(GD&TĐ) - Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong đảm bảo chất lượng và CT-SGK GDPT thời gian vừa qua, dự thảo Báo cáo giám sát của UBTVQH cũng nêu rõ hiện Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Đề án Đổi mới CT – SGK GDPT sau năm 2015 và Bộ GD&ĐT đang tích cực xây dựng Đề án này. Đưa ra một số yêu cầu đối với công tác biên soạn CT – SGK mới, Đoàn giám sát của UBTVQH đề nghị để bảo đảm thực hiện có hiệu quả CT – SGK mới, cần đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ GV, CBQLGD và nâng cấp, hiện đại hoá CSVC trường lớp, đáp ứng được yêu cầu dạy học theo CT – SGK mới.
Nhất trí cao với hầu hết các nội dung dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát đưa ra, thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, Ngành, các thành viên Đoàn giám sát cũng bổ sung, kiến nghị một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách, hay làm rõ một số nội dung chưa đề cập cụ thể trong báo cáo. Trong đó, tập trung chủ yếu là các nội dung: Đầu tư cho GD; công tác đào tạo đội ngũ GV; trách nhiệm của các bộ, ban ngành hỗ trợ cùng Bộ GD&ĐT trong việc phát triển sự nghiệp GD; trách nhiệm của địa phương đối với ngành, nhất là những địa phương có vùng đồng bào DTTS; sự cần thiết phải ban hành Luật nhà giáo…
Một số thành viên Đoàn giám sát còn thẳng thắn kiến nghị cần quan tâm hơn nữa trách nhiệm xã hội hoá (XHH) đối với GD, không thể cái gì yếu kém cũng là lỗi của Bộ GD&ĐT. Cần phải làm rõ việc XHH GD là ở những lĩnh vực nào, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương như thế nào; bên cạnh hệ thống GD quốc dân, sự phát triển của hệ thống các trường ngoài công lập đạt đến đâu… cũng được nhiều đại biểu đề nghị làm rõ.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã làm rõ một số nội dung mà dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát nêu, nhất là những vấn đề được coi là còn có bất cập. Trong đó, đối với hệ thống trường PTDTNT, Đoàn giám sát cho rằng công tác truyển sinh còn chưa quan tâm đến chất lượng đầu vào. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu rõ thực tế có một số dân tộc, nhất là với những dân tộc rất ít người, chất lượng đầu vào không thể nào đảm bảo được theo mặt bằng chung. Bởi vậy, trong chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, những dân tộc có số người đông thì đầu vào chắc chắn phải thi; còn đối với những dân tộc rất ít người, ít cán bộ thì được ưu tiên xét tuyển và đó là những trường hợp ưu tiên đặc biệt.
Đối với nhận định chất lượng các trường PTDTNT nhìn chung thấp, Thứ trưởng nêu dẫn chứng hiện nay có rất nhiều trường PTDTNT có số HS thi đỗ vào ĐH, CĐ và TCCN chỉ sau trường chuyên của tỉnh. Thứ trưởng nhấn mạnh, hệ thống các trường PTDTNT đã đáp ứng được mục tiêu tạo nguồn cán bộ cho địa phương và đồng bào các DTTS.
Đánh giá về CT GDPT, Thứ trưởng cũng khẳng định đã có những sự đổi mới rõ rệt trong thời gian gần đây, tiếp cận với nhu cầu của xã hội. Theo Thứ trưởng, đây là những yếu tố mới tiệm cận dần với yêu cầu đạt ra của chương trình sau năm 2015 mà Chính phủ đang giao Bộ GD&ĐT xây dựng. Những đổi mới này vừa tạo tâm lý chuẩn bị, làm quen đối với cả xã hội, cũng như là bước thử nghiệm để lựa chọn những nội dung tốt nhất, phù hợp nhất để đưa vào CT – SGK phổ thông sau năm 2015.
Khánh Sơn