từ khi cuộc nội chiến bùng nổ tại Syria, Aqsa quan tâm hơn tới các vấn đề bạo lực, bắt đầu cầu nguyện và đọc kinh Koran.

Khi Aqsa học đại học, cô không còn thích nghe nhạc và đọc truyện viễn tưởng. Bố mẹ cũng không lo lắng vì theo họ, Aqsa vẫn ăn tối và xem phim cùng các chị em. Theo bà Khalida, con gái chưa từng tới nước ngoài. Nguyên nhân khiến Aqsa tới Syria có thể xuất phát từ những tranh luận gay gắt với bà về nhóm khủng bố tàn bạo nhất thế giới.

Lời hứa trên mạng xã hội

Dù giới chức không rõ điều gì ở IS đã hấp dẫn Aqsa, nhưng họ khẳng định rằng, cô đã xem những bài thuyết giáo và tiếp xúc với những kẻ tuyên truyền của nhóm Hồi giáo cực đoan, theo CNN.

Theo Michael Steinbach, người đứng đầu đội chống khủng bố của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), IS đang ngày càng đẩy mạnh hoạt động chiêu mộ nữ giới gia nhập tổ chức này hơn bất cứ nhóm khủng bố nào khác. Chúng cũng làm “mờ mắt” nhiều cô gái bằng cách vẽ ra viễn tưởng tươi đẹp về cuộc sống tại Syria.

Tại Mỹ, theo điều tra của FBI, IS đã đào tạo những đứa trẻ khoảng 15 tuổi để phục vụ hoạt động của chúng. Ông Steinbach lo ngại khi nhiều người vượt biên dễ dàng từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria.

Nhật ký của cô dâu thánh chiến

Trên một blog được cho là của Aqsa, cô gái đã giải thích về lý do cũng như cách thức mà những chiến binh trẻ gia nhập IS. Tài khoàn này xuất hiện vào thời điểm trước khi Aqsa rời Scotland. Nhiều hình ảnh về Tổng thống Syria Bashar al-Assad, những trẻ em bị thương và các chiến binh Hồi giáo cùng hacker vô danh đeo mặt nạ Guy Fawkes cũng xuất hiện trên blog này. Sau mỗi bài viết của Aqsa, hàng chục người đã vào nhấn “like” (thích), trong khi một số thành viên khác dẫn lại những bài đó.

Trong một bài viết đăng tải vào ngày 11/9/2014, với tựa đề Nhật ký của một người nhập cư, Aqsa cho hay: “Ban đầu, truyền thông từng tuyên bố rằng ai đó bỏ nhà và gia nhập lực lượng thánh chiến đều sẽ không thành công, không có tương lai và hủy hoại gia đình… nhưng những điều đó khác xa với thực tế”.

Tuy nhiên, trong một bài viết hồi tháng 5/2014, Aqsa dường như cảm thấy có lỗi khi nhớ về mẹ khi đăng tải bài viết với tựa đề: "Cảm giác ân hận trước mẹ?".

"Tôi không viết những dòng này vì hôm nay là ngày của mẹ hay tương tự như vậy. Tôi viết vì nhớ mẹ và muốn nhớ lại những kỷ niệm về mẹ. Tôi nhận ra những điều ý nghĩa khi ở cạnh mẹ. Tôi đã đánh mất bà và những điều thiêng liêng như vậy sẽ không thể có trong tương lai. Trong khi các bạn vẫn có thể trông thấy nụ cười của mẹ, dựa đầu vào vai mẹ, gọi tên mẹ mỗi khi đau ốm, tôi thì không thể làm như vậy nữa", Aqsa tâm sự.

Hiện tại, gia đình Aqsa vẫn không ngừng mong một ngày con gái của họ quay trở về. “Aqsa, con gái thân yêu của bố mẹ, làm ơn hãy quay về nhà. Vào lúc này, mẹ nhớ con rất nhiều. Các anh chị em của con cũng nhớ con nhiều. Con gái yêu quý, làm ơn hãy quay về. Mẹ nhớ và yêu con”, CNN dẫn lời khẩn cầu tha thiết của bà Khalida.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ