Cử tri thêm tin tưởng ngành Giáo dục

GD&TĐ - Chiều 15/11, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo Trung ương. So với năm 2013, mức tín nhiệm cao với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã tăng thêm 47 phiếu. Điều này phần nào phản ánh đúng những chuyển biến tích cực, rõ nét trong ngành Giáo dục 1 năm vừa qua.

Cử tri thêm tin tưởng ngành Giáo dục

Để có sự thay đổi, dù trong bất kỳ ngành nào, lĩnh vực nào, không chỉ phụ thuộc vào bản thân người lãnh đạo mà còn liên quan nhiều đến các vấn đề mang tầm vĩ mô và cả những vấn đề của đời sống mà không chỉ do một Bộ, một ngành quyết định. 

Với Giáo dục càng đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tế trong chỉ đạo, điều hành. Bởi không phải cứ quyết liệt, cứ áp đặt, không làm được thì cách chức, không triển khai xong thì cắt lương…  là có kết quả.   

Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã chia sẻ giây phút cầm lá phiếu trên tay. Họ cảm thấy lo lắng, hồi hộp và cảm thấy trách nhiệm đè nặng vì lá phiếu đó không là cảm tính cá nhân mà thể hiện ý chí, nguyện vọng, đánh giá của cử tri cả nước. 

Giáo dục liên quan đến an sinh xã hội là một lĩnh vực rất khó làm, khi triển khai cần hết sức thận trọng  và không cho kết quả ngay một sớm một chiều. 

Vậy nhưng những thay đổi tích cực của ngành Giáo dục trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đã được cử tri cả nước thông qua các đại biểu Quốc hội bước đầu ghi nhận.

Đó là sự hào hứng, phấn khởi lan tỏa từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014; là niềm vui mang lại sự tự tin khi Việt Nam tham gia chương trình đánh giá PISA được thế giới đánh giá cao; là những huy chương lấp lánh – kết quả của sự đầu tư công sức từ học sinh, thầy cô, gia đình – cho trí tuệ Việt vinh danh trên đấu trường tri thức quốc tế; là nụ cười rạng rỡ mong mỗi sáng đến lớp của bao học sinh vùng khó ở ngôi trường học mới VNEN; là sự vào cuộc của cả xã hội khi cùng chung tay triển khai đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020; là phút thư giãn của cả gia đình mỗi tối sum họp, không còn lo lắng chuyện bài tập, điểm số, dạy thêm – học thêm ở học sinh tiểu học…

Để có được những điều này, nhiều giáo viên đã làm thêm giờ, tăng tiết dạy; nhiều thầy cô giáo vùng khó tự nguyện ở lại gắn bó với học sinh; không ít cán bộ lãnh đạo trong bộn bề công việc kiêm nhiệm vai trò tư vấn viên, vận động nhân dân hiểu rõ những công việc đang triển khai của Ngành… 

Vẫn với đồng lương còn khiêm tốn, vẫn trĩu nặng trên vai gánh vác việc gia đình, nhà trường, nhưng tất cả đều tâm niệm một điều: Dù giáo viên, lãnh đạo phải chịu phần vất vả, thậm chí là thiệt thòi, nhưng nếu việc có lợi cho học sinh, có lợi cho nhân dân thì cương quyết làm. Ngành Giáo dục tình nguyện nhận phần khó về mình, để tạo mọi thuận lợi cho học sinh.

Trong các chỉ đạo chung, cử tri cùng đón nhận những quyết sách mới cho những phần việc khó khăn trong giáo dục, bởi họ không chỉ là người thụ hưởng thành quả mà còn là người “tham mưu” cho Ngành, thông qua các diễn đàn toàn xã hội lấy ý kiến cho đổi mới Giáo dục. Tất cả những đóng góp cho đổi mới, dù chỉ là ý kiến nhỏ cũng được trân trọng lắng nghe. 

Ngành Giáo dục đã thực sự cầu thị, chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từng bước thận trọng nhưng không ỳ trệ, nhanh nhạy nhưng không chủ quan đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.

Để có sự thay đổi, dù trong bất kỳ ngành nào, lĩnh vực nào, không chỉ phụ thuộc vào bản thân người lãnh đạo mà còn liên quan nhiều đến các vấn đề mang tầm vĩ mô và cả những vấn đề của đời sống mà không chỉ do một Bộ, một ngành quyết định. 

Với Giáo dục càng đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tế trong chỉ đạo, điều hành. Bởi không phải cứ quyết liệt, cứ áp đặt, không làm được thì cách chức, không triển khai xong thì cắt lương… là có kết quả.

Ngay với mỗi cá nhân, để thay đổi một thói quen, một cách làm đã ăn sâu vào máu thịt phải có sự chuẩn bị, phải tập luyện, và quan trọng hơn cả là cần có thời gian, qua thực tế chứng minh được những ưu việt, những tích cực. 

Với toàn ngành Giáo dục, có thể ví giống như đoàn tàu khổng lồ đang chạy mà hành khách là hơn 20 triệu học sinh, hơn 2 triệu thầy cô giáo, nếu lái không khéo mà tăng tốc đột ngột hay vào cua gấp là dễ xảy ra tai nạn.

Nên đổi mới giáo dục một cách sâu sắc, toàn diện nhưng lại phải diễn ra đúng quy trình, không gây sốc. Lãnh đạo và chính những người thực hiện cần phải có một kế hoạch cụ thể chi tiết, khoa học và thực tế để có thể hành động một cách thông minh và hiệu quả, để cái mới, cái tiến bộ từng ngày xuất hiện, tạo nên sự thay đổi căn bản và toàn diện của mỗi thầy cô giáo và học sinh, mỗi nhà trường và toàn ngành Giáo dục.

Ở đây vừa nói đến sự kiên trì, bình tĩnh, vừa nói đến tính kế hoạch và không ngại va chạm, cọ xát, đôi lúc phải chịu điều tiếng để ra một quyết sách mà sau một thời gian mới có được kết quả, mới chứng minh được tính đúng đắn, sáng suốt. 

Chỉ đạo, điều hành làm sao để tạo ra những thay đổi có giá trị mang tính bền vững, tạo tiền đề vững chắc cho những đổi mới các năm tiếp theo. Đó mới là điều khó khi dấn thân vào giáo dục.

Với những nỗ lực của toàn Ngành trong suốt thời gian qua, là người đứng mũi chịu sào, việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận là 1 trong những tư lệnh Ngành có số phiếu tín nhiệm cao rõ rệt so với năm 2013 đã phản ảnh đúng những nỗ lực trong công việc của người đứng đầu Ngành. 

Còn nhiều công việc phải cố gắng, không ít nội dung cần sự tập trung, đoàn kết để cùng tháo gỡ khó khăn… đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa của toàn ngành Giáo dục và cả sự chia sẻ, động viên của toàn xã hội. 

Đây cũng chính là thông điệp gửi gắm trong lần bỏ phiếu tín nhiệm lần này của các đại biểu Quốc hội với các vị tư lệnh Ngành nói chung, với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.