Cùng con đi học

GD&TĐ - Trước những thay đổi rất cần về tâm lý, tính cách, môi trường sống, học tập… của trẻ khi bước vào giai đoạn mầm non, tiểu học rất cần sự đồng hành của cha mẹ với nhà trường. 

TS Vũ Việt Anh trong buổi tư vấn tâm lý cho HS
TS Vũ Việt Anh trong buổi tư vấn tâm lý cho HS

Tuy nhiên, không phải cha mẹ, gia đình nào cũng hiểu biết đầy đủ, sẵn sàng kĩ năng để giáo dục, yêu thương, đồng hành đúng cách.  TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) đã trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề trên.

Yêu thương nhưng không bao bọc

* Khi trẻ vào mẫu giáo và học lớp 1 thường có sự biến chuyển nhiều về tâm lý. Ông có thể phân tích và cho biết những đòi hỏi với gia đình, cha mẹ?

- Ở lứa tuổi bắt đầu vào mẫu giáo, cha mẹ cần quan sát để có thể giáo dục hoàn thiện và hiểu trẻ hơn. Từ đó khắc phục thiếu sót, phát huy khả năng giúp trẻ phát triển hình thành nhân cách và năng lực tốt đẹp.

Trẻ ở giai đoạn này vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ và người giám hộ để đảm bảo an toàn về thân thể, tinh thần, cảm xúc... Nếu các em không được đáp ứng các nhu cầu sẽ khó phát triển sự tin tưởng vào người khác khi trở thành người lớn.

Mặt khác, khi các em không được nâng đỡ, động viên hoặc bị khiển trách sẽ trở nên nhút nhát và nghi ngờ khả năng của mình. Như vậy, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô cần giúp trẻ hình thành những thói quen và nhân cách tốt. Ví như giúp trẻ tự lập, tự thay quần áo, tự phục vụ một số việc đơn giản.

Ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ cũng cần được đảm bảo dinh dưỡng, duy trì hoạt động vận động để có đầy đủ năng lượng phát triển trí tuệ, thể chất.

Nhất quán trong giờ giấc sinh hoạt để con biết tập trung giờ nào việc đó. Thường xuyên đặt câu hỏi để trẻ tò mò, khám phá hoàn thiện khả năng tư duy và ngôn ngữ. Thân thiện, yêu thương, động viên, khích lệ để trẻ mạnh dạn tham gia các công việc, hoạt động hàng ngày.

Nhưng khi bước vào lớp 1, trẻ lại phát triển tới một giai đoạn tâm lý khác.

Về thể chất, hệ cơ xương đang phát triển nên dễ bị biến dạng, cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn con ngồi đúng tư thế, vận động, nô đùa cường độ phù hợp với lứa tuổi để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Về mặt tư duy, hệ thần kinh cao cấp đang hoàn thiện nên thích hợp với các trò chơi trí tuệ, đố vui, cuộc thi trí tuệ.

Về mặt xã hội, từ việc được vui chơi tự do các con chuyển tiếp sang giai đoạn đi vào nề nếp, quy củ, tuân thủ quy định nên cần có thời gian thích nghi, sự chỉ dẫn, động viên, khích lệ.

6 tuổi, việc tự ý thức, sự tự giác còn hạn chế nên việc đồng hành, kèm cặp hướng dẫn, làm gương trong các hoạt động là cách làm phù hợp nhất bởi trẻ con nhìn thấy gì sẽ làm theo như thế.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet 

Đồng hành đúng cách

* Nhiều trẻ bước vào lứa tuổi đến trường đã có những phản ứng với học tập (tập trung; làm việc riêng, sợ học, hay khóc, học kém…). Lúc này sự hỗ trợ, động viên khuyến khích ra sao từ cha mẹ sẽ phù hợp?

- Trước mắt, phụ huynh đừng kỳ vọng trẻ sẽ phát triển toàn diện trong một sớm một chiều mà xác định để hình thành được một thói quen, ý thức cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Kiên trì là điều kiện tiên quyết để giúp con tiến bộ. Nếu chúng ta nổi nóng, sử dụng bạo lực việc giáo dục đã thất bại từ giai đoạn này.

Cha mẹ có thể giúp con tiến bộ bằng cách động viên khi con làm đúng. Khi chưa làm đúng cần kiên trì giải thích, hướng dẫn xem con chưa đúng ở đâu? Có cách nào để giải quyết việc này? Tránh miệt thị, so sánh, quát mắng làm trẻ không biết mình sai ở đâu, phải sửa thế nào nên con càng ngày càng sợ học, tự ti, nhút nhát.

Cũng có thể giúp con tự tin vào việc khen ngợi các phần, các chi tiết đúng trong các bài học và hoạt động tổng thể. Ví dụ: Chữ này con viết rất tốt, nếu tất cả các chữ khác con đều viết liền nét và đúng cao độ như thế thì cô giáo sẽ rất tự hào về con, con làm được chứ?...

* Vì sao sự đồng hành của cha mẹ với con trước ngưỡng cửa đầu đời lại quan trọng, cần thiết, thưa ông?

Người xưa nói: Giỏ nhà ai, quai nhà nấy; ở bầu thì tròn, ở ống thì dài… để đề cao vai trò giáo dục gia đình trong những giai đoạn đầu đời của trẻ.

Giúp con vượt qua được ngưỡng cửa đầu đời cha mẹ cần: Có thể nói, khi trẻ bước vào “cánh cửa đầu đời”, cha mẹ cần trò chuyện với con mỗi ngày về môi trường mới, động viên khích lệ để con mạnh dạn, tự tin trong các hoạt động phù hợp lứa tuổi. Trang bị cho con những thói quen tốt, biết cách tự phục vụ, động lực, cảm hứng sẵn sàng tham gia mọi hoạt động.

Ngoài chăm chút việc học, cha mẹ cần trang bị cho con các kỹ năng xử lí tình huống đảm bảo an toàn từ nhà đến trường. Rèn cho con tính kỷ luật trong nề nếp sinh hoạt và học tập.

* Xin cảm ơn ông!

Hãy yêu thương nhưng không bao bọc, có kế hoạch và thời gian cụ thể để đảm bảo con phát triển phù hợp về trí tuệ, thể chất, hoạt động xã hội trong độ tuổi đó. Đặc biệt, cần kiên trì dẫn dắt, đồng hành cùng trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ