Cứ 5 giây có thêm một người mù

Cứ 5 giây có thêm một người mù

(GD&TĐ) - Với 3,1% dân số bị mù hai mắt, 13,6% dân số có thị lực thấp cần can thiệp nhãn khoa, cho thấy nhu cầu điều trị là rất lớn. Tuy nhiên, cả nước mới có khoảng 1.600 bác sĩ chuyên khoa mắt tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, hệ thống cơ sở chăm sóc mắt cồng kềnh với nhiều mô hình khác nhau… đang là thách thức lớn trong việc hoàn thành mục tiêu kiểm soát được bệnh mù lòa vào năm 2020.

Cơ sở chăm sóc mắt dàn trải, cồng kềnh nên việc đầu tư trang thiết bị, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn. Ảnh: V. Trần
Cơ sở chăm sóc mắt dàn trải, cồng kềnh nên việc đầu tư trang thiết bị, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn. Ảnh: V. Trần
 

Khủng hoảng bệnh mắt

ThS Nguyễn Tuấn Lâm (văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho biết: Thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp (trong đó có khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm 80%). “Cứ 5 giây lại có thêm một người mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn”, ThS Lâm nhận định.

Ở Việt Nam, điều tra của  Ban Chỉ đạo phòng chống mù lòa quốc gia năm 2007 tại 16 tỉnh thành cho thấy tỷ lệ mù lòa hiện nay là 3,1% (tập trung chủ yếu ở người 50 tuổi trở lên).

PGS. TS Nguyễn Chí Dũng, thư ký Ban chỉ đạo phòng chống mù lòa quốc gia cho biết: Đục thủy tinh thể là nguyên nhân chính gây mù lòa (66,1%), tiếp đó là các bệnh lý về mắt (16,5%), bệnh glôcôm (6,5%) và 2,5% do tật khúc xạ, bệnh mắt hột (1,7%). Con số trên tương đương với 409.200 người mù 2 mắt, trong đó có 270.500 người mù do đục thủy tinh thể, 26.188 người mù do bệnh glôcôm và 6.950 người mù do bệnh mắt hột và hàng trăm ngàn người mù, giảm thị lực do tật khúc xạ chưa được chỉnh và cấp kính.

Nhiều bất cập trong điều trị

Với 3,1% dân số bị mù lòa và mỗi năm có thêm 1% dân số mắc  bệnh về mắt cần được mổ cho thấy, nhu cầu về nhân lực y tế cũng như cơ sở chuyên khoa mắt là rất lớn. Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Chí Dũng, cả nước có gần 1.600 bác sĩ nhãn khoa làm việc ở hệ thống công, tư trong cả nước. Như vậy, số bác sĩ tương đối đủ so với nhu cầu nhưng phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở thành phố và đồng bằng. Ngoài ra, chất lượng cũng không đồng đều vì trong đó có vài trăm bác sĩ chuyên khoa định hướng chưa phẫu thuật mắt được. Điều tra của Ban chỉ đạo phòng chống mù lòa quốc gia cũng cho thấy tình trạng  thiếu cán bộ trung cấp chăm sóc mắt diễn ra ở hầu khắp các  bệnh viện tuyến huyện. “Hiện chỉ có 30% huyện có y tá, bác sĩ chuyên khoa mắt”, PGS Dũng  thừa nhận.

Không chỉ thiếu cán bộ y tế chuyên khoa mắt, mô hình cơ sở y tế chăm sóc mắt hiện nay còn quá cồng kềnh. Có tỉnh, thành có tới 5 mô hình cơ sở y tế chăm sóc mắt (bệnh viện Mắt, TT Mắt, khoa Mắt thuộc TT phòng, chống bệnh xã hội, TT Y tế dự phòng và khoa Mắt thuộc các bệnh viện đa khoa tỉnh, khu vực), nhưng cũng có địa phương chỉ có 1 - 2 mô hình. Tại tuyến huyện cũng tồn tại song song 3 mô hình là  khoa Mắt thuộc bệnh viện  huyện, khoa Mắt thuộc Trung tâm y tế huyện và phòng y tế huyện nên việc chỉ đạo và thống nhất hoạt động gặp khó khăn, thậm chí trái ngược nhau.

Tỷ lệ người dân mắc bệnh về mắt cao, nhu cầu điều trị ngày càng lớn, theo PGS. TS Dũng, một mặt Ban chỉ đạo đề nghị thống nhất 3 mô hình, đối với tuyến tỉnh gồm bệnh viện Mắt hoặc Trung tâm Mắt; tuyến huyện chỉ còn khoa Mắt trong bệnh viện đa khoa huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục tập huấn nâng cao chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ hiện có và đào tạo thêm nhân lực đồng thời có quy định rõ ràng về lương, phụ cấp để đội ngũ này yên tâm về tuyến huyện, tỉnh công tác.

Việt Văn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ