Công nghệ gương mờ, bước đột phá trong máy ảnh của Sony

Công nghệ gương mờ, bước đột phá trong máy ảnh của Sony
Hai máy ảnh mới ra đời của Sony mang công nghệ gương mờ
Hai máy ảnh mới ra đời của Sony mang công nghệ gương mờ - Ảnh dpreview

Công nghệ mới của Sony được gọi là công nghệ gương mờ (Translucent Mirror Technology), công nghệ này cho phép một phần ánh sáng qua ống kính của máy sẽ được lọc qua gương mờ để đến với cảm biến hình ảnh phía sau. Phần ánh sáng còn lại sẽ được hướng đến cảm biến lấy nét theo pha tự động của máy ảnh.

Chúng ta đã trở nên quen thuộc với công nghệ gương lật trong SLR (Single Lens Reflection) với gương lật và lăng kính ngũ giác. Với cơ chế gương lật của máy ảnh SLR, toàn bộ ánh sáng sau khi qua ống kính sẽ được gương lật phản chiếu hoàn toàn lên màn hứng ảnh, rồi được chuyển qua lăng kính ngũ giác để đến với khe ngắm. Người sử dụng máy ảnh SLR sẽ thấy toàn bộ lượng ánh sáng đi qua ống kính. Khi bấm chụp, gương lật sẽ lật lên trên để nhường đường cho ánh sáng đi thẳng vào phim hay cảm biến ảnh phía sau. Tại thời điểm này, gương lật sẽ che toàn bộ khe ngắm nên người chụp sẽ không nhìn thấy gì trong thời gian phơi sáng. Việc lật lên lật xuống của gương lật cũng khiến cho tốc độ chụp liên tiếp của máy ảnh SLR bị giới hạn.

Thân máy ảnh SLT-A33 của Sony nhìn từ phía trước
Thân máy ảnh SLT-A33 của Sony nhìn từ phía trước - Ảnh dpreview

Vậy điều gì khác biệt ở SLT (Single Lens Translucent) của Sony so với công nghệ trong máy ảnh SLR hiện tại?

Với công nghệ mới của Sony, sẽ không còn gương lật và lăng kính ngũ giác nữa. Thay vào đó là một gương mờ, cố định có tác dụng cho một phần ánh sáng xuyên qua để đi vào cảm biến ảnh, một phần ánh sáng còn lại sẽ được phản chiếu lên cảm biến lấy nét điện tử. Thực ra công nghệ gương mờ này không phải là một công nghệ hoàn toàn mới, nó đã từng được xuất hiện trong máy ảnh Canon Pellix từ năm 1965, gương mờ lúc này mang tên: gương Pellicle. Hệ thống gương Pellicle này lần cuối cùng được sử dụng là trong máy ảnh Canon EOS 1n RS chụp phim năm 1995. Hệ thống sử dụng công nghệ gương mờ khắc phục được một số điểm so với công nghệ gương lật truyền thống. Đó là việc tăng tốc độ chụp liên tiếp của máy lên vì không còn chờ thời gian gương lật lên xuống. Sự cải thiện này có thể thấy rõ khi tốc độ chụp liên tiếp của A55 và A33 tương ứng là 10 hình/giây và 7 hình/giây, trong khi đó các máy ảnh DSLR của các hãng khác ở cấp độ tương đương chỉ có thể đạt được tốc độ khoảng 4-6 hình/giây. Ngoài ra, vì gương mờ cố định, không cần di chuyển như gương lật do đó máy ảnh sử dụng gương mờ sẽ tiết kiệm được không gian dành cho chuyển động của gương lật. Không còn lăng kính ngũ giác nên máy ảnh cũng tiết kiệm được khoảng không gian dành cho lăng kính ngũ giác. Điều này khiến cho máy ảnh A33 của Sony nhỏ hơn 23% và nhẹ hơn 26% so với máy ảnh A550 của Sony.

Máy ảnh A55 với cảm biến 16MP, trang bị công nghệ gương mờ
Máy ảnh A55 với cảm biến 16MP, trang bị công nghệ gương mờ - Ảnh dpreview

Một điểm đặc biệt của hệ thống sử dụng công nghệ gương mờ là hệ thống lấy nét tự động theo pha sẽ nhanh hơn hệ thống lấy nét tự động dựa vào độ tương phản. Điều này là một lợi điểm dành cho quay phim khi mà các máy ảnh dSLR hiện đại, tích hợp quay phim phải sử dụng công nghệ làm trễ nên hình ảnh nhìn thấy trong liveview không có tính thời gian thực.

Màn hình LCD phía sau của A55 có thể xoay được theo nhiều hướng
Màn hình LCD phía sau của A55 có thể xoay được theo nhiều hướng - Ảnh dpreview

Tuy nhiên, công nghệ gương mờ cũng có một điểm bất lợi là chỉ có một phần ánh sáng được phản chiếu lên khe ngắm, do đó, nếu điều kiện ánh sáng yếu hoặc sử dụng độ mở ống kính nhỏ (khẩu độ từ khoảng F16), người sử dụng sẽ rất khó thấy được chi tiết hình ảnh cần chụp. Để khắc phục điều này, Sony đã triển khai công nghệ EVFs để tăng ánh sáng trong khe ngắm bằng kỹ thuật số.

Chúng ta hãy cùng chờ đợi xem liệu công nghệ mới của Sony có tạo ra được một cuộc cách mạng trong nhiếp ảnh hay không.

Quang Hòa (tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ