Trong thực tiễn, việc này rất khó xảy ra, nhưng không thể nói là bất khả thi. Nếu viễn tải người thành công, điều đó chắc chắn xảy ra trong tương lai xa" - GS Hanson đến từ Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan), cho biết.
Theo quy luật tự nhiên, bất cứ thứ gì cũng không thể dịch chuyển nhanh hơn ánh sáng. Nhóm nghiên cứu của GS Hanson lần đầu tiên chứng minh có thể viễn tải chuẩn xác thông tin mã hóa trong các hạt hạ nguyên tử giữa 2 điểm cách nhau 3 mét.
Thành công của thử nghiệm gợi nhắc đến bộ phim khoa học viễn tưởng Star Trek, trong đó nhân vật Thuyền trưởng Kirk được "bắn đi" từ tàu không gian của ông ta đến một hành tinh khác chỉ trong chớp mắt.
Theo báo cáo đăng trên tạp chí Science, quá trình viễn tải khai thác cách các hạt "vướng mắc" một cách dị thường vào nhau để tạo thành khối đồng nhất, với trạng thái của một hạt ngay lập tức ảnh hưởng tới hạt khác bất chấp khoảng cách giữa chúng.
Chẳng hạn như, về mặt lý thuyết, xoay một hạt lên có thể đồng nghĩa với hạt đối tác vướng mắc với nó sẽ bị xoay xuống, ngay cả khi nếu cả 2 hạt ở hai phía khác nhau của vũ trụ.
Thiên tài vật lý Albert Einstein đã bác bỏ tình trạng liên đới này và gọi đó là "hành động ma quỷ ở một khoảng cách", nhưng các nhà khoa học hiện nay liên tiếp chứng minh đây là một hiện tượng có thật.
Thử nghiệm của GS Hanson và các cộng sự được coi là bước quan trọng đầu tiên hướng tới việc phát triển một mạng lưới giống Internet giữa các máy tính lượng tử siêu nhanh, có khả năng xử lý vượt xa các siêu máy tính ngày nay.
Nhà nghiên cứu Hanson nhận định, ứng dụng gần nhất đối với đời thực là việc bảo mật thông tin liên lạc. Ông giải thích, do thông tin được viễn tải chớp mắt từ nơi này tới nơi khác và không ai có cách gì can thiệp vào quá trình đó nên nó sẽ được bảo đảm an toàn 100%.