Thị trường bán lẻ VN đang được hâm nóng bởi cuộc chạy đua giành thị phần từ các cựu lẫn tân binh trong và ngoài nước. Với tình trạng các chuỗi cửa hàng bán lẻ ngoại bành trướng, các sản phẩm nội địa sẽ ngày càng vắng bóng hoặc khó có thể chen chân vào những hệ thống này.
Tân binh... tay ngang
Cuối tháng 11 vừa qua, Công ty cổ phần bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) thuộc Tập đoàn Đại dương (Ocean Group) khai trương siêu thị Ocean Mart thứ 5 tại Hà Nội và dự kiến sẽ khai trương tiếp 2 siêu thị nữa tại Hà Nội và Hà Tĩnh từ nay đến cuối năm.
Tham vọng của tập đoàn này là đến năm 2015, mở được 50 - 70 siêu thị bán lẻ trên toàn quốc. Như vậy, sau các tên tuổi như Co.opMart, Hapro, Satra, CitiMart..., Ocean Mart trở thành một đại diện mới trên thị trường bán lẻ VN. Ngoài ra, trong 2 năm qua, Hiway Supercenter và Eximart... cũng xuất hiện như các tân binh mới trên thị trường bán lẻ VN.
Mặc dù vậy, tốc độ mở rộng thuộc về các nhà bán lẻ ngoại. Theo kế hoạch, ngày đầu tiên của năm mới 2014, tập đoàn bán lẻ lớn thứ 4 thế giới là Aeon, đến từ Nhật Bản, sẽ chính thức khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM với vốn đầu tư được tiết lộ là 100 triệu USD.
Siêu thị thứ 2 của Aeon cũng sẽ được mở tại TPHCM, kế đó là Bình Dương và Hà Nội trong hai năm tới. Bên cạnh đó, hồi tháng 4.2013, Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) cũng tuyên bố đầu tư 500 triệu USD vào VN trong 10 năm. Các đại gia bán lẻ ngoại vào VN từ trước như chuỗi siêu thị Big C của Casino (Pháp), Lotte Mart (Hàn Quốc), Metro (Đức) cũng không ngừng mở rộng quy mô.
Đến cuối năm 2012, trong 700 siêu thị ở VN, có tới 40% là của các tập đoàn nước ngoài. Trong 125 trung tâm thương mại trên cả nước, các tập đoàn nước ngoài cũng đã chiếm 25%. Những tỷ lệ này sẽ tăng dần nghiêng về phía doanh nghiệp ngoại khi theo lộ trình, đến năm 2015, VN mở cửa hoàn hoàn thị trường bán lẻ.
Mặt khác, các đại gia bán lẻ nước ngoài vào VN hầu hết là những tên tuổi lừng danh, có hệ thống kho vận tốt, giàu kinh nghiệm trên thị trường bán lẻ thế giới, chứ không “tay ngang” như một số tân binh VN.
Mất chỗ cho hàng hóa trong nước
Không chỉ gặp thách thức với chuỗi bán lẻ lớn, các hệ thống cửa hàng tiện ích của những doanh nghiệp nội địa cũng đang bị lấn lướt bởi nhà đầu tư ngoại. Một số thương hiệu thậm chí đã phải sang nhượng cho khối ngoại. Đơn cử như Tập đoàn Phú Thái, từng có cơ hội đưa hàng hóa nội vào hệ thống 50 cửa hàng tiện lợi FamilyMart liên doanh với Nhật, nhưng giữa năm 2013, cũng buộc phải rời khỏi cuộc chơi khi chuyển nhượng cho Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) đến từ Thái Lan.
BJC mua lại toàn bộ chuỗi FamilyMart và đổi tên thành B’s mart. Đại diện phía đối tác Thái Lan ước tính chuỗi bán lẻ này sẽ mang lại nguồn thu ít nhất 5 tỉ baht (khoảng hơn 3.300 tỉ đồng) trong vòng 5 năm tới. Chiến lược của B’s mart là nhập 70% hàng hóa từ Thái Lan trong giai đoạn đầu. Thông qua đó, BJC tạo dựng thương hiệu và đưa hàng hóa Thái Lan phân phối tại VN.
Chưa hết, theo nhiều nguồn tin, hệ thống cửa hàng tiện ích 7-Eleven (Mỹ) sẽ sớm khai trương cửa hàng đầu tiên tại TPHCM vào dịp Tết Nguyên đán này. Ngoài ra, sau khi nhượng liên doanh cho nhà đầu tư Thái Lan, hệ thống cửa hàng tiện ích FamilyMart (Nhật) tuyên bố tiếp tục đầu tư từ 20-25 triệu USD để mở khoảng 300 cửa hàng tại VN trong vòng 5 năm tới.
Chuỗi Shop & Go vừa đạt mốc 100 cửa hàng vào cuối tháng 11 vừa qua sau gần 8 năm đầu tư. Kế hoạch của Shop & Go trong năm 2014 sẽ mở thêm ít nhất 30 cửa hàng. Circle K (Mỹ) mở được trên 50 cửa hàng tập trung ở khu vực thành phố trung tâm.
Theo Thanh niên