(GD&TĐ) - Với con số 0,83%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 8/2013 so với tháng trước là mức tăng khá đột biến so với diễn biến những tháng gần đây (CPI tháng 7 chỉ tăng 0,27% so với tháng 6) và vượt xa dự báo trước đó của một số cơ quan chức năng (cho rằng chỉ giao động từ 0,4 – 0,5%). Dẫu vậy, đó cũng là một sự đột biến có thể đoán trước, khi mà sự tăng giá của xăng dầu đã thực sự gây áp lực lên nền kinh tế.
Vẫn là những dấu ấn của chính sách điều hành
Cùng với xăng dầu, giá dịch vụ y tế tăng cao đã góp phần đẩy mạnh mức tăng của CPI tháng 8 |
Đi sâu vào diễn biến chỉ số giá trong tháng 8 mà cơ quan thống kê quốc gia vừa công bố, bên cạnh áp lực của giá xăng dầu bán lẻ, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và tăng học phí cũng là những nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá trong tháng lên cao.
Cụ thể trong tháng này, tác động từ các đợt điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước đó vào 14/6 và 28/6 đã bắt đầu phát huy áp lực, cộng thêm đợt điều chỉnh tăng gần nhất là 17/7, đúng vào thời điểm bắt đầu chu kỳ tính toán CPI hàng tháng (từ 15 tháng này sang 15 tháng sau). Tác động của những đợt điều chỉnh này đã đưa chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,11% đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng CPI chung cả nước. Đợt giảm giá ngày 22/8 vừa qua của mặt hàng xăng dầu, đã kết thúc thời điểm tính toán CPI trong tháng nên không có tác động gì.
Hơn nữa, mức giảm này cũng khá thấp nên theo tính toán, cũng sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới mức lên hay xuống của CPI tháng 9 tới. Việc tăng giá điện với mức tăng 5% áp dụng từ ngày 1/8 cũng chỉ sẽ tác động đến CPI của tháng 9, bởi hóa đơn thanh toán tiền điện sẽ được thanh toán vào cuối tháng 8, đã qua chu kỳ tính CPI của tháng 8.
Theo sau chỉ số giá của mặt hàng xăng dầu, mức tăng của CPI tháng 8 cũng chịu tác động chính khá lớn của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và học phí. Cụ thể với mức tăng 4,11%, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế đóng góp tới 0,23 điểm phần trăm vào mức tăng CPI chung của cả nước trong tháng. Trong khi đó, tháng 8 cận kề năm học mới, cộng thêm quyết định điều chỉnh học phí nhiều địa phương đã khiến chỉ số giá nhóm giáo dục cả nước tăng 0,9% so với tháng trước.
Ngoại trừ ba nhóm này, các nhóm hàng còn lại không có đột biến về giá. Duy chỉ có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có dấu hiệu tăng trở lại ở mức 0,54% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,7%, thực phẩm tăng 0,62% do ảnh hưởng từ các đợt mưa bão kéo dài và chi phí vận chuyển tăng (do tác động từ điều chỉnh giá xăng dầu).
Như vậy, xét về thực chất mức tăng đột biến của CPI trong tháng 8 lại có rất ít tác động từ sự gia tăng sức mua của thị trường - một yếu tố quan trọng và rất cần thiết đối với nền kinh tế. Hầu hết các nhóm hàng có sự tăng giá đều do tác động của chính sách điều hành, thông qua điều chỉnh giá của các nhóm hàng mà người dân không thể không sử dụng như xăng dầu, dịch vụ y tế và giáo dục.
Dự báo khả quan
Dẫu thừa nhận sự thiếu vắng của yếu tố sức mua trong mức tăng của CPI tháng 8, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng đó không phải là điều đáng lo ngại. Bởi lẽ điều quan trọng là diễn biến thị trường chưa cho thấy yếu tố cơ bản để tăng cầu; trong khi khả năng thanh toán của khu vực thời gian qua cũng nằm trong kỳ vọng của các cơ quan chức năng. Hơn thế nữa, dù sức mua của người dân còn yếu nhưng cầu vẫn ở trong trạng thái ổn định, thể hiện qua tình hình doanh nghiệp. Ông Đỗ Thức nhắc lại từ cuối năm 2012 đến hết quý I/2013, tình hình doanh nghiệp khá căng thẳng.
Tuy nhiên từ cuối quý II trở đi số doanh nghiệp đăng ký lại bắt đầu tăng lên, nhiều doanh nghiệp bắt đầu báo lãi lớn, cho thấy kinh tế đang ổn dần, tín hiệu tốt đang trở lại.
Dự báo về tháng 9 tới, chỉ có dịch vụ giáo dục tăng, nhưng tác động không lớn vì loại dịch vụ này chỉ tăng giá ở một số tỉnh thành phố và quyền số tính CPI cũng hạn chế. Đó là lý do mà người đứng đầu cơ quan thống kê quốc gia nhận định mục tiêu lạm phát cả năm sẽ không đáng quan ngại, nền kinh tế còn đủ dư địa cho đà tăng chỉ số giá những tháng cuối năm theo thông lệ.
Lưu Nguyễn