Cử tri đánh giá cao trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

GD&TĐ - Sáng ngày 6/6, sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhiều cử tri bày tỏ tâm đắc với các nội dung trả lời của Bộ trưởng  Bộ GD&ĐT.

Cử tri tin tưởng giáo dục và đào tạo nước nhà sẽ có những bước phát triển tốt (ảnh minh họa)
Cử tri tin tưởng giáo dục và đào tạo nước nhà sẽ có những bước phát triển tốt (ảnh minh họa)

Trung thực, nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận trách nhiệm

Ông Lê Khắc Hiền, cử tri phường Lê Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Tôi là người có 44 năm trong ngành giáo dục, tôi rất tâm đắc với ý kiến trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD. Thái độ của Bộ trưởng rất trung thực, nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận trách nhiệm.  Cách giải thích của Bộ trưởng rất khoa học, chi tiết với từng vấn đề chất vấn.

Đối với giáo dục chúng ta không thể sốt ruột được, đối với giáo dục đòi hỏi rất cơ bản, căn cơ và phải nhẫn nại. GD gắn với mọi người, mọi người làm GD, người người làm giáo dục, nhà nhà làm giáo dục, phải nói quá nửa dân số Việt Nam làm công tác giáo dục. Đây là vấn đề lớn của quốc gia.

Trong phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tôi ấn tượng nhất với 2 vấn đề: điểm đầu và điểm cuối của hệ thống giáo dục. Điểm đầu là GD mầm non, đặt ra vấn đề  phổ cập. Hiện nay trẻ mầm non ít người nhận, đặc biệt ở vùng công nghiệp, cơ sở GD mầm non chưa phát triển kịp, ảnh hưởng đến đời sống công nhân.

Vấn đề đại học là chất lượng đào tạo, giảng viên, tài chính. Bộ trưởng cũng rất thẳng thắn khi đặt ra vấn đề làng ĐH Đà Nẵng.

Tin tưởng những vấn đề đặt ra sẽ được giải quyết trong thời gian tới

Ông Nguyễn Thanh Dự, cử tri phường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội cho biết:  Tôi  theo dõi trên truyền  hình, qua bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phát triển giáo dục trong hiện tại và những năm tới, tôi thấy có 2 vấn đề tâm đắc: Thứ nhất là quyết tâm của Bộ trưởng  phải chấn chỉnh lại GD đại học. Nếu phát triển đại học trong những năm vừa qua vẫn tồn tại như vậy thì chất lượng đầu ra của đại học – nguồn nhân lực chủ yếu cho đất nước - rất nguy hiểm.

Trong những năm trước, tôi rất hoang mang với câu nói của một người có trách nhiệm trong ngành là sẽ phát triển đại học này đến tất cả các tỉnh và thành phố, mỗi tỉnh có ít nhất một trường đại học, và các trường Trung cấp nâng  lên thành cao đẳng, và cao đẳng lên đại học.

Về mặt phát triển, một đất nước có điều kiện phát triển như thế là rất tốt, tiến tới đại học hóa là rất tốt. Nhưng với điều kiện của đất nước ta, đưa ra một chiến lược lược phát triển đại học như thế rất nguy hiểm.

Hôm nay tôi được nghe Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu sẽ chấn chỉnh lại ngành đại học theo tinh thần mới, theo công nghệ 4.0 của quốc tế. Tôi tin những vấn đề đặt ra sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

Điều thứ 2 tôi quan tâm là về chương trình phổ thông mới.  Tôi là một thành viên trong ban tư vấn, giám sát phản biện của Mặt trận Tổ quốc của huyện Thanh Trì, xuất thân từ ngành GD, thông qua công tác quản lý giáo dục phổ thông,  tôi có tham gia đóng góp ý kiến về phát triển giáo dục của ngành giáo dục Thanh Trì. Tôi cho rằng, đưa ra chương trình phổ thông mới cần phải nắm bắt được thực tế đang diễn ra ở cơ sở.

Theo báo cáo của huyện Thanh Trì, huyện có đưa ra kế hoạch 5 năm, trong 5 năm ấy họ có đánh giá rằng,  trong những năm qua, chất lượng không đồng đều giữa các trường, trong khi đó, giáo viên được  đào tạo và hoàn chỉnh rất nhiều về mặt chuyên môn và nghiệp vụ. Tôi cho rằng, để thực hiện chương trình GD phổ thông mới cần tập trung giải quyết mặt bằng chất lượng giáo dục giữa các trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Đưa ra những giải pháp đúng trọng tâm đối với bệnh thành tích

Bà Vũ Thị Lan, cử tri phường Xuân La, Tây Hồ chia sẻ: Ở góc độ cử tri, tôi thấy vấn đề thi đua là vấn đề quan trọng nhất. Không chỉ riêng giáo dục mà ngành nào cũng đều thi đua để đạt thành tích. Tuy nhiên đặt vấn đề thi đua đúng trọng tâm, đúng mục tiêu, hiệu quả là vấn đề quan trọng.

Vấn đề này Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã biết và biết rất rõ. Bộ trưởng cũng đã đưa ra những giải pháp đúng trọng tâm.

Tuy nhiên khi chúng ta nói là bệnh thì phải chữa, nhưng chữa là việc không hề dễ dàng. Bởi căn bệnh thành tích đã ăn sâu vào từng cá nhân, gia đình, đến các cháu nhỏ.  Khi đi học về nhà nào cũng hỏi: Con được mấy điểm? Vì thế,  ngay từ nhỏ, học sinh đã có suy nghĩ hơi lệch về vấn đề này, nhiều cháu bị điểm kém còn giấu vở đi, không nói với bố mẹ. Khi nào điểm cao thì mới khoe với bố mẹ.

Tôi cho rằng đây là vấn đề khó, rất quan trọng và buộc phải làm vì đây là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo.

Tâm đắc khi Bộ trưởng đề cập đến các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học

Ông Tạ Xuân Thảo, cử tri phương Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) cho biết:  Tôi tâm đắc nhất là Bộ trưởng đề cập đến các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Theo quan điểm của tôi, đây là mấu chốt của vấn đề và giải quyết vấn đề: Một là đưa nhanh thế hệ trẻ của chúng ta tiệm cận với cuộc cách mạng 4.0, đồng thời giải quyết vấn đề cốt lõi sinh viên ra trường không có việc làm.

Bộ trưởng có nhắc đến các điều kiện, tôi rất tâm đắc với chủ trương này. Nếu toàn ngành ủng hộ chủ trương, ý kiến của Bộ trưởng nêu ra tôi cho rằng, việc chúng ta nâng cao chất lượng GD đại học, đưa thế hệ trẻ tham gia thị trường lao động, đảm bảo yêu cầu về trình độ, phẩm chất, tham gia thị trường lao động  là có thể trong tầm tay.

Bộ trưởng cho rằng phải làm sao nâng cao chất lượng giảng viên các trường đại học, đặc biệt nhấn mạnh nâng cao tỉ lệ tiến sĩ,  mà tiến sĩ có trình độ đẳng cấp quốc tế, biết giảng dạy tốt về chuyên môn nghiệp vụ hiện đại, lại gắn kết với việc giảng dạy của mình với các công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khuyến khích các giảng viên tích cực đưa về môi trường giảng dạy,  đưa về cơ sở đào tạo các đề án xuất phát từ các doanh nghiệp, các thị trường lao động.

Cá nhân tôi tin tưởng với trả lời của Bộ trưởng và những việc mà ngành Giáo dục đang làm trong những năm vừa qua, đặc biệt là vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục đại học -  giáo dục và đào tạo nước nhà sẽ có những bước phát triển tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ