Trùng tu công trình gỗ ở Huế đảm bảo tính nguyên bản
Di tích kiến trúc gỗ tại Huế đã tồn tại gần 200 năm, tuy đã nhiều lần được sửa chữa, cải tạo, nhưng các vật liệu nguyên gốc có từ khi khởi dựng công trình vẫn còn được lưu giữ như vật liệu xây dựng nền móng, các cấu kiện hệ khung gỗ, hoặc một vài vật liệu trang trí cho phép xác định được chủng loại vật liệu nguyên thủy dùng để xây dựng di tích.
Do đó khi trùng tu các công trình kiến trúc gỗ ở di sản Huế cần đảm bảo tính nguyên trạng của di tích.
Dựa trên nguyên lý cơ bản là hệ khung gỗ được lắp ráp từ nhiều cấu kiện gỗ rời nhau và liên kết với nhau bằng các hình thức mộng truyền thống, hệ khung gỗ có thể tháo ráp, di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc tháo rời hoàn toàn để tu bổ khi cần thiết.
Đối với công trình miếu điện, lầu các có cột kèo bằng gỗ lim, sến, mái lợp ngói lưu ly, nếu xây mới thì hạn bảo cố là 20 năm, nếu tu bổ thì hạn là 15 năm. Sau thời hạn đó, các kiến trúc gỗ cần được khám nghiệm, tu sửa, thay thế cấu kiện nếu cần thiết.
Theo lời TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đa số các di tích kiến trúc gỗ hiện còn trong quần thể di tích Huế ở các mức độ khác nhau đều còn lưu giữ các cấu trúc nguyên gốc (hình dáng và cấu tạo nguyên thủy) mà từ đó có thể lấy làm căn cứ để trùng tu hoặc phục hồi di tích kiến trúc đó.
Ngoài ra các yếu tố gốc cấu thành di tích kiến trúc có thể đã từng phần bị mất đi như hệ khung gỗ và hệ mái, tuy nhiên phế tích nền móng kiến trúc hoặc các dấu tích khảo cổ học xuất lộ cũng cho phép xác định được loại hình, qui mô và cấu tạo kiến trúc bằng phương pháp nghiên cứu đối sánh đồng đại và đồng dạng.
Trong lúc đó PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Giám đốc Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam - cho rằng:
Quần thể di tích Cố đô Huế nói chung và đặc biệt là phục hồi, tôn tạo các công trình kiến trúc gỗ trong Khu Đại Nội nói riêng (Dãy Trường Lang, Điện Cần Chánh và Điện Kiến Trung…) cần phải xác định rõ các công trình kiến trúc đó có ý nghĩa quan trọng như thế nào, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản; vai trò và khả năng của từng di tích đơn lẻ để tạo ra tính đa dạng văn hóa, đa dạng di sản và tính hoàn chỉnh cho Quần thể di tích Cố đô Huế.
Hay đó là khả năng tạo ra sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch cũng như các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cư dân địa phương và du khách, cũng như thúc đẩy phát triển du lịch bền vững của quốc gia.
Không nên can thiệp sâu và thô vào các tế bào lịch sử
Đó là quan điểm của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính khi nói đến công tác trùng tu các di tích gỗ tại Việt Nam: Tu sửa tuyệt đối có mục đích bảo trì, cho nên người bỏ công bỏ của thường chủ trương giảm thiểu sự can thiệp, giảm thiểu chi phí, nhất là vật liệu gỗ mà bao giờ cũng không phải sẵn.
Người thợ thực hiện tu sửa đương nhiên vận dụng kỹ thuật mộc mà họ thành thạo hơn cả. Tuy nhiên nên lưu ý một điều: Cả người chủ lẫn người thợ khi điều kiện cho phép và khi cảm hứng đã có những cải tiến so với tiền bối, và bao giờ cũng cả tin là cái mình đẹp hơn. Những sự bồi đắp này theo thời gian, góp phần tạo nên thực tế của công trình gỗ mà ta coi là di tích kiến trúc văn hóa.
Người trùng tu di tích làm bằng gỗ thời nay cần tâm niệm, nhắc nhở mình một cách gắt gao: “Chớ nên can thiệp sâu và thô bạo vào các tế bào lịch sử! chớ nên giải phẫu những cơ thể già nua! Chữa dễ thành giết”.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết thêm: Di tích là nguồn tu liệu lịch sử, là hiện thân của lịch sử, những gì còn xót lại đôi khi duy nhất và không thể nào nhân bản được.
Với Huế, một thành phố đang lưu giữ hai di sản văn hóa thế giới, ngoài các công trình kiến trúc gỗ thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới Huế còn có một hệ thống nhà rường đặc sắc.
Để bảo tồn phát huy các gía trị công trình kiến trúc này, thời gian qua Huế đã được các chuyên gia, giáo sư đầu ngành về bảo tồn, trùng tu tại Nhật Bản, các nước bạn đã chia sẻ kinh nghiệm về trùng tu công trình kiến trúc gỗ ở Nhật Bản trong đó phải kể đến những kinh nghiệm trong trùng tu Biệt thự Hoàng gia Tamozawa ở Nikko, Nhật Bản.
GS Tadao Ebihara - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư và Kỹ sư toàn Nhật Bản - chia sẻ: Có thể nói công trình này là đỉnh cao của các kỹ năng kiến thiết gỗ truyền thống hình thành trong suốt các thời kỳ Edo, Meiji và Taisho với bề dày lịch sử phong phú.
Thời kỳ này, kỹ năng xây dựng cũng đã được kết hợp phong cách phương Tây vào truyền thống để tạo nên sự pha trộn giữa phong cách Nhật Bản và Tây Âu, làm cho du khách đến tham quan có thể thấy sự đa dạng trong phong cách của các thời kỳ lịch sử.
Ngoài ra Đại học Waseda hiện đang hạ giải và phục hồi di tích “Diên Phước Trưởng Công chúa Từ”, công trình đang trong tình trạng hư hỏng và sụp đổ nghiêm trọng.
Đồng thời, GS Nakagawa Takeshi và các cộng sự trường Đại học Waseda cũng đang khảo sát kiến trúc nhà ở toàn bộ khu vực phường Kim Long TP Huế, bởi vì Kim Long là khu vực quan trọng nhất từ điểm nhìn trong tiến trình lịch sử của thành phố Huế cũng như bảo tồn môi trường lịch sử.
Trong khu vực này, nhóm nghiên cứu chọn 24 ngôi nhà truyền thống làm nghiên cứu dựa trên sự khác biệt giữa Từ Đường và dinh thự. Ngoài ra sẽ nghiên cứu đặc trưng của mỗi công trình đình làng (gồm 3 đình làng) tại phường Kim Long. Thông qua việc nghiên cứu nêu trên, sẽ đưa ra đề xuất “Bảo tồn đô thị” khu vực Kim Long.