Khó trong tìm minh chứng
So với hệ thống các trường ĐH, công tác kiểm định chất lượng (KĐCL) còn khá mới với các trường CĐ. Ông Lê Ngọc Nguyên - Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Phương Đông (Đà Nẵng) - cho biết:
"Những ngày đầu làm công tác tự đánh giá, trường gặp rất nhiều khó khăn bởi cán bộ, giảng viên hầu hết là kiêm nhiệm nên rất bỡ ngỡ". Thế nhưng, khó khăn hơn cả là khâu đi tìm minh chứng. Ông Nguyên thừa nhận: "Do khâu lưu trữ của trường không khoa học nên cái cần lại không có, những cái không chứng minh được cái gì thì lại có".
Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Tiền Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại (Đà Nẵng) - phân tích: "Việc tìm minh chứng liên quan đến từng bộ phận và minh chứng cả một quá trình, từ khi thành lập trường chứ không phải là thời điểm hiện tại. Chính vì liên quan đến nhiều bộ phận nên để có sự phối hợp và thống nhất quan điểm không phải là dễ".
TS Võ Như Tiến - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ nói: "Chỉ đơn cử như tổ chức hội thảo là việc làm thường xuyên của nhà trường. Thế nhưng, từ trước đến nay, thường là chúng tôi không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ những văn bản có liên quan, từ quyết định, chi phí, kỷ yếu… Đây cũng là điều cần phải rút kinh nghiệm".
Ngay như một số minh chứng quan trọng ở một vài tiêu chí như tỷ lệ SV có việc làm, mức thu nhập sau khi ra trường..., nhiều trường thừa nhận chỉ là con số tương đối.
Trường CĐ Phương Đông cho biết, chỉ có thể tiến hành khảo sát quy mô hẹp ở Đà Nẵng và một vài tỉnh lân cận. Theo kinh nghiệm của Trường CĐ Thương mại thì việc cập nhật tỉ lệ SV có việc làm chỉ có thể làm được thông qua khảo sát điện tử.
Ông Nguyễn Tiền Tiến cho rằng, cùng với yêu cầu "ba công khai", thì thông tin về tỉ lệ SV có việc làm cần được cập nhật và điều chỉnh hàng năm mới có đủ độ tin cậy.
SV ra trường là một nguồn lực lớn của nhà trường, chính vì vậy, cần phải có "một sợi dây" bền chặt và phải bắt đầu từ khi các em chuẩn bị tốt nghiệp, nhà trường phải có được những thông tin vững chắc để liên lạc như email, số điện thoại cố định…
Cũng có ý kiến cho rằng, xác định thế nào là có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo không phải là điều dễ dàng đạt được sự thống nhất cao.
Tính khả thi của các biện pháp cải tiến
Được xem là một trong những trường hoàn thành công tác tự đánh giá khá sớm, từ năm 2010, thế nhưng, cho đến nay, Trường CĐ Thương mại vẫn đang trong quá trình thực hiện các biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sau đánh giá.
Ông Nguyễn Tiền Tiến cho biết: "Thách thức lớn nhất trong tự đánh giá là đơn vị có nhận ra khuyết điểm và có khắc phục hay không. Sau tự đánh giá thì hành động là bí quyết của thành công.
Có những tồn tại mà để khắc phục được, đòi hỏi nhà trường phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức, nhưng nếu không khắc phục thì công tác tự đánh giá chỉ là hình thức".
Ông Tiến đưa dẫn chứng, chỉ riêng việc giảm tỉ lệ SV/GV của Trường CĐ Thương mại từ 35SV/GV xuống còn 26 - 27 SV/GV là cả một nỗ lực lớn của nhà trường. Quy mô giảng viên tăng lên sẽ kéo theo sự thay đổi trong cơ chế quản lý, đó là chưa tính đến việc đảm bảo quỹ lương, thu nhập bình quân cho CBCNVC…".
Hai năm sau khi hoàn thành tự đánh giá, Trường CĐ Thương mại xây dựng xong ngân hàng đề thi, tổ chức thi tập trung và chấm thi chéo để tiến hành cho SV đánh giá giảng viên.
"Khi nhà trường xây dựng được cơ chế đánh giá được GV thì mới có thể hình thành được cơ chế sàng lọc những GV không đạt yêu cầu.
Với cách xây dựng phiếu hỏi và tổ chức thi khách quan, loại được yếu tố chủ quan của thầy cô giáo, chúng tôi bắt đầu thí điểm cho SV đánh giá GV tại khoa Tài chính - Ngân hàng. Có những GV, học kỳ đầu tiên, có đến 50% SV đánh giá không tốt, nhưng sang đến học kỳ sau, con số này giảm xuống chỉ còn 20%".
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết đại diện các trường CĐ thừa nhận, nhờ có bộ tiêu chí đánh giá của Bộ GD&ĐT, các trường mới có căn cứ để đánh giá được các điều kiện phục vụ dạy - học như CSVC, đội ngũ, tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục …
TS Võ Như Tiến khẳng định: "Hoàn thành công tác tự đánh giá, chúng tôi nhận thấy cần phải xây dựng chuẩn hóa dần, từ đội ngũ, giờ giấc, chất lượng giảng dạy, các quy chế, quy định…
Nhà trường cũng yêu cầu mỗi bộ môn có ít nhất 3 lần làm việc với doanh nghiệp/năm học để cập nhật thực tế. Nhà trường cũng có kế hoạch cải thiện các điều kiện để phục vụ học tập cho SV như hỗ trợ lập kế hoạch học tập, thư viện...; đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá để đẩy ý thức học tập cho SV.
Yếu tố được xem là quan trọng nhất trong KĐCLGD là từ khâu tự đánh giá, các trường phải hình thành được các biện pháp cải tiến chất lượng mang tính khả thi.
Thế nhưng, ở khối các trường ngoài công lập, có khi giữa kiểm định và nhu cầu phát triển của nhà trường lại không giống nhau. Như Trường CĐ Phương Đông, nếu phải tuyển dụng GV bổ sung cho khoa Tài chính - Ngân hàng như tổ kiểm định đề xuất trong khi nhu cầu của người học vào ngành này mấy năm nay lại không cao như trước thì rất khó.
Trên thực tế, phần lớn ở các trường ĐH, CĐ, phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng vẫn chưa thể hiện được hết vai trò của mình. Đó là chưa kể, nhân sự cho công tác đảm bảo chất lượng tại trường hầu hết là "tay ngang", không được đào tạo bài bản theo đúng chuyên ngành đo lường - đánh giá, lại thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau; "vừa học vừa làm" và "qua làm mà học" nên hiệu quả vẫn chưa cao. |