Cuộc chiến giữa điện thoại thông minh và máy tính bảng

Cuộc chiến giữa điện thoại thông minh và máy tính bảng

(GD&TĐ) - Trong kỷ nguyên của điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet), các công ty công nghệ phần cứng và phần mềm đã phải thay đổi chiến lược để tồn tại và phát triển. Bên cạnh việc kiện tụng liên quan đến bằng sáng chế và kiểu dáng là những vụ sáp nhập trị giá hàng tỉ USD. 

Hợp tác để tồn tại

Hai người khổng lồ Google và Intel đã hợp tác để sản xuất các thế hệ smartphone và tablet tương lai, dựa vào hệ điều hành (OS) Android đang được ưa chuộng. Được xem như một liên doanh mạnh, nếu cỗ máy tìm kiếm Google Inc. muốn trở thành vua của smartphone, nó phải cần sự hợp tác của công ty sản xuất chip Intel Corp. để phát triển một phần mềm đặc biệt chạy tốt trên các microchip di động thế hệ mới của nhà sản xuất vi mạch hàng đầu thế giới. Tại hội nghị phát triển hằng năm của Intel tổ chức ở San Francisco (bang California, Mỹ), hai công ty cho biết phần mềm Android của Google sẽ được “tối thiểu hoá” để tương hợp với bộ vi xử lý (chip) Atom của Intel. Các chip Atom này được thiết kế với sức mạnh chỉ bằng phân nửa các model trước đó của Intel để tương thích với các công cụ dùng pin di động. Dù các chip Atom đã khá thông dụng trong laptop và tablet của Sony, Dell, Acer và Lenovo, nhưng chỉ được dùng trong một số ít smartphone. Quyết định của Intel để hợp tác với Google được xúc tiến khi hệ điều hành Android của Google trở thành OS smartphone bán chạy nhất thế giới, có mặt trong 43% số điện thoại di động được bán quí 2 qua trên toàn cầu. Bằng cách cho phép các nhà sản xuất điện thoại di động được sử dụng miễn phí phần mềm Android của mình, Google chứng kiến hàng chục nhà sản xuất đã cho ra đời các máy điện thoại dùng Android, trong đó có cả các mẫu điện thoại thông dụng của Samsung, HTC và LG. Tháng qua, Google đã mua Motorola Mobility Holdings Inc. với giá 12,5 tỉ USD, và đây là thương vụ mua bán lớn nhất của công ty đến hôm nay. Motorola là một trong các nhà sản xuất đầu tiên dòng điện thoại dùng phần mềm Android, và nếu việc sáp nhập không gây cản trở gì thì thương vụ mới sẽ cho phép Google thiết kế và xây dựng các mẫu điện thoại riêng của mình sử dụng chip Atom của Intel.

Cuộc chiến giữa điện thoại thông minh và máy tính bảng ảnh 1
 

Trong khi đó, tại thành phố Anaheim (California, Mỹ), đối tác lâu năm của Intel (và là đối thủ của Google), Microsoft, cũng công bố kế hoạch OS riêng của họ. Người khổng lồ phần mềm này cho biết phiên bản tới của hệ điều hành Windows (Windows 8) sẽ chạy trên các máy tính bảng và smartphone dùng loại microchip ARM ít hao năng lượng của Microsoft. ARM chế tạo dựa vào thiết kế của công ty ARM Holdings ở Anh và được sản xuất bởi một số công ty như Qualcomm Inc. và Texas Instruments Inc. Phía bên kia đại dương, công ty Dell và cỗ máy tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc (TQ) Baidu cũng đạt được thoả thuận hợp tác smartphone và tablet tại TQ. Cụ thể, nhà sản xuất máy tính Mỹ Dell và Baidu sẽ tạo ra các dòng smartphone và tablet đủ sức đương đầu với các đối thủ đang chiếm lĩnh thị trường TQ hiện nay như Lenovo và Apple. Sự hợp tác sẽ thể hiện trong các dòng smartphone và tablet mới của Dell sử dụng hệ điều hành Yi do Baidu phát triển (tin trên Bloomberg). Sự di chuyển của Baidu vào lĩnh vực phần mềm điện thoại di động được xem là bắt chước những gì Google đã làm với Android, hiện vẫn là OS điện thoại di động phổ thông nhất thế giới. Nhưng Yi, có sử dụng một số công nghệ của Android, không phải là độc quyền của Dell mà sẽ chạy trên smartphone và tablet của một số nhà sản xuất khác nhau. TQ, nước nhanh chóng trở thành một trong các thị trường điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới vừa qua mặt Mỹ như thị trường tiêu thụ máy tính cá nhân lớn nhất thế giới. Hiện TQ có khoảng 900 triệu đăng ký sử dụng các dịch vụ điện thoại di động. Baidu chiếm thị phần tìm kiếm ngày càng lớn tại TQ, một phần là nhờ Google va chạm với chính phủ TQ vào năm ngoái về vấn đề kiểm duyệt. Google cũng tố cáo chính phủ TQ đứng đằng sau các vụ tin tặc nhắm vào các dịch vụ của nó. 

 

Kiện và phản kiện

Quay sang Nhật Bản, giữa tháng 9, hãng Apple đã đệ đơn kiện nhà sản xuất điện thoại di động Samsung của HQ để ngăn không cho các dòng smartphone Galaxy của Samsung được bán tại Nhật. Apple tố cáo đối thủ đã “vi phạm một số bằng sáng chế công nghệ và kiểu dáng của hai sản phẩm iPhone và iPad”, cũng là hai cỗ máy hái ra tiền của Apple. Đơn kiện kêu gọi tòa án ngăn chặn việc bán hai dòng smartphone Samsung Galaxy S và Galaxy S II. Samsung cho biết cuộc tranh chấp bằng sáng chế tại Nhật Bản bắt đầu sau khi Samsung kiện Apple vào tháng 4 và Apple phản ứng lại bằng vụ kiện khác. Đây là vụ mới nhất trong cuộc chiến bằng sáng chế kéo dài nhiều tháng nay, khi Apple và Samsung kiện và phản kiện lẫn nhau. Trước đó, Apple đã thắng vụ kiện tương tự tại châu Âu khi các smartphone Galaxy S, Galaxy S II và Ace của Samsung bị cấm bán tại 30 nước châu Âu từ giữa tháng 10.2011. Phán quyết được một tòa án ở Hà Lan đưa ra, theo đó Samsung đã vi phạm bằng sáng chế của Apple về xem ảnh trong một photo gallery. Nhưng lệnh cấm không áp dụng trên toàn EU vì Apple chưa hoàn tất việc đăng ký đầy đủ một số bằng sáng chế của họ tại Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha và một số nước khác (thông tin của trang web FOSS Patents). Điều ngạc nhiên là phán quyết ở Hà Lan không áp dụng với tablet Galaxy Tab 10.1, cũng nằm trong cuộc tranh chấp bằng sáng chế giữa Apple và Samsung. Tuy nhiên, không lâu sau đó, một tòa án tại Dusseldorf, Đức đã ra lệnh ngưng bán và tiếp thị Galaxy Tab 10.1 khắp lục địa, trừ Hà Lan. Ngoài Galaxy Tab 10.1 (nhẹ hơn iPad 2), Galaxy Tab 7.7 sắp tung ra thị trường cũng bị cấm bán. Samsung rất bất mãn với quyết định này. Phát ngôn viên của hãng nói: “Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm rằng các công cụ liên lạc cơ động sáng tạo của Samsung sẽ đến được tay người tiêu dùng châu Âu và thế giới”.

Cuộc chiến giữa điện thoại thông minh và máy tính bảng ảnh 3
 

Tuy nhiên, Samsung phải chờ ít nhất 1 tháng nữa mới có thể tường trình về vụ kiện tại tòa. Trước đó một tuần, Samsung cũng rút Galaxy Tab 10.1 khỏi thị trường Úc, khi vụ kiện bắt đầu để chờ tòa phân xử. Steven Burley, luật sư của Apple cho thẩm phán tòa liên bang Úc Annabelle Bennett biết là hãng cũng muốn cấm bán Galaxy Tab 10.1 tại các nước khác, nhưng lại không nói rõ là nước nào. Tất cả các dòng Galaxy và Galaxy Tab của Samsung đều chạy hệ điều hành Android của Google; trong khi tất cả iPhone và iPad của Apple đều dùng hệ điều hành iOS riêng của hãng. Việc tablet Galaxy Tab 7.7 chưa bán đã bị cấm tại Đức là một sự kiện công nghệ đáng chú ý. Dòng máy tính bảng Galaxy mới này vừa được giới thiệu hội chợ thương mại điện tử IFA tại Berlin thì Samsung đã phải thu hồi nó từ các quầy trưng bày sau khi tòa án Dusseldorf đứng về phía Apple. “Samsung tôn trọng quyết định của tòa án, dù rất tiếc là người tiêu dùng Đức đã mất cơ hội chọn các sản phẩm thay thế” - James Chung, phát ngôn viên Samsung tuyên bố tại bản doanh của hãng ở Seoul. Chung cho biết Samsung đang xem xét phản kiện để quyết định trên được rút lại. Cả hai phán quyết của tòa án Đức chống lại Galaxy Tab 10.1 và Galaxy Tab 7.7 chỉ là tạm thời và có thể được thu hồi lại, nếu Samsung thắng vụ kiện bằng sáng chế với Apple. Trong khi Apple và Samsung là đối thủ cả về doanh số lẫn pháp lý trên nhiều lục địa thì hai công ty cũng là đối tác kinh doanh của nhau. Samsung cung cấp “display” và một số linh kiện bên trong cho iPad, iPhone và iPod Touch. Galaxy duy nhất chưa bị cấm bán là Samsung Galaxy Note, một công cụ “touchscreen” 5,3 inch chạy trên hệ điều hành Android của Google.

HỒNG HẢI

(Theo The Economist, PC WorldThe Guardian)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ