Cùng thầy, trò bước qua đại dịch

GD&TĐ - Giáo viên, học sinh là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19. Trong lúc nguy khó, tấm lòng tương thân tương ái, sự chung tay của xã hội đã hỗ trợ nhiều hoàn cảnh vượt qua khó khăn.

Công đoàn Giáo dục tỉnh Tiền Giang tặng quà cho em Lê Nguyễn Kỳ Duyên, con gái thầy Lê Thanh Liêm bị mất do Covid-19.
Công đoàn Giáo dục tỉnh Tiền Giang tặng quà cho em Lê Nguyễn Kỳ Duyên, con gái thầy Lê Thanh Liêm bị mất do Covid-19.

Sẻ chia lúc gian khó

Tỉnh Tiền Giang là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Toàn tỉnh có hàng nghìn giáo viên, học sinh bị nhiễm bệnh; hơn 60 em có cha, mẹ bị mất do Covid-19; hàng nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên sống trong vùng phong tỏa, vùng cách ly y tế… Để kịp thời hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh, không chỉ riêng ngành Giáo dục mà các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cùng vào cuộc.

Là trụ cột trong gia đình, thầy Lê Thanh Liêm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) không may bị nhiễm Covid-19 và qua đời. Trong lúc khó khăn, gia đình phải cách ly, chính quyền địa phương, đồng nghiệp đã thực hiện các thủ tục cần thiết để giúp đỡ. Sẻ chia với gia đình thầy, các tổ chức, cá nhân đã vận động và chuyển tiền hỗ trợ như Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Giáo dục tỉnh, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, Hội Khuyến học TP Mỹ Tho, Hội Từ thiện TP Mỹ Tho…

Trong lúc gian khó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang đã tổ đoàn công tác đến các huyện, thành phố, thị xã để thăm và tặng quà trẻ em mồ côi, con sản phụ bị nhiễm Covid-19. Mỗi trẻ mồ côi được nhận 5 triệu đồng và con sản phụ bị nhiễm Covid-19 được nhận 1 triệu đồng/em. Theo ông Lý Văn Cẩm - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, những phần quà trên đã tiếp thêm động lực để các em vượt qua nỗi đau, cố gắng học tập tốt sau này tự lo được cho bản thân và gia đình.

Đồng hành cùng nhà giáo, Công đoàn Giáo dục tỉnh Tiền Giang tổ chức chương trình “Chia sẻ yêu thương vượt qua đại dịch”. Chương trình trao tặng quà cho nhà giáo bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Đặc biệt là giáo viên hợp đồng hoặc đang giảng dạy, làm việc tại các trường THCS, tiểu học, mầm non và các nhóm trẻ ngoài công lập phải tạm nghỉ việc không hưởng lương hoặc giáo viên hoàn cảnh khó khăn như: Sinh con, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, đi cách ly, điều trị bệnh mãn tính…

Công đoàn Giáo dục tổ chức đoàn đến các khu vực phong tỏa, vùng cách ly để tặng quà cho giáo viên và học sinh. “Những suất quà của tổ chức Công đoàn không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất thiết yếu mà tạo sự gắn bó hơn giữa tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động. Đó còn là món quà có ý nghĩa, tạo động lực để anh chị em yên tâm làm việc, chung tay cùng các cấp vừa phòng chống dịch bệnh, vừa hoàn thành công tác trong giai đoạn bình thường mới”, ông Lưu Nhơn Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Tiền Giang cho biết.

Tặng quà cho giáo viên và học sinh đang ở khu vực phong tỏa, vùng cách ly trên địa bàn TP Mỹ Tho (Tiền Giang).
Tặng quà cho giáo viên và học sinh đang ở khu vực phong tỏa, vùng cách ly trên địa bàn TP Mỹ Tho (Tiền Giang).   

Không để trò nghèo bị bỏ lại phía sau

Trước thềm năm học 2021 - 2022, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thầy trò phải dạy học online, khó khăn phát sinh khi có hàng chục nghìn học sinh không có thiết bị học tập.

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, hưởng ứng chương trình Sóng và máy tính cho em, ngành Giáo dục thành phố tiếp nhận hàng nghìn thiết bị thông minh từ các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm, kịp thời hỗ trợ học sinh khó khăn. Theo ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, hưởng ứng chương trình Sóng và máy tính cho em, thành phố đã kêu gọi và vận động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ được hơn 2 nghìn thiết bị thông minh, kịp thời giúp đỡ học sinh khó khăn. “Thiết bị thông minh hỗ trợ cho học sinh rất đáng quý, giúp các em tham gia học tập khi chưa thể trở lại trường. Sau khi tiếp nhận, ngành Giáo dục bàn giao cho đúng đối tượng, sử dụng hiệu quả”, ông Hiển nhấn mạnh.

Chia sẻ công tác hỗ trợ học sinh, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Qua rà soát đầu tháng 9/2021, toàn tỉnh còn 15.486 học sinh, học viên chưa có thiết bị học trực tuyến. Hưởng ứng chương trình Sóng và máy tính cho em, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc. Kết quả vận động được hơn 11 tỷ đồng và trên 5 nghìn điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính bàn. Đến cuối tháng 10/2021, tất cả học sinh, học viên từ lớp 5 - 12 đã có đủ thiết bị và tham gia học trực tuyến.

Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Long, toàn tỉnh có trên 200 nghìn học sinh đang phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, có gần 12 nghìn học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh khó khăn, học sinh mồ côi thuộc đối tượng của chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bằng các nguồn xã hội hóa và chương trình, tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ cho một bộ phận học sinh tiếp cận được thiết bị học trực tuyến để theo kịp chương trình năm học 2021 - 2022.

Thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đến nay, các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ hơn 7 nghìn thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh. Với nguồn tài trợ này, dự kiến đến đầu tháng 1/2022, toàn tỉnh sẽ hỗ trợ được cho khoảng 76% học sinh thuộc đối tượng của chương trình, trong đó có 100% học sinh nghèo, cận nghèo, mồ côi do Covid-19 và 33% em có hoàn cảnh khó khăn.

“Ba mẹ em làm việc ở TP Hồ Chí Minh do dịch bệnh nên mất việc, trở về quê mấy tháng nay. Hoàn cảnh khó khăn, không có điện thoại học trực tuyến, ban đầu em sang nhà bạn học chung, gặp nhiều khó khăn khi ôn bài, nộp bài. Nhờ nhà trường, thầy cô tìm hiểu, đã tặng điện thoại cùng sim 4G cho em. Nhận được thiết bị, em rất vui, không còn lo lắng bị trễ bài học như trước”, em Nguyễn Bảo Tín, học sinh lớp 9, Trường THCS Lộc Hòa (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) vui mừng cho biết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ