(GD&TĐ)- Mặc dù lạm phát tăng cao kéo theo các chính sách thắt chặt tín dụng, chi phí đẩy lớn, tiêu thụ gặp khó khăn song 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp vẫn đạt 9,7%, cao hơn so với năm trước (8%).
Công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng cao nhất, ở mức hai chữ số (ảnh MH) |
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp như sau: tăng trưởng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp ước 6 tháng đạt 6,98%, cao nhất trong các nhóm ngành (nông, lâm nghiệp- thủy sản tăng 2,08%, xây dựng tăng 4,26%, dịch vụ tăng 6,12%) và cao hơn tốc độ chung (5,57%).
Như vậy, công nghiệp tiếp tục là động lực, là đầu tàu của tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, góp phần vào việc ngăn chặn nguy cơ suy giảm sâu hơn của tăng trưởng kinh tế.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 5,3%, trong đó doanh nghiệp nhà nước địa phương trong nhiều năm trước thường bị sụt giảm, nhưng nay vẫn tăng 3,5%.
Khu vực ngoài nhà nước tăng trưởng với tốc độ cao nhất (17,1%). Khu vực này đã khai thác tốt hơn cả 3 yếu tố- ngoài 2 yếu tố giống như đã được đề cập ở trên đối với doanh nghiệp nhà nước địa phương, còn có sự tăng lên của năng lực sản xuất, với sự ra đời của các doanh nghiệp mới, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao thứ hai (17%) nhờ đã tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu khi kinh tế thế giới có sự phục hồi và tranh thủ khi giá xuất khẩu tăng cao (chỉ số giá xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước tăng 13,6%, nếu tính thêm tốc độ tăng tỷ giá bình quân là 10,3%, thì tăng 25,3%).
Nếu phân chia theo nhóm ngành thì nhóm ngành chế biến tăng trưởng với tốc độ cao nhất, ở mức hai chữ số. Trong 32 ngành của nhóm ngành chế biến, có 25 ngành tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 17 ngành tăng cao hơn tốc độ chung (12,7%). Cao nhất là sản xuất đường (tăng 43,5%), nhờ tốc độ tăng tiêu thụ rất cao (49,8%), góp phần quan trọng vào việc giảm giá đường.
Sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng cao (38,1%), nhờ có chỉ số tiêu thụ rất cao (80,8%). Tương tự, sản xuất đồ uống không cồn tăng 35% và tăng 29,9%; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa tăng 35,3% và tăng 27,2%,… Sản xuất xi măng, sản xuất sắt thép, phân bón, giấy, bia, thức ăn gia súc, bơ sữa,… đều tăng hai chữ số.
Nhóm ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 10,3%, trong đó sản xuất tập trung và phân phối điện tăng 10,7%, đã góp phần giảm bớt sự căng thẳng về nguồn phải cắt điện luân phiên như năm ngoái.
Nhóm ngành công nghiệp khai thác mỏ chỉ tăng 2,8%, thấp nhất trong 3 nhóm ngành công nghiệp. Điều này là phù hợp với chủ trương tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước,…
Sản xuất da giày 6 tháng đầu năm ổn định và tăng trưởng. Giày dép xuất khẩu vẫn vững vàng là TOP đầu trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tiêu thụ sản phẩm đã có sự chuyển hoá. Sản phẩm giày dép bằng cao su, phẩm cấp thấp, rẻ tiền đã được thay thế dần bằng dày da thật và giả da, đặc biệt là giày thể thao và giày vải. Tuy vậy ngành da giày đang phải đối mặt với tình trạng thíếu hụt lao động, nếu không khắc phục trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và kinh doanh.
Tình hình sản xuất trong 6 tháng qua của ngành giấy vẫn ổn định. Song do nguyên liệu đầu vào tăng liên tục nên trong thời gian qua, ngành Giấy nhiều lần phải điều chỉnh giá bán. Tình trạng công nghệ sản xuất của ngành Giấy hiện đang lạc hậu, khiến sức cạnh tranh của giá cả sản phẩm thấp, nếu không khắc phục, theo lộ trình phải giảm thuế nhập khẩu giấy, ngành Giấy Việt Nam phải đối mặt với giấy ngoại quốc, gía mềm hơn.
Ngành sữa có tỷ lệ tăng trưởng cao |
Trong 6 tháng qua, sản xuất của ngành Sữa vẫn có mức tăng trưởng, trong đó sữa bột tăng 15,5 %. Tuy vậy, giá sữa trong nước vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Trước tình hình đó, Công ty Vinamilk đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn giá, theo đó Vinamilk cam kết không tăng giá đối với sữa bột cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và sữa bột cho người già từ nay đến hết tháng 12/2011.
Ngành thuốc lá trong 6 tháng qua, tình hình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm vẫn duy trì ở mức khá, sản lượng thuốc lá bao tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.Với việc kiểm soát thuốc lá trong nước ngày càng chặt chẽ, để hạn chế sử dụng đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa sản phẩm thuốc lá trung cao cấp mới ra thị trường để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của người tiêu dùng và cạnh tranh có hiệu quả với thuốc lá nhập ngoại, đồng thời tìm đầu ra ở thị trường nước ngoài.
6 tháng qua, do thời tiết thất thường, cộng với những khó khăn khác, tình hình tiêu thụ rượu bia không thuận lợi như những năm trước. Do vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải khuyếch trương thương hiệu, làm tốt công tác tiếp thị, đặc biệt là vào lĩnh vực du lịch để tăng sản lượng sản xuất và doanh thu bán hàng.
Đạt được kết quả trên là do doanh nghiệp đã tìm đến thị trường trong nước, nhất là hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Vịêt Nam”, bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp nằm trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã được sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp trong việc vay vốn, cắt giảm, giãn thuế...
Theo các chuyên gia kinh tế, trước tình hình đó, đồng thời để hoàn thành mục tiêu cả năm, trên cơ sở tiếp tục quán triệt và triển khai một cách quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết 11 tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. cần thực hiện những việc chính sau đây:
Ngành điện phải tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện |
Phải đẩy mạnh sản xuất, để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và nguồn hàng cho xuất khẩu. Riêng ngành điện phải tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện trong 6 tháng cuối năm. Tăng cường quan tâm thúc đẩy thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới, trước mắt là điện gió. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên vật liệu (đối với hoạt động sản xuất), máy móc thiết bị (đối với dự án đầu tư) mà trong nước đã sản xuất được, để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả đầu tư kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu, kiềm chế lạm phát.
Thúc đẩy các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa nhanh các dự án đang vào hoạt động để sớm mang lại hiệu quả
Ngọc Lan