Cú hích nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh vùng khó

GD&TĐ -  "Chất lượng dạy-học tiếng Anh ở vùng khó chỉ có thể được nâng cao nhờ vào một giải pháp mang tính tổng thể và đồng bộ.

Ứng dụng công nghệ thông tin được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh vùng khó
Ứng dụng công nghệ thông tin được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh vùng khó

Giải pháp này cần có cú hích mang tính đột phá để tạo ra điểm khởi đầu, thúc đẩy toàn bộ giải pháp vận hành. Theo đó, công nghệ thông tin đóng vai trò như một tác nhân góp phần khởi động và xúc tiến quá trình nâng cao chất lượng dạy - học nói chung, dạy-học tiếng Anh nói riêng ở vùng khó".

Đó là chia sẻ của thạc sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

Đột phá từ công nghệ thông tin

 Trong hàng hoạt các giải pháp đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách hợp lý được chứng minh là đóng vai trò quan trọng: vừa là một giải pháp cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể, vừa là tác nhân tạo môi trường góp phần thúc đẩy các giải pháp hành động khác
Thạc sỹ Nguyễn Minh Tuấn

Minh chứng cho nhận định của mình, thạc sỹ Tuấn dẫn giải: Năm 2012, Bộ Giáo dục Phổ thông, Mầm non và Thanh thiếu niên (Úc) đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu ‘What Works’ ở 11 trường phổ thông thuộc các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn của đất nước họ.

Nghiên cứu được triển khai nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi: Những giải pháp mang tính hành động cụ thể nào đã giúp nâng cao kết quả học tập của người học tại các trường ở vùng xa xôi, khó khăn?

Đã có 7 nhóm giải pháp được nêu ra và cho thấy, vai trò của công nghệ thông tin, truyền thông như một giải pháp hành động cụ thể và là môi trường xúc tác giúp cho các giải pháp khác được thực hiện hiệu quả dễ dàng hơn.

Nghiên cứu "What Works" cho thấy, tất cả 11 trường thuộc đối tượng nghiên cứu tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn ở Úc đã thu được kết quả đáng kể trong việc nâng cao kết quả học tập và tỷ lệ đến lớp của học sinh thông qua việc khai thác các ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông. Mức độ khai thác ứng dụng khác nhau tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất và khả năng của giáo viên trong trường.

Tuy nhiên, tất cả các trường được nghiên cứu đều có những trang bị tối thiểu như sau: 1 bảng điện tử (hoặc máy chiếu đa chức năng) ở tất cả các lớp học; 1 phòng máy tính (phòng lab); 2 lớp học được trang bị máy tính xách tay (cho giáo viên và mỗi học sinh). Tất cả giáo viên, cán bộ hỗ trợ đào tạo được tập huấn sử dụng bảng điện tử và có thể sử dụng bảng điện tử cùng với học sinh.

"Trên cơ sở đó, thiết nghĩ nâng cao chất lượng dạy học nói chung, dạy học tiếng Anh nói riêng tại các trường phổ thông vùng khó khăn đòi hỏi các giải pháp đồng bộ được nghiên cứu trên cơ sở học hỏi kinh nghiệp từ các nước có cùng bối cảnh và nghiên cứu thực nghiệm thực tế ở Việt Nam" - Thạc sỹ Nguyễn Minh Tuấn khẳng định.

Xây dựng kho dữ liệu online

Với tư cách là một giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Trương Mi Kim - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết: công nghệ thông tin góp phần quan trọng vào chất lượng dạy - học tiếng Anh ở vùng khó.

Chẳng hạn như: giáo viên thành lập địa chỉ mail chung để phân công bài tập hoặc nhận bài làm của các em. Mặt khác có thể giới thiệu các chương trình hoặc trang web để các em nghiên cứu thêm và tự học.

"Nếu việc tổ chức hoạt động tự học trên mạng của giáo viên hợp lý, khoa học và có kiểm tra, học sinh sẽ tham gia một cách nhiệt tình. Thông qua các hoạt động tự học trên, giáo viên sẽ phát hiện ra những em có khả năng tốt và giúp các em phát huy khả năng của mình" - Cô Kim chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, thạc sỹ Nguyễn Hạnh Đào (Viện Ngoại ngữ - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhấn mạnh: Cần xây dựng kho tài liệu, dữ liệu online như một giải pháp lâu dài và bền vững, giúp cho giáo viên tiếng Anh vùng sâu, vùng xa hoàn thành công việc và liên tục được cập nhật tài liệu giảng dạy, nâng cao nghiệp vụ.

"Việc khai thác các mạng xã hội và công cụ đa phương tiện có thể phát huy tác dụng mạnh, giúp khai thác các tài nguyên phi lợi nhuận free online chia sẻ cho các khu vực khó khăn tương tự như trang web “Primary English Educators in Vietnam” cho giáo viên tiếng Anh tiểu học Việt Nam" - thạc sỹ Đào trao đổi.

Phòng học chức năng: Không phải đắt tiền là tốt

 Lãnh đạo ngành giáo dục và các trường, các địa phương cần đầu tư một phòng học Ngoại ngữ có trang thiết bị tối thiểu có thể dùng cho tất cả các môn học
 Tiến sỹ Hà Văn Sinh

Còn theo tiến sỹ Hà Văn Sinh - Giảng viên chính Khoa Ngoại ngữ (Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu), cần thiết đầu tư vào phòng chức năng phục vụ giảng dạy môn tiếng Anh để cải thiện môi trường giao tiếp, động cơ học tập của học sinh.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương việc đầu tư mua sắm và lắp đặt phòng chức năng phục vụ giảng dạy môn tiếng Anh đang là một trào lưu. Phòng chức năng này được hiểu như một phòng học có lắp đặt một hệ thống nghe nhìn, có cabin và tai nghe cá nhân.

Giáo viên có thể điều khiển từ hệ thống trung tâm và giao tiếp với cả lớp hoặc một học sinh qua tai nghe. Mặc dầu phòng học tiếng/phòng chức năng đã khác nhiều so với thời kỳ đầu ở thập niên 1990, khả năng tương tác giữa giáo viên - học sinh trong phòng chức năng có tăng lên.

Song trên thực tế những phòng chức năng này vẫn không giúp tạo ra được một môi trường ngôn ngữ tự nhiên. Chưa kể việc mua những phòng chức năng kiểu cũ, với các ô cabin và tai nghe chia rẽ đã là việc đi ngược với trào lưu dạy – học tiếng Anh theo định hướng giao tiếp, khi chính các ô cabin và hệ thống tai nghe cá nhân đã ngăn cản việc xây dựng một môi trường giao tiếp tự nhiên, khi các hoạt động cặp – nhóm – lớp khó thể thực hiện.

Chính vì vậy, tiến sỹ Sinh đề xuất, thay vì đầu tư hàng trăm triệu đồng cho 1 phòng chức năng như thế này chúng ta chỉ cần chi 15 – 20 triệu đồng cho một phòng học đa phương tiện – hiệu quả hơn nhiều.

"Với 15 triệu đến 20 triệu đồng có thể đầu tư một ti vi có màn hình LCD hoặc LED 40 đến 50 inch kết nối với 1 máy tính bàn/laptop là có thể có ngay một hệ thống đa phương tiện bao gồm hệ thống loa sẵn có từ ti vi, màn hình rõ nét – sinh động không cần giảm ánh sáng khi trình chiếu và giáo viên có thể kết hợp các hiệu ứng – chức năng trình chiếu để tăng tính tương tác cho các hoạt động, tăng tính sinh động cho bài dạy và mang được các tình huống thật vào lớp học kích thích cả tư duy lẫn phát triển kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho học sinh"- tiến sỹ Sinh khuyến nghị.

Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, thì việc đầu tư những trang thiết bị đắt tiền không quan trọng bằng việc giáo viên biết khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy - học nói chung và tiếng Anh nói riêng ở vùng khó.                                                                                                                                                       Bởi công nghệ thông tin sẽ làm phong phú và đơn giản hóa quá trình tiếp thu kiến thức của người học, nhờ đó mà tạo ra được sự quan tâm và thu hút người học ngày một sâu rộng.
TS Nguyễn Thành Long (Trường Đại học Hạ Long)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ