11 luật được công bố đợt này gồm: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Thú y; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Ngân sách Nhà nước.
Pháp lệnh được công bố là Pháp lệnh Cảnh sát môi trường. Còn lại là Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
Đại diện các cơ quan soạn thảo tham dự họp báo đã thông tin một số nội dung đáng chú ý của các văn bản luật mới. Với việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, Nghị quyết khẳng định người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trong trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần khi có yêu cầu.
Một nội dung đáng chú ý nữa là Luật Nghĩa vụ quân sự quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ 18 tuổi đến hết 27 tuổi. Độ tuổi gọi công dân nhập ngũ đã tăng thêm 2 tuổi so với quy định trước đây.
Luật cũng quy định chỉ tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đang được đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy. Các đối tượng này sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập ngũ.
Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thì được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ sẽ được tiếp tục học tập.