Cụ bà ngoài 90 tuổi vẫn ngồi máy khâu, may chăn tặng người nghèo

Chúng tôi đứng trước cửa ngõ nhìn vào nhà. Bên trong, một bà cụ tóc bạc trắng đang miệt mài bên chiếc máy may. Chung quanh bà, nhiều chồng vải được xếp ngay ngắn. Tiếng đạp máy nghe giòn tan và đều đặn...

Cụ bà ngoài 90 tuổi vẫn ngồi máy khâu, may chăn tặng người nghèo
Thợ may tự học

"Bà ơi, cho tụi con vô với". Nghe tiếng gọi bà ngước lên nhìn. Bà nở nụ cười thật tươi rồi nói lớn, tụi con chờ bà một chút ...

Bà tên là Phạm Thị Màng hay còn gọi là bà Tư Màng. Nhà bà ở tại hẻm 29, đường Lạc Long Quân (KP 3, P.4 TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Bà Tư Màng nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng không vì tuổi cao mà bà ở yên một chỗ. Hàng ngày bà ngồi tại máy may chắp từng miếng vải vụn để may thành những chiếc mền (chăn) tặng cho những người nghèo...

 Bà Phạm Thị Màng

Bà Phạm Thị Màng

Bà lững thững bước ra mở cửa. Bà mặc bộ quần áo bằng vải satanh màu tím nhạt. Lưng bà còng như muốn gập xuống. Tóc bà bạc trắng. Da bà nhăn nheo. Điều làm cho cho chúng tôi chú ý nhất là tuy đã già nhưng đôi mắt bà vẫn sáng và nụ cười của bà thật tươi.

Nhà chỉ có mỗi một mình bà. Bà có 7 người con. 6 người đã có gia thất, còn người con trai út đang ở với bà. Đã ngoài 50 tuổi, anh chưa lập gia đình và ở nhà với mẹ. Hàng ngày, anh vào làm công quả bên trong tòa thánh Tây Ninh.

 Cắt vải

Cắt vải 

"Con biết không, 40 năm trước, con dâu còn ở chung với bà. Hàng ngày, nó may quần áo gia công cho các tiệm may trong thành phố. Giờ rảnh, chiếc máy may bỏ trống bà vào ngồi tập đạp máy. Những miếng vải vụn nó bỏ ra là những mẫu cho bà thực tập. Dần dần rồi quen. Đường may cũng thẳng dần. Rồi bà làm thử vài mẫu ráp thấy hay hay...".

Bà Tư bắt đầu kể chuyện về cuộc đời của bà cho chúng tôi nghe. Giọng nói của bà thật ấm. Câu chuyện rất mạch lạc và dường như bà còn nhớ hết tất cả mọi việc đã xảy ra trong cuộc đời bà.

Cơ duyên đến - bà nói tiếp - một đoàn từ thiện đi phát quà ở một vùng bị bão lụt. Người dân mất hết nhà cửa và tài sản. Đoàn rất cần quần áo và chăn mền. Thế là bà đi mua vài bao vải vụn về ngồi cắt ráp. Những chiếc mền đầu tiên rất thành công.

 May mền

May mền

Cứ thế, bà tiếp tục mua vải vụn về làm. Mỗi bao như thế có giá từ 30.000đ đến 50.000đ và bà đã mua trong suốt hơn 3 năm. Sau đó, không biết người ta đồn như thế nào mà người bán vải vụn không bán nữa. Họ đã chở đến tặng không cho bà và còn kêu gọi nhiều người đến giúp bà. Thế là bà có nguồn nguyên liệu miễn phí từ đó. Cũng từ đó, bà luôn miệt mài ngày đến với công việc may mền giúp bà con nghèo. Tính đến nay cũng đã 40 năm.

Trong quá trình may mền - bà Tư kể tiếp - bà có soạn ra được nhiều mảnh vải lớn. Những mảnh vải này nếu may mền thì phí nên bà nghĩ ngay tới việc may quần áo. Thế là ngày đêm bà mày mò. Vừa cắt vừa may. Hư cái nào làm lại cái khác. Thế mà chẳng bao lâu bà may được quần áo mà không cần một trường lớp nào đào tạo.

"Bà con nghèo đang chờ mình"

Một ngày của bà Tư bắt đầu bằng cữ cà phê sáng. Sau cữ cà phê bà lo dọn dẹp, quét nhà và sửa soạn bữa ăn sáng cho 2 mẹ con. Xong việc cũng đã 9g sáng, bà ngồi vào máy và tiếp tục thực hiện những công việc dở dang.

 Hoàn chỉnh một cái mền.

Hoàn chỉnh một cái mền.

Bà không muốn may bằng mô tơ điện. Bà nói, tuổi già cần hoạt động. Đôi chân đạp máy cũng như tập thể dục. Hơn nữa nếu dùng điện giá thành của chiếc mền sẽ cao hơn và bà sẽ khó khăn hơn.

"Rồi buổi trưa thì sao?". Chúng tôi hỏi bà. Trưa chỉ có một mình bà ở nhà nên cũng tiện. Một lon gạo cho vào nồi cơm điện rồi chờ chín. Thức ăn thì qua loa. Tóm lại tất cả sinh hoạt trong gia đình cho 2 mẹ con bà đều làm hết, chỉ trừ những việc nặng không làm nổi thôi.

Chúng tôi nhìn bà. Quá thán phục. Chừng tuổi này bà vẫn minh mẫn vẫn hoạt bát. Dường như tuổi tác không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà. Bà nói thêm, cơm trưa xong nghỉ một lát rồi may cho đến chiều. Sau bữa ăn tối bà đem vải ra cắt trong vài giờ rồi đi ngủ.

 Bằng khen của UBND tỉnh Tây Ninh tặng bà Phạm Thị Màng.

Bằng khen của UBND tỉnh Tây Ninh tặng bà Phạm Thị Màng.

Thỉnh thoảng bà vẫn đi Sài Gòn thăm con cháu nhưng cũng chỉ một hai hôm rồi về vì bà nhớ máy. Bà nói, "mình già may không được nhanh nên phải cố gắng tranh thủ may được lúc nào hay lúc nấy. Bà con nghèo đang chờ mình mà mình xao lãng thì tội lắm".

Sức khỏe của bà hiện nay còn tốt. Bà khoe với chúng tôi như thế. Đôi mắt bà vẫn tinh anh. Bà xâu chỉ vào kim may mà không cần kính. Đôi tai bà vẫn thính. Đầu óc bà vẫn sáng suốt và nhất là trí nhớ. Bà không quên một việc nhỏ nào trong quá khứ. Bà cho biết ít khi bà mệt và bà làm việc như thế không nghỉ một ngày nào. Trong hành trang của các đoàn từ thiện đến với bà con nghèo luôn có những chiếc mền, những bộ quần áo do bà tự may.

 Bà cười rạng rỡ trước ống kính máy ảnh

Bà cười rạng rỡ trước ống kính máy ảnh

Nói đến đây, chúng tôi chợt nhìn lên vách. Tấm bằng khen do ông Phạm Văn Tân, chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ký có ghi : "Bà Phạm Thị Màng đã có thành tích giúp đỡ người nghèo, người cao tuổi, là tấm gương người tốt việc tốt trên địa bàn thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh" được bà treo ở vị trí trang trọng.

Luôn lạc quan, vui vẻ, không giận hờn và nhất là tấm lòng thương yêu mọi người đã giúp bà Tư Màng có những ngày cuối đời thật đáng sống. Trước khi từ giã bà, người viết muốn chụp với bà một tấm hình lưu niệm. Thất bất ngờ, bà đưa 2 ngón tay lên cao trước ống kính và nở một nụ cười thật tươi. Đẹp thật đẹp biết bao...

Theo vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ