Cụ già xuyên Việt

Cụ già xuyên Việt

(GD&TĐ) - “Cay mũi” vì chuyện hai người nước ngoài đạp xe xuyên Việt, ông Thọ quyết định làm một cuốc “nhấn pê-đan để xuyên Việt đúng nghĩa”. Và rồi, chiếc xe đạp cà tàng và thông điệp bảo vệ môi trường cứ bon bon giúp ông nhiều lần theo suốt chiều dài đất nước, sang tận nước ngoài.

Tức “tiếng gáy” nên xuyên Việt

Nghe một người bạn là thành viên nhóm thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường kể, trong nhóm của họ, có một cụ già đạp xe xuyên Việt để bảo vệ môi trường, tôi tìm đến nhà ông Ngô Vi Thọ vào một buổi trưa hè oi bức. Lúc khách vừa đến cổng ngôi nhà nhỏ ở xóm Cổng Lăng (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) cũng là thời điểm người đàn ông nhỏ thó, mái tóc đã bạc trắng dắt chiếc xe đạp cũ mèm về đến nơi...

Sau khi lau đi những giọt mồ hôi trên khuôn mặt hằn những vết thời gian của 75 mùa thu đã qua, ông Thọ lấy ra hộp sữa chua dí vào tay khách, bảo phải ăn mới làm việc được. Sau khi “chén” ngon lành hộp sữa chua, ông cười mà rằng: “Đạp xe vừa luyện sức khỏe, chống bệnh tật mà lại đem được thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người thì sao lại không làm. Mình hưu rồi, có việc gì đâu?...”.

Ông Ngô Vi Thọ
Ông Ngô Vi Thọ

Rồi ông kể, năm 1997 vô tình ông xem một đoạn phóng sự trên truyền hình, nói về việc có mấy người nước ngoài sang Việt Nam đạp xe xuyên dọc đất nước. Quãng đường của họ đi từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh. Nghĩ mà “ức”. “Họ là người ngoại quốc còn đạp xe xuyên Việt, mình là người Việt chẳng nhẽ lại không?”, người đàn ông 62 tuổi - khi ấy đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO giao lưu văn hóa, thể thao người cao tuổi tự nguyện Thủ đô do chính ông khởi xướng - lập tức lên kế hoạch đạp xe xuyên Việt. Nhưng, phải là xuyên Việt đích thực, có nghĩa là đi từ Cực Bắc đất Việt (đỉnh Lũng Cú, Hà Giang) vào đến tận đất mũi Cà Mau.

Nghĩ là làm, ông Thọ bèn rủ những người bạn thường hay ngao du với mình. Thế nhưng, chẳng ai muốn tham gia cùng ông khi tuổi già, bệnh tật ốm đau thất thường. Nói dại, nhỡ đi trên đường, gặp phải gió độc cũng khó... đỡ. Vận động mãi, cuối cùng có ông Đinh Văn Phấn (77 tuổi) và ông Nguyễn Thi (76 tuổi) đồng ý làm bạn đồng hành cùng ông Thọ. Nhưng, trong chuyến đầu tiên đạp xe, 3 người chỉ dám đạp từ Hà Nội vào làng Sen nhân dịp sinh nhật Bác (19.5.1997) để rút kinh nghiệm đường dài, chứ chưa dám “làm một phát” tới tận Cà Mau.

Sau thành công trên, rất nhiều cụ hưởng ứng đạp xe đạp cùng ông Thọ. Ngày 21.9.1997, ông Thọ cùng 28 thành viên, sau khi chuẩn bị đủ lương khô, nước uống, bắt đầu rong ruổi từ Lăng Bác (Hà Nội) đến Đền Hùng (Phú Thọ), vòng lên cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), rồi xuôi Quốc lộ đến đất mũi Cà Mau. Mệt đâu nghỉ đó, chuyến đi này đến đúng ngày 1.1.1998 thì kết thúc. Cũng lạ, cả chuyến đi dài ngày, dài cả thời gian như thế nhưng toàn bộ các thành viên cả ông lẫn bà, chả ai đau ốm tẹo nào. 

Bảo vệ môi trường

Đến thời điểm hiện tại, Câu lạc bộ UNESCO giao lưu văn hóa, thể thao người cao tuổi tự nguyện Thủ đô thu hút hơn 150 thành viên tham gia. Người muốn gia nhập không khó, chỉ cần đến sinh hoạt “ví dụ” trong 3 tháng đầu. Nếu thấy phù hợp thì làm đơn nhập hội, lệ phí… 1.000 đồng/tháng.

Ông Thọ nhẩm tính, nếu đi xuyên Việt trong khoảng thời gian 4 tháng, mỗi thành viên chỉ tốn từ 1-1,5 triệu đồng. Số tiền này thực chất hầu hết được chi vào việc in cờ, thơ, sách tặng nơi đến và gửi thư liên hệ. Còn chuyện chỗ ở sẽ được liên hệ trước với nơi đến và đa phần đều được địa phương hỗ trợ. Trong hành trình của mình, điều làm ông Thọ và cả đoàn xúc động nhất là đi đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt. Nhiều địa phương đã treo băng rôn, khẩu hiệu đón đoàn, thậm chí lãnh đạo địa phương cũng đến bắt tay, cảm phục tinh thần và sự dẻo dai của các cụ. Trong suốt hơn mười năm đạp xe, ông Thọ đã tổ chức được 401 chuyến đi xa, trong đó có 5 chuyến đi xuyên Việt ra trò. Chiếc xe đạp cũ mèm đã đặt bánh tới 63 tỉnh thành, hai lần sang Lào (2007, 2009) và hai lần sang Trung Quốc (2001, 2009).

Trên đường xuyên Việt
Trên đường xuyên Việt

Điều đặc biệt nữa là trong mỗi chuyến đi, nhóm của ông Thọ đều cắm cờ đuôi nheo của câu lạc bộ đằng trước, đằng sau xe cắm cờ màu xanh với khẩu hiệu bảo vệ môi trường. Với ông, đó là một thông điệp quý giá để tuyên truyền với mọi người. Việc đạp xe đạp cũng giúp giảm phát thải khí CO2 làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, bảo vệ tầng khí quyển, làm giảm hậu quả của thiên tai, bão lũ và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Cũng bởi thế, nhiều tổ chức tình nguyện tuyên truyền bảo vệ môi trường, mỗi khi có việc lại thông qua ông Thọ để mời các cụ đạp xe tuyên truyền. Và lần nào cũng thế, các cụ già lại hăng hái tham gia, chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn đường phố xanh-sạch-đẹp...

Bà Nguyễn Thị Thoan, một thành viên trong đội đạp xe cùng ông Thọ chia sẻ: “Về hưu, không có việc làm buồn lắm. Tham gia đạp xe xuyên Việt để được ngắm nhìn đất nước tươi đẹp, trải nghiệm văn hóa các vùng miền. Bên cạnh đó, lại góp phần tuyên truyền cho mọi người trong việc bảo vệ môi trường, tôi thấy mình có ích cho xã hội”. Cũng theo bà, ngày càng có nhiều người muốn tham gia câu lạc bộ. Có thể, họ không đủ thời gian và sức lực để xuyên Việt hay chuẩn bị cho những chuyến đi dài, nhưng đi “loanh quanh thủ đô” thì ai cũng sẵn lòng.

Khi tôi kể câu chuyện của bà Thoan, ông Thọ chỉ cười không nói. Với ông, cuộc sống sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi không vận động và không thấy mình còn có ích cho xã hội. Bởi thế, bàn chân ông và chiếc xe đạp cũ mèm, chiếc đàn ghi ta trên vai, bộ vá săm, bơm xe lúc nào cũng thường trực chực ngày xuất phát.

Yên Thuỷ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ