Cử nông dân đi... du học

GD&TĐ - Sau những khảo sát, nghiên cứu và trao đổi, nhiều nông dân kỳ cựu ở Lâm Đồng nhận ra thời tiết và thổ nhưỡng của Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với Lâm Đồng. Tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ gần 20 nông dân sản xuất giỏi của tỉnh sang Nhật Bản du học các kiến thức tiên tiến mang về ứng dụng.

Nhiều trang trại rau ở Lâm Đồng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ của Nhật Bản để sản xuất rau sạch
Nhiều trang trại rau ở Lâm Đồng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ của Nhật Bản để sản xuất rau sạch

Chú trọng sức khỏe, bảo vệ môi trường

Những ngày tháng "du học" ở Nhật Bản là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm nông dân của ông Nguyễn Văn Thân, nông dân sản xuất giỏi ở xã Đạ R’Sal (huyện miền núi Đam Rông). Ông Thân vui mừng chia sẻ: Cách đây hai tháng (vào tháng 9/2017) tôi cùng nhiều nông dân khác của tỉnh được sang Nhật Bản, học tập tiếp thu kiến thức. Đó là khao khát bấy lâu nay.

Chúng tôi học gì nhớ đó, về nhà truyền đạt lại cho hàng trăm nông dân khác. Từ đó sẽ giúp các buôn làng ở vùng đất Nam Tây Nguyên này bước sang một trang mới trong quá trình sản xuất nông nghiệp của mình. Điều đáng nhớ nhất, cốt lõi nhất, đó là dù trồng một khoảnh rau hay một trang trại rau thì yếu tố sạch bảo đảm cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường là điều phải thực hiện nghiêm ngặt.

Trong những ngày ở Nhật Bản, ông Thân cùng gần 20 nông dân khác được tiếp nhận kỹ thuật ngay tại thực địa như, tại nông trại rau Tahara, nông trại táo và lê Gamagori, nông trường củ cải Moriguchi và các phiên chợ nông sản nổi tiếng ở Nhật Bản. Ông Ka Hùng, sau khi tiếp nhận các kỹ thuật tiên tiến cho biết: “Chúng tôi học thông qua phiên dịch thực tế nên rất dễ hiểu. Giờ đây đã biết cách bảo vệ môi trường ngay từ khi làm đất, gieo hạt, bón phân…cho đến tận lúc thu hoạch”.

Theo nhận định của những nông dân tiêu biểu đi tiếp nhận khoa học-kỹ thuật mới của Nhật Bản thì ai học theo kỹ thuật mới về cũng đều trồng rau sạch để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người tiêu dùng. Muốn sạch cũng phải bắt đầu từ khâu chọn giống, chăm sóc, phun các loại thuốc bảo vệ an toàn.

Mặc dù chi phí cho các công đoạn dựng nhà kính, ủ phân sạch, tỉa rau an toàn… có cầu kỳ và tốn kém hơn, nhưng bù lại sức khỏe của người sản xuất cũng được bảo đảm. Các nông trại của người Nhật Bản còn thường xuyên đưa học sinh về để giáo dục tinh thần cộng đồng, tất cả đều chung tay giữ gìn môi trường vì cuộc sống chung của mọi người, vì một nền nông nghiệp sạch, an toàn vì chính cuộc sống của chúng ta. Học sinh cũng không xa lạ với cuộc sống của nông dân.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học

Là một trong những người tiên phong trong trồng rau sạch ở Đà Lạt, cũng là nông dân tiêu biểu vừa đi Nhật Bản học kỹ thuật mới về, ông Mai Văn Khẩn tự tin: Mình làm đủ loại rau. Bây giờ có thể ứng dụng công nghệ của Nhật Bản thành thạo rồi. Có những loại rau không cần phun thuốc, chỉ cần chăm sóc đúng quy trình theo ngày tháng như kiểu người Nhật Bản thì rau trưởng thành, cho năng suất cao.

Đến hầu hết các trang trại lớn bên nước bạn, chúng tôi còn nhận ra họ ứng dụng rất nhiều công nghệ và các loại máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Nông dân cũng được xem như những lao động đầy sáng tạo.

Cách làm của người Nhật Bản hạn chế được tối đa sức lao động của con người. Nhiều trang trại có kiểu làm độc đáo như canh tác theo chiều dọc. Đây là kiểu canh tác độc đáo, kết hợp giữa nông nghiệp và công nghiệp. Rau được trồng trên các giá chồng lên nhau và quy trình tưới tiêu được tự động hóa. Mỗi ngày, họ đưa ra thị trường hàng ngàn tấn rau sạch.

Ngay cả việc sắp xếp các nông cụ trong trang trại cũng được phân ra rõ ràng. Máy tưới, máy làm cỏ, máy cày xới… không được để gần nhau để bảo đảm vệ sinh.

Ông Ka Mang ở huyện Đơn Dương được tiếp thu kiến thức mới từ Nhật Bản hồ hởi nói: “Không chỉ tôi mà hàng trăm nông dân khác ở các buôn làng này đều thích thú với công nghệ mới. Khỏe cho mình và cho người khác”. Hiện nhiều trang trại ở Lâm Đồng đang tích cực làm nhà kính, mua sắm thêm các loại máy móc như kiểu Nhật Bản để dần dần đưa vào ứng dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ