Công an có thể truy dữ liệu học lái xe của tài xế gây tai nạn

Khi tài xế lái ô tô gây tai nạn nghiêm trọng, cơ quan công an nghi vấn việc học và cấp giấy phép lái xe (GPLX) thì hoàn toàn có thể truy dữ liệu từ công tác sát hạch qua camera giám sát.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông

Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ VN) Lương Duyên Thống cho biết, thực hiện sửa đổi một số nội dung thông tư 38 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hoạch, cấp GPLX, các trung tâm sát hạch phải lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát tại phòng thi lý thuyết và thực hành về Tổng cục Đường bộ trước ngày 25/12.

Ông Thống nói rõ, hiện tại các trung tâm sát hạch đều lắp camera ở phòng thi lý thuyết và công khai ra màn hình để người dân có thể theo dõi, giám sát. Tuy nhiên để tăng cường giám sát phần thi thực hành (sân sát hạch) cần thiết phải tăng cường giám sát thêm qua hệ thống camera.

Trước đây, các camera giám sát chỉ có 1 đường truyền dữ liệu về trung tâm đào tạo, nay có thêm đường truyền về Tổng cục Đường bộ để chia sẻ tới Thanh tra Bộ GTVT, Ban An toàn giao thông các tỉnh, Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia và cả cơ quan công an để cùng giám sát.

Theo ông Thống, khi dữ liệu camera được truyền về, các cơ quan có thể truy cập bằng điện thoại; giám sát trực tiếp quá trình thi sát hạch cả lý thuyết và thực hành của học viên.

Điều này bắt buộc trung tâm đào tạo, sát hạch và người học lái xe phải thực hiện rất nghiêm túc; không có chuyện thi không đạt vẫn được cấp GPLX.

Trường hợp phát hiện vi phạm trong công tác sát hạch sẽ xử lý ngay.

Vụ trưởng thông tin thêm, thời gian qua một số vụ tai nạn xảy ra xuất phát từ lái xe. Nhiều ý kiến cho rằng do công tác đào tạo cấp GPLX có lỏng lẻo. Với việc dữ liệu giám sát từ camera được truyền về Tổng cục Đường bộ và lưu lại, cơ quan công an hoàn toàn có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu để xác minh xem lái xe học tại trung tâm nào, có đảm bản điều kiện để được cấp GPLX hay không. 

Ngăn chặn GPLX nước ngoài không hợp lệ

Tổng cục Đường bộ đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành chỉ đạo bộ phận liên quan kiểm tra, xác minh việc học tập, công tác ở nước ngoài của người Việt Nam để kịp thời ngăn chặn các trường hợp sử dụng GPLX nước ngoài không hợp lệ đổi GPLX như kiểm tra tính phù hợp giữa thời gian cấp GPLX ở nước ngoài với thời gian cấp thị thực xuất nhập cảnh trên hộ chiếu...

Trường hợp người Việt Nam có GPLX nước ngoài có thời gian lưu trú tại nước ngoài dưới 3 tháng và thời hạn lưu trú không phù hợp với thời gian đào tạo lái xe của nước cấp GPLX thì sẽ không đổi GPLX. Ngoài ra, đơn vị chức năng phải yêu cầu bổ sung chứng nhận của lãnh sự hoặc bằng lái xe nước ngoài của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) vào thành phần hồ sơ đổi GPLX.

Phải xác minh chứng nhận liên quan hoặc bằng lái xe nước ngoài của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), giấy phép lái xe quân đội, công an có nghi vấn trước khi đổi GPLX và lưu lại hồ sơ đổi trong 2 năm kể từ ngày cấp.

Bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ đổi giấy phép lái xe các địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện tra cứu cơ sở dữ liệu quản lý GPLX để kịp thời phát hiện các trường hợp GPLX bị tước quyền sử dụng nhưng giả khai báo mất để xin cấp lại hoặc các trường hợp sử dụng giấy không hợp lệ.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.