Mẹ ơi, Trung thu này ai bày cỗ cho con?
Ba ơi, ai cùng con tùng dinh dinh rước ông
sư tử?
Sài Gòn mình Trung thu nào
con cũng cầu trời đừng mưa, đừng mưa!
Mà Trung thu này ba mẹ ơi
con sợ ánh trăng sáng quá.
Con sợ ánh trăng sáng quá
vì trên sân nhà mình
trăng sẽ
soi rõ
một mình con.*
Lưu Trọng Văn
* Covid-19 năm 2021 đã làm 1.571 trẻ em ở Sài Gòn mồ côi ba mẹ.
Lời bình của Đặng Toán
Em nhỏ, nhân vật xưng “con” trong bài thơ của Lưu Trọng Văn không biết đã từng được trông trăng phá cỗ bao nhiêu lần, chỉ biết lần nào em “cũng cầu trời đừng mưa, đừng mưa!”. Em mong trời luôn tạnh ráo để ông trăng soi tỏ, thắp sáng thêm niềm vui thơ trẻ.
Nhưng Trung thu năm nay (2021), đại dịch Covid-19 tàn ác tràn về đã không chỉ cướp đi đêm vui được trẻ con trông đợi nhất trong năm. Đau đớn hơn, nó đã cướp mất ba mẹ, những người thân yêu ruột thịt nhất của các em! Xót xa, bàng hoàng khiến em bật ra tiếng nấc:
Mẹ ơi, Trung thu này ai bày cỗ cho con?
Cha ơi, ai cùng con tùng dinh dinh rước ông sư tử?
Hai câu thơ tách riêng thành hai khổ cùng dấu chấm hỏi, như hai dòng nước mắt thảng thốt, đớn đau đến tuyệt vọng mà không biết kêu ai. Mẹ ơi, ba ơi, ba mẹ ơi! Những tiếng gọi liên tiếp như những mũi kim làm nhói đau tâm hồn người đọc.
Nỗi tuyệt vọng đã khiến các em lo sợ đến cả những điều tưởng như rất vô lí, rất trẻ con: “Con sợ trăng sáng quá”! Điệp ngữ được điệp lại tới ba lần cho thấy nỗi đau của các em đã quá sức chịu đựng.
Bởi vậy mà cái lí do các em nói ra: “Vì trên sân nhà mình/ trăng sẽ/ soi rõ/ một mình con” nó cũng nghẹn ngào như câu thơ được ngắt ra, xuống dòng liên tục giống như những giọt nước mắt đang thi nhau tuôn chảy.
Con làm sao quên được hình ảnh mẹ bày cỗ trông trăng! Con làm sao quên được cảm giác rộn ràng, sung sướng khi cùng ba rước đèn sư tử! Vậy thì đêm Trung thu trăng còn sáng làm gì khi trên sân chỉ có mình con thui thủi?
Bài thơ là nỗi lòng ngây thơ của một đứa trẻ được tác giả giãi bày bằng những hình ảnh, câu chữ tự nhiên chân thực mà khiến cho người đọc không sao cầm được nước mắt.
Tác giả Lưu Trọng Văn đã viết những dòng gan ruột, thương cảm, xót đau cho những phận đời bé bỏng đã phải sớm bơ vơ, côi cút giữa đại dịch kinh hoàng. Và tình cảm xuất phát từ trái tim ông đã gặp được sự đồng cảm nơi trái tim của mỗi độc giả chúng ta.