(GD&TĐ) – Hôm qua (11.12) tại Cancun, Mexico, gần 200 quốc gia trên thế giới đã nhất trí tiến hành những bước đi nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, bao gồm một quỹ giúp đỡ các nước nghèo. Tuy nhiên, quyết định cắt giảm khí thải nhà kính đã bị hoãn tới năm sau.
Thỏa thuận đạt được bao gồm lập một quỹ Khí hậu xanh, nhằm cung cấp 100 tỉ USD mỗi năm để hỗ trợ cho các nước nghèo tới năm 2020, đưa ra các biện pháp bảo vệ rừng nhiệt đới và các cách chia sẻ công nghệ năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, thỏa thuận về một mục tiêu giới hạn mức độ tăng nhiệt độ trung bình trên thế giới xuống dưới 2 độ C trong thời kỳ tiền công nghiệp cũng đã đạt được.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại Hội thảo biến đổi khí hậu ở Cancun, Mexico |
Tuy nhiên, chưa có tiến triển nào về việc mở rộng nghị định Kyoto theo đó bắt buộc gần 40 quốc gia giàu có cắt giảm khí thải nhà kính.
Hiện cũng chưa rõ quỹ Khí hậu xanh 100 tỉ USD sẽ được gây như thế nào.
Vòng đàm phán đầu tiên của nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012, không bao gồm Trung Quốc và Mỹ - 2 nước có khí thải lớn nhất thế giới – và không có sự nhất trí về việc các nước đang phát triển phải thực hiện những mục tiêu thế nào để cắt giảm khí thải hoặc các nước giàu có cần phải làm nhiều hơn nữa hay không.
Thành công chủ yếu ở Cancun sau 2 tuần đàm phán đơn giản là chỉ ngăn chặn sự sụp đổ của những cuộc thương lượng, tăng cường ủng hộ cho một sự thay đổi sang các nền kinh tế ít thải carbon và xây dựng lại lòng tin giữa các nước giàu với nước nghèo trước những thách thức về sự nóng lên toàn cầu.
Phương Hà (Theo Reuters)