Cùng con vào tuổi teen

GD&TĐ - Bước vào tuổi teen trẻ thường có những biến đổi trong tâm sinh lý. Trẻ thường có xu hướng thích tự do và tự quyết những việc diễn ra xung quanh mình. Vì vậy, cha mẹ nên hiểu và cảm thông, song cũng cần có những quy định để giúp trẻ không đi chệch hướng.

Cùng con vào tuổi teen

Trẻ thường thích làm theo ý mình

Các bậc phụ huynh thường đứng trước lo lắng, để cho con tự do sớm con có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Tuy nhiên việc khám phá, trải nghiệm, thậm chí có những sai lầm nhỏ con mới rút ra được bài học để ngày một trưởng thành hơn.

Chị Mai Anh ở tập thể Thành Công (Hà Nội) tâm sự: Trước đây, con trai chị là một đứa trẻ ngoan luôn biết lời bố mẹ. Tuy nhiên khoảng gần một năm trở lại đây cháu bỗng thay đổi tâm tính ít nói chuyện với bố mẹ. Ngoài lúc gia đình tập trung cháu thường ở lỳ trong phòng. Lo nhất là cô giáo chủ nhiệm phản ánh vài tuần trở lại đây cháu hay chơi với một nhóm bạn ngoài trường có những biểu hiện không lành mạnh.

Khi biết điều này gia đình chị đã rất bất ngờ, vì hàng ngày buổi sáng cháu vẫn đi học ở trường, còn chiều tới lớp học thêm. Quá bực bội, chồng chị đã quát mắng và đánh đòn con, nhưng thằng bé càng trở nên lỳ lợm hơn. Vì vậy, hơn một tháng nay anh phải xin cơ quan tới muộn và về sớm, để canh chừng giám sát cậu con về giờ giấc. Thậm chí để “an toàn” cháu không được phép đến nhà bạn kể cả những buổi sinh nhật được mời. Nhưng trước những cấm đoán của bố, cháu càng tỏ ra bất cần, không hợp tác. Chị cảm thấy phân vân không biết phải xử trí ra sao…

Khi bước vào độ tuổi từ 12 đến 16, 17, trẻ có những thay đổi về suy nghĩ, thích làm người lớn. Tuy nhiên ở độ tuổi vị thành niên, con bạn vẫn đang ở trong quá trình tự khám phá bản thân. Sẽ có những lúc con cũng không hiểu được chính bản thân mình. Do đo, bạn và con đều phải học cách cân bằng giữa tự do cá nhân và những hướng dẫn của cha mẹ. Mọi việc không phải lúc nào cũng tốt đẹp, nên cũng đừng vì thế mà bỏ cuộc hay cảm thấy thất vọng và chán nản.

Nên thiết lập những quy ước chung

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Quốc Phong đang làm việc tại Công ty Habitat For Humanity đã bày tỏ về quan điểm của mình: Trẻ em thời nào cũng thế, mâu thuẫn giữa các thế hệ là tất yếu. Với xã hội hiện đại, trẻ được tiếp cận với nhiều kênh thông tin nhanh nhạy hơn, vì vậy các em phát triển nhanh chóng. Đặc biệt ở tuổi dạy thì, trẻ sẽ có những biến đổi bột phát, nên với lứa tuổi này cha mẹ cần có sự quan tâm đặc biệt. Dạy con có nhiều phương pháp, có người cho rằng dạy con nên người cần phải cứng rắn, có người lại thiên về “kỷ luật không nước mắt”. Thực ra tất cả những điều này đều đúng.

Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một sự phát triển đơn nhất, là duy nhất. Vì vậy phải lấy đứa trẻ làm trọng tâm để hiểu được đứa trẻ và giáo dục trẻ. Cụ thể đứa trẻ đó cần gì, muốn gì và nó sẽ phát triển như thế nào?... Chỉ có sự thấu cảm với đứa trẻ thì người lớn mới giúp trẻ phát triển đúng cách nhất, phù hợp nhất. Sẽ không có một công thức chung cho việc dạy dỗ một đứa trẻ. Vì vậy, người lớn phải trò chuyện với các con để thấu hiểu con cái của mình. Trước khi, chúng ta là một chuyên gia, chúng ta phải là một người bạn để hiểu đứa trẻ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Quốc Phong cũng cho rằng, đối với những đứa trẻ có khí chất khác nhau, người lớn cần linh hoạt sử dụng các biện pháp thưởng, phạt thích hợp. Lựa chọn biện pháp nào cha mẹ cần phải căn cứ vào chính sở thích, mong muốn của con để khích lệ trẻ cố gắng. Có các biện pháp kỷ luật sẽ giúp trẻ tuân thủ theo những quy định cần thiết để giúp trẻ phát triển và hoàn thiện nhân cách.

Rõ ràng cha mẹ và người thân nên chuẩn bị đón nhận những thời điểm khó khăn. Đứa con tuổi teen của bạn thường hành động trước khi suy nghĩ nên có lúc sẽ buột nói ra những điều sai trái hoặc đáng buồn – đó không hẳn là vì nó chủ ý muốn làm bạn tổn thương. Do vậy bạn đừng để tâm hay cố chấp.

Hãy cứng rắn, nhưng cũng phải linh hoạt, với đứa con tuổi teen của bạn. Bạn cần phải chắn chắn là lũ trẻ teen hiểu rõ các quy tắc và cả những hậu quả nếu chúng vi phạm các nội quy đó. Đồng thời cũng suy xét đến việc cho chúng thêm chút “tự” mỗi khi chúng thể hiện được là đã có trách nhiệm tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ