Cùng nhau chúng ta vượt qua Covid-19

Cùng nhau chúng ta vượt qua Covid-19

Nhưng giữa bộn bề khó khăn vẫn còn đó những hành động và trái tim nhân ái hướng về cộng đồng, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

Gói quà nhỏ, nghĩa tình lớn

Khi cả nước trong cao điểm cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhiều nơi tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai hay Cần Thơ… đã liên tiếp xuất hiện những tấm lòng thơm thảo. Hàng trăm, nghìn người hướng về cộng đồng, chung vai với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua “sóng gió”. Bằng những suất cơm miễn phí, bao gạo hay thùng mì… họ đã vun đắp cho xã hội, cộng đồng niềm tin, sự ấm áp.

Hình ảnh những địa điểm tập kết hàng hóa, lương thực, thực phẩm đóng bịch sẵn như mì gói, bánh kẹo, trứng, gạo cùng những câu nói đầy lòng nhân ái như: “Nếu khó khăn hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn xin bạn nhường lại”, “Ai cần hãy đến lấy, trứng và mì gói. Cùng nhau chúng ta vượt qua Covid-19”,“Nếu khó khăn thật sự, bạn hãy lấy một phần quà. Còn nếu bạn ổn xin hãy nhường người khác khó hơn”… thật cảm động.

Thật nhiều việc làm cảm động khác nữa đang lan tỏa những ngày qua. Đó là chuyện chuỗi quán cơm Nụ Cười thường ngày bán 2.000 đồng/suất. Nay vì dịch bệnh, quán miễn phí hoàn toàn cho người dân. Đó là chuyện bà má miền Tây lưng còng hàng ngày nấu 20 đòn bánh tét tặng miễn phí người khó khăn. Đó là chị bán tạp hóa trong khu công nghiệp dành trứng vịt, mì gói và gạo tặng người nghèo... Mọi thứ rất bình dị, tự nhiên, nhưng cả người nhận và người cho đi đều có những cảm xúc rất riêng.

Anh Trương Phúc Hậu, người tình nguyện nấu cơm chay miễn phí cho quán cơm Bình An, Quận 6, TPHCM chia sẻ: “Chúng tôi mỗi người một ít, cùng nhau gom góp để nấu cơm chay phục vụ người nghèo trong 15 ngày cách ly. Mỗi ngày chúng tôi nấu và trao tận tay người khó khăn gần 1.000 suất cơm. Nhiều người lao động chân tay, bán vé số giờ nghỉ làm không có thu nhập rất khó khăn. Chúng tôi muốn chung tay với mọi người giúp bà con qua cơn khó khăn” - anh Hậu nói.

Cùng nhau chúng ta vượt qua Covid-19 ảnh 1
Trụ trì chùa Phước Viên, Quận Bình Thạnh, TPHCM bên những phần quà tặng người nghèo.

Cùng nhau bồi đắp niềm tin vượt qua đại dịch

Chị N.L.G - chủ tiệm tạp hóa nhỏ trong KCN Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết bản thân cũng chẳng phải giàu có, khá giả gì. Việc chị tặng những gói quà nhỏ cho người nghèo bởi họ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. “Mong muốn của tôi đơn giản là chia sẻ được phần nào đó với người lao động mất việc, những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tôi làm vậy để cuộc sống gia đình họ bớt cơ cực hơn giữa lúc dịch bệnh hoành hành”.

Chùa Phước Viên, Quận Bình Thạnh, TPHCM là nơi đang truyền đi thông điệp mà cộng đồng mạng cực kỳ ấn tượng mấy ngày nay: “Nếu bạn khó khăn, hãy lấy một phần. Nếu bạn đã ổn, hãy nhường lại cho người khác”.

Sư bà Thích nữ Từ Nhẫn - Phân ban Ni giới Trung ương, Trụ trì chùa cho biết: “Sau khi đọc thông tin về chỉ thị cách ly toàn xã hội để chống dịch Covid-19 của Thủ tướng, bên cạnh đó là hoạt động phát hành vé số cũng tạm dừng, nhà chùa đã quyết định chia sẻ với người bán vé dạo, những lao động khó khăn bằng hình thức tặng quà. Nhà chùa mong muốn, mỗi người dù đang trải qua khó khăn chung của đất nước vì dịch bệnh, nhưng hãy luôn ý thức chia sẻ nếu mình chưa thực sự cần thiết. Từ đó nuôi dưỡng tình người, bằng việc nhường lại phần quà cho người khó hơn. Cao hơn là chúng ta cùng nhau vun đắp niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19 bằng sự đoàn kết, chung lòng của toàn xã hội”.

Không chỉ tặng các phần quà thiết thực như mì, gạo, trứng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, nhiều chủ nhà trọ tại TPHCM, Bình Dương đã miễn tiền nhà trọ trong nhiều tháng tới cho người thuê. Chị Đoàn Thuỳ Dương - chủ nhiều khu nhà trọ với 80 phòng tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương còn bỏ tiền túi mua hàng tấn gạo, hơn 30.000 chiếc khẩu trang y tế cùng với hàng nghìn chai nước rửa tay sát khuẩn để phát tặng miễn phí cho người dân.

“Tôi hành động vì thấy đó là việc mình cần làm. Mọi người khó mà mình không chia sẻ thì coi sao được. Cả nước đang dốc sức chống dịch, mình cũng nên góp một phần nhỏ vào “cuộc chiến” này để vun đắp niềm tin, sức mạnh đoàn kết cùng xã hội chống dịch” - chị Dương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.