Ảnh: Shutterstock.com
Ở một trong ba khuyến nghị mới được công bố ngày 22/8 trên tạp chí Circulation của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), một nhóm các chuyên gia về dinh dưỡng và sức khỏe đề xuất rằng trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 18 không nên tiêu thụ nhiều hơn 6 muỗng cà phê (30ml) lượng đường bổ sung mỗi ngày. Lượng đường này tương đương với khoảng 100 calo hay 25gram đường. Các bé dưới 2 tuổi thì nên tránh các loại đồ ăn và thức uống có đường bổ sung.
Đường bổ sung được coi là bất kỳ chất ngọt nào có năng lượng – chẳng hạn như đường ăn, si- rô bắp với hàm lượng fructose cao, mật ong và mật mía – và được dùng như một thành phần trong quá trình chế biến và chuẩn bị thực phẩm hoặc đồ uống. Đường bổ sung cũng bao gồm bất kỳ loại đường nào mà một người cho thêm vào thức ăn hoặc đồ uống trong bữa ăn.
Tiến sĩ Miriam Vos – trưởng nhóm, và cũng là một giáo sư nhi khoa tại Khoa Y học của Đại học Emory ở Atlanta – cho biết: “trong chế độ ăn cho trẻ em có rất ít khi cần bổ sung thêm đường, vì trẻ em cần nguồn năng lượng từ rau, củ, quả, các nguồn protein,ngũ cốc và sữa để lớn lên khỏe mạnh”.
Tuy nhiên, có thể dùng một lượng nhỏ đường bổ sung để cải thiện mùi vị của các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và giàu dinh dưỡng – chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, sữa có hương vị hoặc sữa chua – để làm cho các loại thực phẩm này hấp dẫn hơn.
Nhưng bà Vos cũng cho biết vẫn có những loại đường bổ sung trong các đồ uống có đường, bánh quy, bánh ngọt và kẹo, thực phẩm mà chỉ có rất ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng.
3 khuyến nghị mới
Theo dữ liệu mới đây từ Cuộc điều tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Toàn quốc thực hiện từ năm 2009 – 2012 về chế độ ăn của trẻ em Mỹ, trẻ em trong độ tuổi từ 12 – 18 thường dùng lượng đường nhiều gấp 2-3 lần so với lượng đề xuất bởi các hướng dẫn mới (theo khuyến nghị mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới WHO năm 2015, lượng đường bổ sung không nên lớn hơn 5% lượng calo nạp vào mỗi ngày), hoặc 13gram mỗi ngày đối với trẻ nhỏ và tới khoảng 22gram mỗi ngày đối với thanh thiếu niên. Tuy nhiên, bản tuyên bố khoa học này cho biết,ngay cả ước tính này cũng có thể thấp hơn thực tế, vi những người tham gia trong các cuộc điều tra về chế độ ăn thường có xu hướng báo cáo con số thấp hơn lượng tiêu thụ thực tế của họ. Đây là lần đầu tiên AHA đưa ra một bộ các khuyến nghị cho trẻ em về lượng đường bổ sung.
Nhưng trước đó, Hướng dẫn về chế độ ăn uống của chính phủ liên bang năm 2015 cũng khuyến nghị rằng lượng đường bổ sung trẻ em dùng mỗi ngày không nên lớn hơn 10% tổng lượng calo. Bà Vos cũng phát biểu: mặc dù vậy, hầu hết các bậc cha mẹ có thể gặp khó khăn với việc ước tính 10% calo, vì họ thường không biết mỗi ngày con mình ăn vào bao nhiêu calo. Để đơn giản hóa cho phụ huynh, báo cáo mới đã thiết lập một mục tiêu duy nhất là 100 calo đường bổ sung mỗi ngày, một số lượng rất dễ hiểu và khỏe mạnh cho tất cả trẻ từ 2 – 18 tuổi.
Để đạt được kết luận này, ban chuyên gia đã xem xét các bằng chứng khoa học về lượng đường bổ sung và sức khỏe tim mạch ở trẻ em. Họ đã cân nhắc về cách đường bổ sung trong chế độ ăn ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh béo phỉ, cao huyết áp , tiểu đường và mức độ cholesterol hoặc lipid bất thường ở trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên.
Khuyến nghị thứ 2 từ báo cáo khoa học của AHA khuyên rằng: không nên bổ sung đường trong chế độ ăn uống của trẻ dưới 2 tuổi. Các chuyên gia cho rằng việc đó có thể khuyến khích các bé phát triển sở thích ăn đồ ngọt từ rất sớm.
Khuyến cáo thứ 3 của AHA là kêu gọi trẻ em và thanh thiếu niên hạn chế lượng đồ uống có đường dưới 240ml mỗi tuần. Các đồ uống có đường bao gồm nước ngọt, các loại nước thể thao và tăng lực, trà ngọt, nước có hương vị trái cây mà không phải là nước ép trái cây 100%.
Báo cáo này không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào về các chất làm ngọt không có giá trị dinh dưỡng, chẳng hạn như Splenda (đường hóa học) hay NutraSweet (chất tạo vị ngọt), vì ban chuyên gia chỉ tìm thấy rất ít các nghiên cứu có chất lượng về lợi ích hoặc nguy cơ đối với sức khỏe trẻ em của những chất tạo ngọt này.
Lời khuyên để hạn chế đường
Trên quan điểm về chế độ ăn uống, nguy cơ chính đối với sức khỏe trẻ em khi ăn quá nhiều đường bổ sung là các thức ăn và đồ uống ngọt sẽ thế chỗ của các loại thức ăn lành mạnh hơn trong chế độ ăn, thúc đẩy việc tăng cân và giảm lượng HDL cholesterol tốt và tăng lượng lipid.
Bà Vos đề nghị rằng, để giúp trẻ em thực hiện được những khuyến cáo mới này, một bước quan trọng đầu tiên là cha mẹ phải ngăn chặn việc mua các loại thực phẩm và đồ uống có lượng đường bổ sung cao. Khi đó thì trong nhà sẽ không có sẵn các đồ ngọt này nữa.
Chuyển sang đồ ăn nhẹ ít phải chế biến như hoa quả, rau và các loại hạt cũng có thể giảm lượng đường mà trẻ em tiêu thụ. Ngoài ra, phụ huynh phải đọc và so sánh giá trị dinh dưỡng ghi trên nhãn thực phẩm, trên đó thường có liệt kê “tổng lượng đường” tức là toàn bộ lượng đường tự nhiên và bổ sung có trong sản phẩm.
Bà Vos cho biết, đối với hầu hết các loại thực phẩm có lượng đường tự nhiên cao – ngoại trừ trái cây và các sản phẩm từ sữa – tổng lượng đường được liệt kê trên nhãn của sản phẩm là một cách tốt để ước tính lượng đường bổ sung. Việc xác định lượng đường bổ sung sẽ dễ dàng hơn từ tháng 7/2018 khi các nhà sản xuất bị buộc phải liệt kê riêng biệt danh mục này trên nhãn sản phẩm.
Để hạn chế việc trẻ nhỏ tiêu thụ các loại đồ uống có đường, một cách không chỉ hữu ích và đơn giản nhất mà còn giúp tiết kiệm chi phí là dừng mua các sản phẩm này. Nước và sữa ít chất béo là hai loại thức uống tốt nhất cho trẻ em. Đối với những trẻ lớn hơn, thì cách tốt hơn là cha mẹ nên trò chuyện với chúng về đồ uống có đường, và nhấn mạnh lợi ích của việc uống nhiều nước. Thêm vào đó, phụ huynh cũng nên dừng việc mua đồ uống có đường cho mình - “cha mẹ làm mẫu cho con mình bằng cách chỉ uống nước cũng rất quan trọng”.