Trang mới của cuộc điều tra?
Ông Mueller đang điều tra xem liệu Tổng thống có cản trở công lý hay không khi, đầu năm ngoái, yêu cầu ông Comey ngưng cuộc điều tra các mối liên hệ của ông Flynn với Đại sứ Nga tại Washington vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức hồi tháng Giêng 2017 và, sau đó vài tháng, đuổi việc ông Comey lúc bấy giờ đang dẫn đầu cuộc điều tra của FBI về sự can dự của Nga.
Chưa rõ liệu ông Trump, người nhiều lần bác tin chiến dịch tranh cử của ông thông đồng với Nga, có đồng ý để ông Muller “thẩm vấn” hay không và việc này sẽ diễn ra dưới hình thức nào.
Vài tháng trước, ông Trump tuyên bố sẽ hoàn toàn đồng ý gặp toán điều tra của ông Mueller, nhưng gần đây Tổng thống chất vấn rằng không có “sự thông đồng”, không cần thiết phải cần làm việc đó.
Trước đó, một số trợ lý thân cận và cả con trai cả của ông Trump đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ cũng như nhóm điều tra liên quan đến nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ, ít nhất có một người đã chính thức bị kết tội. Đó là ông Michael Flynn, cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, bị buộc tội hồi cuối tháng 11/2017 vì cố tình đưa ra “các tuyên bố lừa dối, thêu dệt và sai” với cơ quan điều tra về các mối liên hệ với Nga.
Không chỉ bác bỏ các cáo buộc liên quan đến nghi vấn can thiệp bầu cử (vốn bị ông Trump gọi là “cuộc săn lùng phù thủy lớn nhất lịch sử”), Tổng thống Trump cũng bác tin nói ông đã yêu cầu cựu Giám đốc FBI Comey ngưng điều tra ông Flynn, gọi đây là điều bịa đặt.
Hiện chưa có cáo buộc chính thức nào đối với Tổng thống, nhưng có không ít thông tin cáo buộc ông cản trở điều tra. Theo luật Mỹ, cản trở công lý là có tội, dù bất kể đó là ai.
Các chuyên gia pháp lý cho biết dù một Tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố về tội cản trở công lý hay bất kỳ tội nào khác, tội danh này có thể được Quốc hội dùng để luận tội truất phế, nếu muốn.
Áp lực dồn lên ông Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 đang ở Davos (Thụy Sĩ) để dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Cùng với hàng rào danh dự, ông cũng được “chào đón” bởi biển người có tư tưởng chống chủ nghĩa tư bản rầm rộ xuống để phản đối sự hiện diện của ông.
Chỉ cách đây vài ngày, ngay tại Mỹ, cũng có hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình chống lại Tổng thống, nhân kỷ niệm tròn 1 năm ông bước chân vào Nhà Trắng.
Phe Dân chủ trong Thượng viện từ chối thỏa thuận chi trả cho việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico, chính phủ thì tạm dừng hoạt động 3 ngày vì Quốc hội không thông qua được gói kinh phí hoạt động… Giữa bối cảnh đó, cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ có vẻ càng được đẩy mạnh, cho thấy có một xu hướng chống ông Trump rõ rệt trên chính trường Mỹ, gâp áp lực cho không chỉ Tổng thống mà cả những người thuộc bộ sậu của ông.
Thông tin đáng chú ý gần đây còn cho biết Giám đốc FPI Christopher Wray (vốn được ông Trump lựa chọn) vừa dọa từ chức vì áp lực từ Nhà Trắng và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đòi ông phải sa thải phụ tá hàng đầu của mình.
Trước thông tin “mâu thuẫn nội bộ” đó, ông Trump không khỏi bất bình. “Ông ấy không hề làm vậy, không hề” – ông chủ Nhà Trắng khẳng định khi được hỏi về chuyện này tại một sự kiện ở Phòng Bầu dục. “Ông ấy sẽ làm tốt phận sự của mình” - Tổng thống Trump nói thêm.
Phụ thêm cho khẳng định của Tổng thống, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cũng tuyên bố với báo giới: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Giám đốc Wray”. Khi phóng viên hỏi liệu ông Trump có giữ lại các nhân vật khác trong FBI có ý không ủng hộ ông, bà Sanders nói: “Tổng thống cảm thấy nếu cần có thay đổi gì thì Giám đốc FBI sẽ quyết định và thực hiện”.
Nên biết, trong FBI, không phải ai cũng ủng hộ ông Trump, nhưng người có cảm tình với Công tố viên đặc biệt Robert Mueller – từng là Giám đốc FPI - thì không thiếu.