(GD&TĐ) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chỉ đạo như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm học 2010 – 2011 và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra năm học 2011 – 2012, tổ chức tại Tp. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày 23/8. Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đến từ Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phía Nam.
Theo Báo cáo tổng kết năm học 2010 – 2011 của Thanh tra Bộ GD&ĐT: Các đoàn Thanh tra của Bộ đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành, chuyên đề đúng quy trình nghiệp vụ, từ khâu lập kế hoạch cho đến kết luận thanh tra. Qua đó đánh giá đúng thực trạng hay dở, yếu kém của từng cơ sở GD. Đoàn thanh tra Bộ đã kiến nghị với chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời tư vấn những kinh nghiệm, giải pháp để các cơ sở GD nghiên cứu, vận dụng phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém. Những đề xuất, kiến nghị của địa phương được đoàn thanh tra Bộ kịp thời giải đáp, hoặc báo cáo lãnh đạo Bộ có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.
Năm học 2010 – 2011, các Sở GD&ĐT cả nước thanh tra được 703 cơ sở GD xung quanh việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua thanh tra quản lý dạy thêm, học thêm cho thấy các địa phương cơ bản thực hiện đúng quy định của Bộ và UBND các tỉnh, thành. Công tác quản lý thu chi ở các lớp dạy thêm, học them do nhà trường tổ chức được công khai đúng quy định. Ở lĩnh vực thanh tra việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, đã được các Sở GD&ĐT thực hiện thường xuyên với hình thức lồng ghép hoặc theo các chuyên đề. Kết quả: hầu hết các Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT có đủ hồ sơ cấp phát văn bằng, chứng chỉ đúng mẫu.
Cũng theo báo cáo của Thanh tra Bộ GD&ĐT: Năm học vừa qua các lĩnh vực thanh tra quan trọng như: Thanh tra các kì thi; thanh tra việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, về cơ bản đã được các Sở GD&ĐT triển khai thực hiện có hiệu quả tốt. Đơn cử như việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, năm học 2010 – 2011, các Sở GD&ĐT đã nhận được 1736 đơn, số đơn đủ điều kiện giải quyết là 1357, trong đó đơn thuộc thẩm quyền giải quyết là 819- đã giải quyết 786 đơn, còn 33 đơn đang giải quyết ...
Các đại biểu dự Hội nghị |
Hạn chế, thiếu sót chủ yếu của công tác thanh tra là một số Sở GD&ĐT số lượng cán bộ thanh tra chuyên trách còn thiếu nhiều, việc bổ nhiệm cộng tác viên (CTV) thanh tra chưa phù hợp. Cán bộ thanh tra kiêm nhiệm ở một số Phòng GD&ĐT còn hạn chế về nghiệp vụ thanh tra, phải ôm đồm nhiều việc nên hiệu quả công tác thanh tra chưa cao. Một số CTV thanh tra khi tiến hành thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên chưa làm tròn trách nhiệm, còn nể nang, né tránh, nhận xét chưa khách quan, đánh giá thiếu chính xác. Quản lý dạy thêm, học thêm mới chỉ dừng lại ở việc cấp giấy phép là chủ yếu, việc thanh tra xử lý sai phạm còn hạn chế.
Đặc biệt năm học vừa qua 19.507 giáo viên cả nước (đạt tỉ lệ 12,8%) đã được thanh tra hoạt động sư phạm. Các cuộc thanh tra được triển khai đều khắp các bậc học, là cơ sở để bồi dưỡng, phát triển cán bộ quản lý GD và chấn chỉnh kỉ cương trường học. Đã có trên 11 chuyên đề của ngành GD được thanh tra thường xuyên nghiêm túc. Đấng chú ý là các chuyên đề trọng điểm như: Công tác quản lý tài chính, tài sản; Việc ứng dụng Công nghệ thông tin; Việc đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD; Việc mua sắm bảo quản sử dụng thiết bị dạy học ...
Trong Dự thảo hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra năm học 2011 – 2012, Bộ GD&ĐT đề nghị bố trí cho thanh tra Sở GD&ĐT ít nhất 10% biên chế toàn cơ quan Sở, trong đó có thanh tra viên có nghiệp vụ tài chính. Các Phòng GD&ĐT bố trí ít nhất một cán bộ phụ trách công tác thanh tra. Khi xây dựng kế hoach thanh tra, cần kết hợp với công tác Kiểm định chất lượng GD, để đề ra chỉ tiêu thanh tra phù hợp có hiệu quả. Ít nhất có 15% các cơ sở GD được thanh tra trên tổng số đơn vị thuộc quyền quản lý ...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tá – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên đề nghị : Bộ GD&ĐT cần có Phụ lục đánh giá kết quả thanh tra của các Sở GD&ĐT. Lâu nay, chỉ tiêu biên chế cán bộ viên chức các Phòng GD&ĐT thiếu quy định rõ ràng, phụ thuộc vào “lòng hảo tâm” của các cơ quan có thẩm quyền là một bất cập lớn.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu- Nguyễn Văn Hảo đề nghị: Bộ cần có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị Định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về thanh tra đối với các trường ĐH,CĐ,TCCN trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ nên hướng dẫn cụ thể công tác thanh tra hành chính.
Ông Nguyễn Duy Trinh- Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Bình Thuận cho biết: Rất khó mời các nhà giáo có uy tín, các cán bộ quản lý GD giỏi về làm cán bộ thanh tra chuyên trách, vì công việc quá vất vả, dễ đụng chạm và chế độ đối với cán bộ thanh tra còn nhiều bất cập...
Sẽ tăng cường công tác thanh tra thi năm học 2011-2012 |
Kết luận Hội nghị,Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Năm học mới công tác thanh tra rất nặng nề, là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về “Đổi mới căn bản toàn diện nền GD”. Toàn ngành GD&ĐT cũng đang tích cực phân cấp, phân quyền, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GD. Công tác thanh tra phải bám sát Chỉ thị nhiệm vụ năm học 2011-2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cũng như các nhiệm vụ trọng tâm các bậc học, ngành học mà Bộ GD&ĐT đã triển khai.
Đầu tháng 9/2011, Bộ sẽ có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ, sẽ ban hành chế độ làm việc đối với GV mầm non. Đối với Thông tư số 28 ngày 21/10/2009 của Bộ GD&ĐT về việc quy định chế độ làm việc của GV phổ thông, trong đó có quy định chế độ bồi dưỡng cho CTV thanh tra, hiện đã có 41/63 Sở GD&ĐT triển khai thực hiện. các Sở GD&ĐT cần chủ động hơn trong việc thực hiện Thông tư 28 này... Năm học mới cần đặc biệt chú ý công tác thanh tra thi cử hiện còn khá yếu (nhất là khâu coi thi ); đẩy mạnh thanh tra các cơ sở GD ngoài công lập và cơ sở GD có yếu tố nước ngoài; tăng cường tự kiểm tra nội bộ và thanh tra chuyên môn...
Đinh Lê Yên