Công nghệ 4G có lợi gì cho người dân và kinh tế Việt Nam?

 Công nghệ 4G sẽ được Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) cấp phép triển khai vào năm 2016. Theo các chuyên gia 4G sẽ giúp cho người tiêu dùng có được dịch vụ tốt nhất với mức giá hợp lý, đóng góp không nhỏ vào GDP của VN.

Công nghệ 4G có lợi gì cho người dân và kinh tế Việt Nam?
4G sẽ được cấp phép vào năm 2016
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, dự kiến năm 2016, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) sẽ cấp phép cho các nhà mạng di động triển khai công nghệ 4G, việc thử nghiệm đã được thực hiện từ năm 2010 và cho kết quả tốt.
Ông Thắng cho biết Bộ TT&TT nhận định mạng 4G sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới. VN sẽ cấp phép 4G với mục tiêu sử dụng hiệu quả băng tần cao, khả năng dùng chung, chia sẻ mạng... tạo một môi trường viễn thông ngày càng cạnh tranh và phát triển.
Các chuyên gia viễn thông nhận định năm 2015 là “thời điểm vàng” để VN triển khai 4G. Theo ông Thiều Phương Nam - tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, việc tiến lên 4G cũng như xây đường cao tốc để phục vụ yêu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân.
Theo lộ trình đã được phê duyệt, trong năm 2014 vừa qua, Bộ TT&TT đã cho các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ 4G LTE ở một số băng tần như 2600 MHz. Ngày 1/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành Thông tư cho phép triển khai 4G LTE ở cả băng tần 1800 MHz mà hiện các doanh nghiệp đang dùng cho 2G.

"Chúng ta đã bắt tay vào nghiên cứu và triển khai thử nghiệm 4G ở quy mô nhỏ. Theo đánh giá bước đầu của các doanh nghiệp thì cơ bản về mặt công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu. 

Song từ góc độ thị trường, kinh tế thì còn phải tính đến nhiều yếu tố khác nữa". Trước mắt, trong năm 2015 này, các nhà mạng sẽ tiến hành thử nghiệm băng tần 1800 MHz và đến đầu năm 2016 thì cơ quan quản lý sẽ tiến hành cấp phép chính thức 4G dưới hình thức đấu thầu.

4G có lợi gì cho kinh tế Việt Nam?

Lý giải cho việc lựa chọn thời điểm này để tăng tốc 4G, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, 4G LTE đang phát triển rất nhanh trên thế giới, với gần 500 triệu thuê bao và hơn 2400 chủng loại thiết bị đầu cuối hỗ trợ. 

"Đó là một tiền đề quan trọng cho Việt Nam triển khai 4G". Tiền đề thứ hai là công nghệ 3G tại Việt Nam tuy đã khá phổ biến, song vẫn tồn tại những hạn chế về chất lượng và tốc độ không thể phủ nhận. 

Nếu như Việt Nam muốn phát triển thương mại điện tử trên nền di động, Chính phủ điện tử trên di động thì bắt buộc phải cần tới tốc độ và sự bảo mật của 4G.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định, chính công nghệ 3G đã góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông Việt Nam trong những năm trở lại đây. 

Sau 5 năm triển khai, từ 2009 đến 2014, Việt Nam đã có gần 29 triệu thuê bao và tốc độ tăng trưởng về con số này vẫn ở mức cao, qua đó đưa 3G trở thành một trong những dịch vụ mang lại doanh thu lớn cho các nhà mạng cũng như đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng trong thời đại thông tin số.

Thứ trưởng khẳng định, với những gì công nghệ 3G mang lại, Bộ TT&TT- cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông định hướng rằng 4G sẽ mang lại những bước phát triển lớn hơn, mạnh mẽ hơn cho thị trường trong nước cũng như đáp ứng cao hơn nữa nhu cầu của người sử dụng. Chính vì vậy, năm 2015 sẽ được Bộ xác định là thời điểm thích hợp để triển khai 4G ở Việt Nam, Thứ trưởng tiết lộ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, mặc dù 4G là công nghệ mới mang lại hiệu quả cao trong thực tế nhưng việc triển khai dịch vụ này sao cho bền vững, phù hợp với tình hình của Việt Nam cần phải được các nhà mạng trong nước phối hợp, tham khảo cùng các doanh nghiệp, tổ chức có kinh nghiệm trên thế giới nhằm đưa ra kế hoạch tiện lợi nhất.

Công nghệ 4G có lợi gì cho người dân và kinh tế Việt Nam? - Ảnh 2

Người sử dụng sẽ được hưởng lợi nếu mạng 4G được triển khai. Chi phí trên mỗi dung lượng sử dụng của 4G/LTE thậm chí còn thấp hơn 3G. (Ảnh minh họa)
Theo ông Qiu Heng - Phó chủ tịch các mạng TDD của Huawei, điểm mấu chốt cho tương lai tại Việt Nam của công nghệ 4G nằm ở vấn đề hiệu quả chi phí. Tuy nhiên, bài toán chi phí thực ra không hề khó giải. Chính sách quy hoạch tần số hiệu quả sẽ đóng vai trò tiên quyết trong việc phát triển mạng 4G tại Việt Nam.

Tính toán cho thấy, việc đưa vào sử dụng rộng rãi các băng tần di động mới sẽ giúp các nhà mạng giảm chi phí và đạt được lợi nhuận cao. Phát triển 4G cũng giúp các nhà mạng sớm hoàn vốn đầu tư. 

Theo thống kê, các nhà mạng tại Indonesia hay Philippines chỉ mất 2 năm để hoàn vốn và bắt đầu có lãi từ 4G. So với mức 5-6 năm cho các mạng khác như 3G, 2 năm rõ ràng sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều.

Người sử dụng cũng sẽ được hưởng lợi nếu mạng 4G được triển khai. Chi phí trên mỗi dung lượng sử dụng của 4G/LTE thậm chí còn thấp hơn 3G. Điều này sẽ giúp cho người tiêu dùng có được dịch vụ tốt nhất với mức giá hợp lý.
Công nghệ di động 4G/LTE đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu. Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), thế giới hiện có 360 mạng LTE. Những mạng này đã được thương mại hóa tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Một thống kê khác từ Informa cho biết, số người sử dụng LTE trên toàn cầu hiện đạt 400 triệu và dự tính sẽ lên tới 1 tỷ vào năm 2017.

Huawei cho biết, nếu 4G được triển khai, công nghệ WTTX tiên tiến sẽ được đưa vào áp dụng. Công nghệ này sẽ giúp cung cấp 4G đến từng nhà với giá thành thấp hơn so với việc phát triển cáp quang. 

Trong tương lai 10 năm tới, việc phát triển 4G thông qua WTTX sẽ đem lại hiệu quả lớn cho kinh tế Việt Nam. Theo tính toán, công nghệ 4G sẽ đóng góp 10% GDP nếu mật độ băng thông tăng lên tương ứng.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam cũng khẳng định, việc triển khai 4G trong năm nay sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dùng lẫn nhà mạng trong nước, tuy nhiên, Việt Nam không cần phải vội vã triển khai đồng loạt trên toàn quốc ngay mà chỉ cần tập trung vào những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng trong thời gian đầu.

"Xây dựng 4G cũng giống như xây đường cao tốc: chúng ta không chỉ phục vụ cho nhu cầu hiện tại mà còn dự phòng sẵn cho tương lai", vị chuyên gia này so sánh. Ông Nam cho rằng, thị trường Việt Nam hiện nay đã hoàn toàn sẵn sàng cho 4G vì nhiều lý do. 

Thứ nhất, thiết bị smartphone hỗ trợ 4G đã lưu hành tương đối nhiều, từ đắt đến rẻ. Từ giữa năm nay, thậm chí sẽ có những smartphone 4G được bán ra với giá chưa đầy 100 USD, tạo điều kiện cho ngay cả những người dùng bình dân cũng có thể tiếp cận với 4G.

Thứ hai, mạng 3G tại Việt Nam sau nhiều năm đầu tư và phát triển đã có vùng phủ khá rộng, ngay cả nông thôn cũng đã truy cập được 3G. Đã có nhà mạng đưa tốc độ 3G lên 42Mb/s trong năm ngoái và triển khai thử nghiệm 3G trên băng tần 900 MHz. Đặc biệt, các nhà mạng đều đã tăng số lượng trạm phát 3G rất mạnh trong thời gian qua.
Đây chính là điều kiện tiên quyết và vững chắc để triển khai 4G. "Hạ tầng 3G mạnh là yếu tố quan trọng, tiền đề cho triển khai 4G. Mỗi một quốc gia khi hướng tới 4G thì mạng 3G phải phát triển tốt", ông Nam nhấn mạnh.
Một cản trở đối với 4G Việt Nam chính là giá thành cao của các dòng điện thoại thông minh có tích hợp công nghệ này. Để giải quyết vấn đề, phát triển những dòng điện thoại thông minh giá rẻ tích hợp 4G là giải pháp được Huawei đưa ra. Hãng cũng cho biết sẽ đẩy mạnh việc phát hành các dòng điện thoại từ trung tới cao cấp tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu của người dân.
Công nghệ 4G (Fourth Generation) là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1-1,5 Gbps, tức là gấp hơn 40 lần tốc độ băng thông cao nhất của dịch vụ 3G.

Hiện trên thế giới đã có hơn 300 nhà mạng triển khai công nghệ này và phần lớn các mẫu smartphone cao cấp hiện đã tích hợp công nghệ 4G. Năm 2014, thế giới có khoảng 450 triệu thuê bao 4G và dự kiến, con số này sẽ tăng gần gấp đôi, đạt 830 triệu vào năm 2015. Vì vậy, việc triển khai 4G tại Việt Nam là tất yếu.
Theo doisongphapluat

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ