(GD&TĐ) - Theo đúng quy định, ngày 24 hàng tháng, cơ quan thống kê quốc gia mới công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng đó. Với đà tăng của hai tháng qua, cùng quy luật tăng tốc của CPI những tháng cuối năm, có thể dự báo khả năng lớn CPI tháng 10 sẽ nhích lên so với tháng 9. Tác nhân chính, vẫn là từ những điều chỉnh về mặt hành chính chứ không phải tác động từ điều tiết cung - cầu của thị trường.
Tại phiên họp thứ 22 của UBTVQH khoá XIII (diễn ra từ 10 - 15/10), Bộ Tài chính đã trình lên bản đánh giá sơ bộ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất huy động giảm 2 - 3%, lãi suất cho vay giảm 3 - 5% so với đầu năm. Nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn được thực hiện, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc, lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng, sản xuất kinh doanh mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng tốc độ vẫn chậm, nợ xấu suy giảm nhưng còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.
Tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá giảm, sức mua giảm, chính sách bảo hộ thương mại của một số thị trường lớn. Đó là những căn cứ để có thể nhận định khó có thể có sự đột biến về mức tăng của CPI không chỉ trong tháng 10 mà còn trong của quý cuối cùng của năm, khi mà cầu đi xuống khá rõ.
Tuy vậy, theo quy luật, trong các tháng cuối năm lại thường có nhiều yếu tố tạo sức ép tăng tổng phương tiện thanh toán. Đó là việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách tập trung, nguồn vốn trái phiếu chính phủ và vốn ODA, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh dự trữ chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Giáp Ngọ.
Một yếu tố đáng chú ý khác là các biện pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bảo đảm đạt mục tiêu cả năm là 12%. Bên cạnh đó, bắt đầu từ tháng 10, giá viện phí, học phí (dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) và giá nước sạch bắt đầu được điều chỉnh tăng ở một số địa phương, trong đó có hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chắc chắn sẽ có tác động chung đến chỉ số giá.
Chưa kể các giải pháp khuyến khích đầu tư toàn xã hội, các chính sách miễn, giảm, gia hạn hoàn thuế tiếp tục được thực hiện, sẽ tác động mạnh mẽ đến đà tăng của CPI.
Những yếu tố này, có ảnh hưởng chiều sâu và lâu dài hơn so với yếu tố quy luật về khả năng tiêu dùng của người dân những tháng cuối năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; hay nhu cầu tiêu dùng mang tính thời vụ như mua sắm giai đoạn chuyển mùa và sức ép tăng giá thực phẩm của mùa mưa bão.
Những yếu tố này, có chăng chỉ tác động lên chỉ số giá của mặt hàng may mặc, ăn uống chứ không liên quan đến nhóm hàng hoá sản xuất công nghiệp hay những dịch vụ xã hội khác. Đó cũng là lý do để chúng tôi mạnh dạn dự báo CPI tháng 10 chỉ tăng nhẹ so với tháng 9/2013, với con số căn cứ hợp lý là mức dự báo tăng từ 0,5 – 0,6% của Tổ điều hành thị trường trong nước vừa đưa ra.
Với dự báo về mức tăng nhẹ như vậy của CPI tháng 10, có thể hoàn toàn tin tưởng chỉ số giá tiêu dùng cả năm khó vượt qua mốc chúng ta đang cố giữ là dưới 7% (tương đương với mục tiêu kiềm chế lạm phát).
Có điều, như chúng tôi phân tích ở trên, mức tăng trong tầm kiểm soát đó, lại chủ yếu là do tác động từ dấu ấn điều chỉnh hành chính, chứ rất ít bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh của thị trường (thông qua quy luật cung - cầu).
Đó cũng là điều đáng phải suy nghĩ đối với các nhà điều hành nền kinh tế đất nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Nhất Nguyên