Công dân có quyền tố cáo bằng các tài liệu nghe được, nhìn được

Công dân có quyền tố cáo bằng các tài liệu nghe được, nhìn được

(GD&TD)-Đó là nội dung mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên làm việc đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo diễn ra ngày hôm nay (12/10).

Phiên họp thứ 3 Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: cần có quy định nghiêm cấm các hình thức lợi dụng quyền tố cáo

Về Luật Khiếu nại: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, trong Luật Khiếu nại cần quy định cơ quan, địa phương nêu rõ trụ sở, địa điểm, thời gian cụ thể để tiếp công dân. Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội kiến nghị, cần quy định cụ thể địa chỉ, địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận, xử lý các vấn đề mà dân khiếu nại, tố cáo. 

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Trong Luật Khiếu nại, cần quy nói rõ là khiếu nại nhiều người chứ không nên viết là đông người. Một vụ việc mà có nhiều khiếu nại thì cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại chỉ tiếp nhận đơn một lần, chứ không nên tiếp nhận nhiều đơn cùng một lúc. Trong khiếu nại đông người, người khiếu nại cần xuất trình giấy tờ tuỳ thân, đơn khiếu nại.

Về vấn đề tiếp công dân, ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng thanh tra Chính phủ nêu ý kiến: Nếu một vụ việc mà có nhiều người đến khiếu nại thì cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại nên yêu cầu chỉ một người dân đại diện đứng ra khiếu nại, không nên để nhiều người cùng vào cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại một lúc, vì sẽ gây ra hiện tượng mất an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị: Trong Luật Khiếu nại cần quy định rõ người dân muốn khiếu nại vấn đề gì thì phải đến đúng địa chỉ, cơ quan tiếp nhận đơn, khiếu nại. Đơn khiếu nại không thể gửi đi lung tung, tuỳ tiện ở nhiều cơ quan.

Cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại của dân phải có trách nhiệm gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền trả lời đơn khiếu nại và theo dõi sự phản hồi của cơ quan trả lời đơn khiếu nại đó. Cần thông báo cụ thể vấn đề khiếu nại đó sẽ có kết quả trả lời trong thời gian ít nhất là bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng… Khi có kết quả trả lời đơn, thư khiếu nại, cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại cần thông báo sớm nhất cho người dân, tránh hiện tượng cán bộ, nhân viên cố tình găm giữ kết quả, gây khó khăn cho dân, dẫn đến khiếu nại vượt cấp, gây mất thời gian, kinh phí, bức xúc trong nhân dân.

Cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại của công dân cần thông báo sau bao nhiêu ngày là có kết quả trả lời về vụ việc khiếu nại, chứ không hứa hẹn “suông” hoặc đến hẹn mà không thấy có trả lời, khiến người dân cảm thấy bức xúc và lại gửi đơn thư khiếu nại liên tiếp.

Cơ quan có thẩm quyền cần phải có trách nhiệm trả lời đơn, thư tố cáo, khiếu nại, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của dân. Điều này cũng sẽ hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp. Đó là ý kiến của ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường.

Về Luật Tố cáo: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trước, dự thảo Luật Tố cáo đã được chỉnh lý, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Thường trực Ủy ban Pháp luật đã nhận được ý kiến của 40/63 đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề mà ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội chưa đạt sự thống nhất cao, trong đó có 2 vấn đề nổi lên: về chủ thể tố cáo và các hình thức tố cáo mới (bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại...).

Về chủ thể tố cáo, dự thảo Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật đưa ra hai phương án. Phương án 1 là bổ sung cơ quan, tổ chức vào phạm vi chủ thể có quyền tố cáo. Phương án 2 giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình là chỉ có công dân có quyền tố cáo tương tự như quy định của Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rằng, nếu cho phép các cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo thì có thể làm phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến cơ chế, cách thức để các chủ thể này thực hiện quyền tố cáo. Bên cạnh đó, vẫn có cơ chế khác để các cơ quan, tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin về hành vi vi phạm pháp luật cho các cơ quan có thẩm quyền. Từ đó, đề nghị lựa chọn phương án 2 (chỉ có công dân có quyền tố cáo). Đề xuất này của Ủy ban Pháp luật nhận được sự đồng tình cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, dự thảo Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật cũng đưa ra hai phương án. Phương án 1 là giữ như Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành (chỉ có hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo). Phương án 2 là bổ sung hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, bằng các tài liệu nghe được, nhìn được. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án 2 do Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất.

Đồng ý với phương án này, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý tính chất phức tạp, khó kiểm định của nguồn thông tin tố cáo thông qua các hình thức mới được bổ sung. Do đó, cần có quy định nghiêm cấm các hình thức lợi dụng quyền tố cáo đồng thời có chế tài đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi này.

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ