Công nghệ thông tin: Nghề luôn “sống khỏe”

Công nghệ thông tin: Nghề luôn “sống khỏe”

Những cơ hội việc làm mới

Theo thống kê của Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, hiện thị trường lao động Việt Nam có khoảng 250 nghìn kỹ sư CNTT. Trong vài năm tới ngành này vẫn còn thiếu khoảng 350 - 400 nghìn kỹ sư CNTT. Mức thu nhập của ngành CNTT thường cao gấp 2 - 5 lần so với những ngành nghề khác. Thậm chí có thể cao hơn rất nhiều, nếu các em có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh, Nhật… 

Hiện kỹ sư CNTT mới ra trường được tuyển với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, tùy theo khả năng mức thu nhập có thể tăng rất nhanh. Với 3 - 4 năm kinh nghiệm, các kỹ sư CNTT được trả từ 20 - 30 triệu đồng/tháng. Đặc biệt với những kỹ sư có trình độ ngoại ngữ còn có thể xin được việc làm tại công ty nước ngoài với mức lương 2.000 - 3.000 USD/tháng.

Những năm gần đây, công nghệ một lần nữa chứng minh khả năng “vô hạn” bằng cách dần dần “tái định nghĩa” về lĩnh vực này và mở rộng khả năng ứng dụng. CNTT không còn chỉ gắn liền với máy tính, phần mềm, an ninh mạng lưới, mà việc vận dụng các công nghệ cao gắn liền với đa dạng ngành nghề kinh doanh đã trở thành xu hướng. Các khái niệm mới mẻ như Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Tự động hóa, Fin-tech, Ed-tech ngày một trở nên phổ biến hơn.

Theo đánh giá của Công ty Tuyển dụng trực tuyến Navigos search, những tác động của dịch bệnh dẫn đến sự hạn chế trong tương tác đời thực, hay rủi ro cho con người khi tham gia vào các công việc nguy hiểm... càng khiến cho công nghệ trở nên quan trọng hơn, vì khả năng có thể chuyển đổi cách hoạt động trực tiếp thành trực tuyến, khả năng thay thế con người làm những công việc lặp đi lặp lại hoặc nhiều rủi ro.

Tiềm năng “vô hạn” của công nghệ đã được nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp ghi nhận và có kế hoạch ứng dụng, góp phần đưa công nghệ trở thành lĩnh vực có tốc độ phát triển mạnh ở Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động.

Sự lựa chọn nhiều tiềm năng

Định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT được xem là một lựa chọn hứa hẹn nhiều tiềm năng đối với giới trẻ. Theo khảo sát, hiện nay hệ thống các trường cao đẳng nghề vẫn đang tập trung tuyển sinh, đào tạo CNTT, trong đó tập trung đào tạo thực hành để phát triển những sản phẩm ứng dụng vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, sản xuất. Cụ thể, các chương trình đào tạo bao gồm thiết kế trang web - App, thiết kế đồ họa, tự động hóa, hệ thống điện thông minh…

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết, trong đào tạo phải đưa công nghệ vào tất cả các ngành nghề của nhà trường. Bởi công nghệ số đều có ảnh hưởng nhất định đến hầu hết các ngành nghề. Tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, đào tạo được kết nối CNTT và công nghệ để cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho các lĩnh vực sản xuất cụ thể. Những lĩnh vực liên quan đến cung cấp các dịch vụ, giải pháp trực tuyến về thương mại, kinh doanh sẽ giải quyết bài toán về chi phí thuê mặt bằng cũng như các chi phí phát sinh khác.

Giải pháp của nhà trường đang thực hiện là đưa các mô-đun đào tạo công nghệ để người học không những giỏi về kiến thức mà còn thành thạo kỹ năng và có đủ năng lực làm việc ngay tại doanh nghiệp. Với giải pháp đào tạo này, nhà trường bảo đảm được chất lượng đầu ra, khẳng định cam kết không để cho người học thất nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện tốt cho công tác tuyển sinh các khóa học tiếp theo.

Học CNTT ở trình độ cao đẳng còn có một số lợi thế khi yêu cầu trình độ đầu vào chỉ ở mức tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Chương trình đào tạo chuyên sâu vào những kỹ năng thực tế và được tiếp cận với doanh nghiệp trong quá trình thực hành. Chỉ sau 3 năm học tập, sinh viên đã có đủ trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, được công nhận là kỹ sư thực hành và bảo đảm cơ hội việc làm ngay sau tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ