Sinh năm 1990, vừa tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học tại Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP HCM, Nguyễn Linh Cát nắm trong tay chuỗi 20 cửa hàng bán quần áo nam.
Nhiều người sẽ nghĩ tôi uổng phí bốn năm nhưng tôi lại thấy mình gặt được nhiều thứ. Trong đó, lớn nhất là bài học phải làm theo những gì mình yêu thích để có được đam mê và sẵn sàng dốc sức", Linh Cát chia sẻ.
Lớn lên cùng internet và máy tính, Linh Cát sớm biết kinh doanh qua mạng là mảnh đất tốt lành cho những người thế hệ sau như cô nhưng mãi cho đến năm thứ hai đại học, Cát mới chọn được con đường.
Cát kể, cách đây 2 năm, rất nhiều người đổ xô sang Trung Quốc, Thái Lan... tìm nguồn hàng rồi mang về Việt Nam rao bán trên mạng. Trào lưu này khiến nữ sinh viên như cô được dịp sắm sửa vì giá sản phẩm khá mềm, có rất nhiều mẫu mã dù chất lượng không cao.
Tuy nhiên, nam sinh viên thì lại đứng ngoài phong trào này. Không phải vì các bạn nam không thích thời trang mà nguồn hàng kinh doanh trên mạng phục vụ đối tượng này có nhưng ít và chưa thực sự hấp dẫn.
Muốn sắm sửa, họ phải chấp nhận mua hàng ở các shop với giá cao mà không có nhiều lựa chọn. Quyết tâm thử sức ở đại dương xanh này, Linh Cát gom góp số tiền dành dụm được trong suốt cả năm làm thêm trước đó, đến chợ Tân Bình, lùng chọn những mẫu vải phù hợp với những mẫu thiết kế mà cô thích khi lướt web, tham khảo thời trang nam, rồi đặt may gia công.
Theo tính toán của Linh Cát, giá bán ở các chợ đầu mối hay đặt hàng từ nước ngoài về, trung bình một áo sơ mi nam đã lên đến 180.000 đồng, bán ra phải trên 200.000 đồng mới có lãi. Nếu tự đặt may, giá bán chỉ bằng giá lấy hàng về mà lại đảm bảo được chất lượng và nhất là kiểu dáng không đại trà. "Điều này sẽ tạo nên thế mạnh cạnh tranh cho Catsashop", cô khẳng định.
Khi đã có sản phẩm, Cát bắt đầu lên mạng lập cửa hàng. Trang web123mua.vnlà điểm đến đầu tiên của cô. Linh Cát tiết lộ: "Mới bắt đầu kinh doanh, lập website riêng khó thu hút người truy cập. Cách tốt nhất là dựa vào thế mạnh cộng đồng của những trang thương mại điện tử lớn".
Mô hình kinh doanh của Cát khá đơn giản. Sau khi chọn và đặt hàng trên shop điện tử, khách hàng sẽ được giao hàng tận nơi hoặc đến nhà của Cát để thử và chọn lựa. Cái khó của cô chủ nhỏ là vốn quá ít, phải xoay vòng nên bán hết hàng Cát mới có điều kiện đầu tư thêm mẫu mới. Cát kể, vừa kinh doanh, vừa đi học nhưng cô vẫn phải đi làm PG (nhân viên chào mẫu sản phẩm) để kiếm thêm vốn đầu tư cho sản xuất.
Bên cạnh đó, sản xuất số lượng không nhiều nên việc in, thêu hay thêm thắt các họa tiết vào sản phẩm cũng bị hạn chế. Tuy vậy, đúng như cách tính của Linh Cát, sản phẩm chất liệu tốt, thiết kế trẻ trung lại bán với giá thành rẻ hơn nên được đón nhận rất nhiều. "Chỉ sau 2 tháng chính thức bán hàng, tháng 11, tháng 12 năm đó, có ngày, doanh thu của Catsashop lên đến hơn 5 triệu đồng", Cát khoe.
Sự phát triển này buộc Cát phải tính toán lại bài toán kinh doanh. Một mặt đẩy mạnh quảng bá trên web, phát tờ rơi giới thiệu tại các trường đại học..., mặt khác, Cát mạnh dạn mở shop thực để có nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Cửa hàng đầu tiên của Cát ra đời sau shop ảo bốn tháng. Nhờ quảng bá tốt, khách hàng tìm đến Catsashop ngày một nhiều hơn, Cát phải đầu tư thêm cửa hàng mới phục vụ đủ nhu cầu.
Biết được tiềm năng của Catsashop, nhiều người, trong đó có cả người thân của Cát ngỏ ý làm đại lý. Cô đồng ý nhượng quyền thương hiệu với giá 0 đồng để có thể mở rộng kinh doanh. "Nguyên tắc để làm đại lý cho Catsahop, ngoài vị trí không làm ảnh hưởng đến các shop hiện có thì chỉ cần bán đúng sản phẩm, đúng giá”, Cát cho biết.
Chưa đầy 2 năm nhưng chuỗi Catsashop đã lên đến con số 20, trên địa bàn TP HCM và các tỉnh, thành lớn. Trung bình, mỗi tuần Catsashop cho ra thị trường 20 mẫu thiết kế mới.
"Vốn đầu tư có hạn, phải đợi xoay vòng nên khả năng sản xuất của Catsashop không đủ phục vụ nhu cầu thị trường". Đó chính là lý do Cát dù đang ấp ủ rất nhiều dự định nhưng vẫn chưa thể thực hiện. "Mọi thứ đang diễn ra quá nhanh, tôi sẽ phải rà soát để quản lý tốt hơn. Ước mơ của tôi là đưa sản phẩm của Catsashop đi xa hơn nữa", Cát chia sẻ.