Công nghệ đỡ... đôi bàn tay

Công nghệ đỡ... đôi bàn tay

Phần mềm giúp các nhà thiết kế, giúp sinh viên thể hiện ý tưởng nhanh hơn, trung thực hơn, thực hiện những phần việc mà đôi tay không thể thực hiện. 

Ứng dụng trong giảng dạy

Theo Thạc sĩ Lê Trọng Nga - Phó Trưởng khoa Tạo dáng công nghiệp, Viện Đại học Mở Hà Nội, công nghệ tin học ứng dụng với các phần mềm thiết kế ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong học tập, công việc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới toàn diện công tác thiết kế. 

Phần mềm giúp các nhà thiết kế, giúp sinh viên thể hiện ý tưởng nhanh hơn, trung thực hơn, thực hiện những phần việc mà đôi tay không thể thực hiện. Các phần mềm thiết kế như Illustrator, Photoshop, InDesign, AutoCAD, 3ds Max… đã trở thành những công cụ không thể thiếu và là những môn học quan trọng trong chương trình đào tạo của các ngành thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy mỹ thuật ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nhờ sự truyền đạt, tiếp nhận bài giảng thông qua những hình thức phong phú, đa dạng như hình ảnh minh họa, bài tập mẫu, âm thanh, video hướng dẫn… giúp cho sinh viên tiếp nhận bài giảng nhanh và dễ hiểu hơn. 

Giảng viên giảm nhẹ việc thuyết giảng, có thời gian trao đổi, thảo luận với sinh viên về ý tưởng thiết kế, về những vấn đề nảy sinh trong quá trình thể hiện đồ án sáng tác... Qua đó, sinh viên được kích thích, phát huy khả năng sáng tạo, khả năng khám phá thông qua khối lượng thông tin thu nhận được, từ đó có thể nêu câu hỏi, mạnh dạn trao đổi với giảng viên, giúp cho giờ học thêm sinh động, hiệu quả.

Đặc biệt, với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng như: Thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa... bài giảng điện tử sẽ phát huy tối đa vai trò trong việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng tới sinh viên. Thông qua bài giảng điện tử sinh viên được “nhìn thấy” những bài tập mẫu, những hình ảnh minh họa, các thao tác trực quan… từ đó hỗ trợ rất tốt cho quá trình tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành, khả năng sáng tạo của sinh viên.

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin giúp các giảng viên thường xuyên, liên tục bổ sung, cập nhật kiến thức để xây dựng bài giảng ngày càng hoàn thiện, phù hợp với sự thay đổi, phát triển của ngành nghề đào tạo. Ví dụ, trong lĩnh vực thời trang, xu hướng thiết kế, ứng dụng thời trang trên thế giới cũng như ở Việt Nam thay đổi theo từng mùa, từng năm. 

Trong sản xuất, sử dụng vật liệu thiết kế nội thất, trong công nghệ in ấn, trong ứng dụng công nghệ vào quảng cáo, truyền thông của ngành đồ họa… khách hàng cũng đòi hỏi sự thay đổi riêng theo từng thời điểm. Vì vậy, giảng viên cần phải là người tiên phong trong việc bổ sung, cập nhật kiến thức, những xu hướng mới trong thiết kế, những thay đổi về công nghệ, ứng dụng công nghệ… để đem tới cho sinh viên những bài giảng không chỉ trực quan, sinh động, nội dung, kiến thức phải thực sự phù hợp với nhu cầu ứng dụng thực tế của xã hội.

Thích ứng để đổi mới

Công nghệ đỡ... đôi bàn tay ảnh 1

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy - học tập chính là một trong những hoạt động để đổi mới phương pháp dạy - học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy mỹ thuật ứng dụng là một công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, đặc biệt là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giảng viên “họa sĩ”, những người thường được xem là “bay bổng” và yếu về ứng dụng công nghệ.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thừa nhận, sự xuất hiện của các công nghệ mới làm thay đổi nền tảng sản xuất dịch vụ, đặt ra những yêu cầu mới đối với các trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật theo nhu cầu mới của thời đại, đòi hỏi nhà trường phải không ngừng thích ứng để đổi mới hình thức và nội dung tổ chức đào tạo, đặc biệt là việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng theo tiếp cận học tập tự định hướng và gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo.

Họa sĩ Lê Thân - Trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Hòa Bình - Hà Nội cho rằng, chúng ta đang sống trong thời kỳ Design trí tuệ nhân tạo, để đáp ứng kịp sự tác động tiềm năng và mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, với vai trò của ngành GD-ĐT là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế đặc biệt về mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, giáo dục đại học về lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng cần có những giải pháp quyết liệt và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội. 

Trong đó, tập trung xây dựng nội dung chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo về mỹ thuật ứng dụng dựa trên nền tảng của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Đầu tư và phát triển cơ sở vật chất và cập nhật các công nghệ mới phục vụ cho nghệ thuật thiết kế sáng tạo, truyền thông quảng cáo, truyền hình và in 3D...

Theo họa sĩ Lê Thân, từng ngành, chuyên ngành các cơ sở đào tạo về mỹ thuật ứng dụng phải mời các chuyên gia và doanh nghiệp có thương hiệu cùng tham gia xây dựng, bổ sung nội dung chương trình đào tạo theo mô hình đại học ứng dụng, lược bỏ những môn học, nội dung lạc hậu không cần thiết. Khắc phục nội dung đào tạo nặng về lý thuyết, coi trọng kỹ năng làm việc, nội dung đào tạo gắn liền với thực tế của xã hội. Lựa chọn những môn học mới bổ sung, tăng khối lượng, thời lượng những môn học thực hành chuyên ngành. Đặc biệt cập nhật, đầu tư và ứng dụng những phần mềm mới trong chương trình đào tạo để trang bị kiến thức cho sinh viên trong thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất...

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là bước nhảy vọt của trí tuệ nhân loại. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức cho tất cả các hoạt động của xã hội, đặc biệt là giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực về các lĩnh vực thiết kế sáng tạo về mỹ thuật”, họa sĩ Lê Thân khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ