Tỏi
Tỏi vốn là dược liệu vô cùng bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Một tin vui là khi những mầm non nhú lên, củ tỏi sẽ càng tốt hơn.
Cũng giống như nhiều loại củ mọc mầm khác, khi mọc chồi non tỏi sẽ mất đi phần nào hương vị quyến rũ, nhưng những thành phần chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe lại theo đó mà tăng lên, đặc biệt là sau 5 ngày kể từ khi mọc mầm.
Hay nói theo cách khác, tỏi mọc mầm hương vị phần nào giảm sút nhưng lại càng có lợi cho sức khỏe hơn. Các chuyên gia dinh dưỡng còn khuyến khích bạn đều đặn cho tỏi lên mầm và thu hoạch làm món salad tuyệt hảo.
Gừng
Gừng cũng là củ thường xuyên được dùng trong ẩm thực và chữa bệnh. Củ gừng sau khi dành hết sức để những mầm non nhú lên, thì sẽ trở nên khô, giảm trọng lượng, thành phần dinh dưỡng cũng giảm xuống, nhưng cũng không vì vậy mà phát sinh độc tố. Do vậy gừng mọc mầm vẫn có thể ăn được. Tuy nhiên cần đặc biệt chú ý khi gừng bị mốc thì sẽ sản sinh chất độc, nên không thể ăn gừng mốc.
Hành, khoai lang, lạc
Tương tự như phần lớn các loại củ khác, củ hành, khoai lang và lạc khi mọc mầm thì sẽ mất đi phần nào hương vị và các chất dinh dưỡng bên trong, tuy nhiên cũng không vì vậy mà sản sinh chất độc, do vậy hoàn toàn có thể ăn được. Cần chú ý là có thể ăn lạc mọc mầm, nhưng nếu lạc bị mốc thì tuyệt đối không nên ăn, vì trong lạc mốc có chứa chất độc aflatoxin gây ung thư gan.
Khoai tây
Trong các loại củ mọc mầm, bạn cần “khắc cốt khi tâm” củ khoai tây. Vì đồng thời với khi mọc mầm củ, khoai tây cũng sinh ra các cơ chế để bảo vệ mầm non, một trong số đó chính là độc tố solanin.
Do chứa độc tố nên khoai tây mọc mầm khi ăn sẽ có vị đắng, nghiêm trọng hơn sẽ có thể cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, thậm chí là rối loạn ý thức. Đặc biệt cần lưu ý khi vỏ khoai tây chuyển màu xanh là biểu thị khoai tây đã bắt đầu mọc mầm rồi. Vì vậy tốt nhất bạn không nên ăn những củ khoai tây có phần vỏ biến màu xanh hoặc có mầm nhú lên. Nói tóm lại, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong các loại rau củ mà con người dùng làm thực phẩm, gần như chỉ có khoai tây mọc mầm là độc, còn đối với các loại củ khác khoa học đã chứng minh là không độc khi mọc mầm.
Cách bảo quản các loại củ để không nảy mầm
Khi đã “tận hết sức” để mọc lên mầm non, hương vị và thành phần dinh dưỡng trong các loại củ thường giảm sút, nên kém ngon hơn. Do đó mọi người nên cố gắng ăn khi nguyên liệu còn tươi mới, vừa thơm ngon lại bổ dưỡng.
Trong trường hợp có nhiều không ăn hết luôn, cần chú ý bảo quản các loại củ hợp lý để tránh hư hỏng, mọc mầm.
Điều kiện cần thiết để mọc mầm là phải có độ ẩm nhất định. Do đó nguyên tắc chung khi bảo quản các loại củ để tránh mọc mầm là bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm thấp.
Cụ thể đối với củ hành, tỏi cần bảo quản ở nơi khô ráo, nếu mua về thấy còn tươi thì đem phơi nắng nhẹ, cho đến khi ấn tay vào lớp vỏ mỏng bên ngoài thấy bong ra là được.
Để bảo quản gừng, bạn có thể dùng ngăn mát tủ lạnh, nhưng cần lưu ý bọc kín gừng bằng giấy bạc hoặc túi nhựa để gừng không bị khô và không mất đi mùi thơm.
Khoai tây, khoai lang chỉ nên đựng trong túi giấy khô màu tối, để nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời, không để sát nền đất.
Đối với lạc khô cần bảo quản ở nơi khô ráo, đặc biệt là bảo quản trong điều kiện kín, cách ly với không khí. Với lạc tươi cần phơi khô, sau đó bảo quản như lạc khô.