Cụm tượng 10 nữ LS TNXP - Viết tiếp huyền thoại

Cụm tượng 10 nữ LS TNXP - Viết tiếp huyền thoại

>>Lễ khởi công XD Cụm tượng  (Video)

>>Lễ khởi công xây dựng Cụm tượng 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc

>>Kiểm tra tiến độ thi công cụm tượng 10 nữ TNXP ngã 3 Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Vào những năm tháng của cuốc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt và gian khổ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều bị đế quốc Mỹ đánh phá.

Đường 15A là con đường độc đạo để vận chuyển lương thực, vũ khí ...vào chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường duy nhất. Đồng Lộc được coi như cổ họng, vượt qua được sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào miền Nam. 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thắp hượng tại khu mộ 10 nữ LS TNXP
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thắp hương tại khu mộ 10 nữ LS TNXP

Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã được mệnh danh là “túi bom”, là “tọa độ chết”.

Người ta đã thống kê rằng, trung bình mỗi mét vuông đất nơi đây phải gánh chịu 3 quả bom tấn, chưa kể các loại bom bi, bom phát quang hay rốc két, hoả tiển... Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã trút xuống đây trên 48.600 quả bom các loại.

Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 16 ngàn người - chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP phá bom, mở đường. Chưa kể đến hàng vạn thanh niên, dân quân và nhân dân các xã lận cận cũng phải tham gia san lấp hố bom, mở đường cho xe ra tuyền tuyến.

Các khẩu hiệu "Xe chưa qua, nhà không tiếc", "Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm" trở thành kim chỉ nam trong mọi hành động của nhân dân, thanh niên Hà Tĩnh nói riêng và cả nước thời chống Mỹ. Ngay cả khi cận kề cái chết vẫn một lòng, một dạ vì "miền Nam ruột thịt", "tất cả hướng về miền Nam thân yêu"!

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lắp phiến đá cuối cùng tại cụm tưởng 10 nữ LS TNXP
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận lắp phiến đá cuối cùng tại Cụm tượng 10 nữ LS TNXP

Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 TNXP (thuộc Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh) gồm 10 cô gái trẻ: Võ Thị Tần (tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (tiểu đội phó), Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường thông xe sau đợt ném bom của máy bay địch.

Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến tại hiện trường gấp rút triển khai công việc với cả niềm vui được gửi gắm trên từng chuyến xe qua nên các cô không hề run sợ trước sự sống và cái chết đang giành giật nhau từng giây, từng phút. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười nói, vừa ý ới gọi nhau. Bỗng một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào  vượt qua trọng điểm, lúc ấy khoảng 17h ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 dội xuống ngã ba Đồng Lộc, tất cả các cô nhanh chóng nằm rạp xuống đường.

Hết tiếng máy bay, các cô lại chồm dậy làm việc. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại ném một loạt bom đúng vào đội hình 10 cô gái. Các tiểu đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ gần đó nhào đến gào thét; nhân dân xóm Bãi Dĩa quanh đấy cũng lao ra gọi tên từng người. Khi đến nơi hầm trú ẩn của 10 cô, chỉ thấy một hố bom sâu hoắm, một vài chiếc xẻng, cuốc vǎng ra nhưng không còn thấy một ai. Mọi người đều bàng hoàng, nỗi tiếc thương các cô, lòng căm thù giặc trào lên, tắc nghẽn. Tất cả tiểu đội nữ thanh niên xung phong đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình.

10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng và Ngã ba Đồng Lộc Anh hùng được công nhận là di tích lịch sử. Hơn thế, Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 nữ liệt sỹ đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến giải phóng đất nước.

lãnh đạo bộ GD&ĐT và Tỉnh Hà Tĩnh trước Cụm tượng 10 nữ LS TNXP Ngã ba Đồng Lộc
Lãnh đạo bộ GD&ĐT và tỉnh Hà Tĩnh tại Cụm tượng 10 nữ LS TNXP Ngã ba Đồng Lộc

Bên cạnh “10 đoá hoa trinh liệt, bất tử”, Ngã ba Đồng lộc còn có cả ngàn người đã ngã xuống nơi đây với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để giữ liền mạch máu giao thông giữa 2 miền Mam - Bắc.

Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc là một quần thể di tích gồm nhiều hạng mục. Bên cạnh khu mộ của 10 cô gái anh hùng, còn có nhà bia tuởng niệm TNXP toàn quốc, nhà trưng bày truyền thống, tượng đài chiến thắng, cánh đồng hố bom, tháp chuông, cụm tượng 10 nữ liệt sỹ TNXP…

Đồng Lộc hôm nay đã nhiều đổi thay, duy chỉ một điều không bao giờ thay đổi đó là sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự tri ân của thế hệ người Việt Nam đối với hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân của hàng ngàn người con thân yêu đã ngã xuống trên mảnh đất này, trong đó tiêu biểu là 10 nữ liệt sỹ TNXP.

Bộ GD&ĐT đã chọn khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là một trong 4 địa chỉ của cả nước làm điểm để các trường học chăm sóc các khu di tích lịch sử, văn hoá của địa phương theo chủ trương của Bộ về thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cụm tượng 10 nữ liệt sỹ TNXP bằng đá Granit được đầu tư trên 11 tỷ đồng do cán bộ, giáo viên trong Ngành giáo dục cả nước quyên góp. Ngày 19/8/2010, bộ GD&ĐT sẽ tổ chức lễ khánh thành cụm tượng.

Tại Ngã ba này, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người tới thắp hương, thăm viếng. Ngã ba Đồng Lộc – ngã ba huyền thoại trở thành một điểm hành hương tâm linh, một không gian tưởng niệm linh thiêng, là địa chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Dư Lý Trí
                                                                   (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ