Cả 7 nhà báo GD&TĐ (thuộc Cơ quan thường trú tại TP HCM) của hai chục năm trước - khi tôi mới vào nghề - đều đã vui thú tuổi già.
Ngẫm lại, tôi đã có mặt hơn 40 tỉnh - thành cả nước. Ở không ít địa phương đã qua 4 - 5 đời giám đốc Sở GD&ĐT, đến nay tôi trở lại công tác, dẫu là các vị lãnh đạo sở mới trẻ hơn, nhưng trước đây tôi cũng từng gặp mặt và nghĩa tình vẫn mặn nồng như xưa.
“Nhà báo của ngành GD cũng là đồng nghiệp gần gũi thân thương”
Đó là lời tâm tình của đông đảo bạn đọc Báo GD&TĐ dành cho tờ báo của ngành – như mọi người thường gọi thân tình là “Báo nhà”, mỗi khi các nhà báo chúng tôi về các cơ sở GD tác nghiệp.
Những ngày đầu tiên, ngại ngần tìm đến Cơ quan thường trú (CQTT) Báo GD&TĐ tại TP HCM ở 35 Lê Thánh Tôn – quận 1 để xin làm phóng viên, tôi cảm thấy mình khá “liều mạng”. Không quen ai, không người giới thiệu, đến Tòa soạn báo với chiếc xe đạp mượn, đang ở một phòng trọ nhếch nhác, trong túi chỉ có mấy đồng đề phòng xe hư. Cũng may, nhà thơ – nhà báo Nguyễn Vũ Tiềm (lãnh đạo CQTT) tiếp tôi với cái bắt tay nồng ấm và nụ cười hiền hậu.
Xem qua hồ sơ xin việc của tôi (chưa được cơ quan chức năng chứng thực), nhà báo Nguyễn Vũ Tiềm hỏi giọng nhẹ nhàng: “Theo cậu, cái khó nhất của nghề báo là gì?”... Tôi ấp úng trả lời: “Dạ! Phải say nghề, phải có năng khiếu viết văn, phải dấn thân, chịu khổ”. “Trả lời đúng, nhưng chưa đủ” – anh Tiềm nhấn mạnh thêm: “Nhà báo là người săn tìm sự thật, nhưng cái khó nhất – đáng quý nhất là phải dũng cảm bảo vệ sự thật! Đây mới là điều bạn đọc cần nhất ở nhà báo.”...
Làm sao tôi quên được hơn 20 năm trước, một mình tôi đạp xe đến Đồn biên phòng Kà Tum (Tân Đông, Tân Châu, Tây Ninh), để tìm hiểu về lớp xoá mù chữ do chiến sĩ biên phòng Đồn Kà Tum phụ trách.
Thiếu tá Phan Hữu Toản – Trưởng Đồn cho biết: “Anh nên thông qua Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, sẽ có người dẫn anh đi. An ninh biên giới đang phức tạp. Bọn cướp ở bên kia biên giới biết anh là nhà báo, chúng bắt cóc đòi tiền chuộc mấy cây vàng đấy!”. Tôi bất ngờ, mình đâu đã là nhà báo chuyên nghiệp, mới chỉ là cộng tác viên mà có “giá” dữ vậy sao!?
Hơn chục năm đã qua, tôi vẫn đau đáu hình ảnh bạn đọc Nguyễn Minh Hoàng (giáo viên trường tiểu học Ngãi Hùng A, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh – cũng là nơi anh sinh ra, nơi cư ngụ). Nguyễn Minh Hoàng bị các cơ quan tố tụng tỉnh Trà Vinh “tặng”cho 2 bản án oan về tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”, bị biệt giam gần 6 tháng trời (6/5/1996 – 5/11/1996).
Phải đến giữa năm 2005, Báo GD&TĐ mới nhận được “Đơn kêu cứu” của nhà giáo Nguyễn Minh Hoàng. Tôi được Tòa soạn giao điều tra, với tinh thần: nếu thầy Hoàng thật sự bị tù oan, thì phải “chiếu đấu đến cùng” để bảo vệ sự thật, bảo vệ uy tín thầy giáo của ngành GD.
Gần 2 năm lặn lội về Trà Vinh, với 5 bài báo kèm 2 tin về vụ thầy Hoàng, đến ngày 4/1/2007, nhà giáo Hoàng mới được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Trà Vinh công khai xin lỗi, tổ chức minh oan và bồi thường thiệt hại. Thầy Hoàng và cả gia đình anh ôm lấy tôi giàn giụa nước mắt: “Gần 11 năm bị oan sai, 6 tháng tù tội... Báo GD&TĐ đã sinh ra tôi lần thứ 2...”.
Lặng thầm cống hiến & hy sinh
Còn đó nghĩa tình sâu nặng với các thầy cô giáo cắm bản xa. Cách nay 5-7 năm, tôi lên huyện biên giới núi cao Kỳ Sơn (Nghệ An) công tác, mưa xuân, vượt đường lên bản nhão nhoẹt, vực sâu hút mắt. Cái xã nơi tôi đến: Huồi Tụ; Mường Lống; Mỹ Lý; Đoọc Mạy; Keng Đu; Na Ngoi; nơi gần nhất cách huyện lỵ Mường Xén cũng ba chục cây, xa nhất 60-70km.
Đây là một trong 9 huyện nghèo nhất nước, với trên 98% diện tích tự nhiên là núi cao, gần 99% dân số của huyện là đồng bào các dân tộc thiểu số: Thái; H’Mông và Kh’mú.
Đến tận cùng biên giới heo hút, mới cảm thông phần nào hoàn cảnh thầy cô cắm bản. Hầu hết là những phòng học tạm tranh tre có biệt danh “7 không”: Không đường; không điện; không chợ; không thư viện; không điện thoại – ti vi; không nhà vệ sinh; không nước sạch! Bất kể giáo viên nào cũng phải luân phiên cắm bản (có bản xa trung tâm xã cả ngày đường cuốc bộ vượt núi, băng rừng).
Vậy nhưng không ai bỏ lớp, xa trò. Hầu như giáo viên Kỳ Sơn ai cũng dính đầy sẹo (thẹo) do té xe, hoặc bị trượt chân vào mùa mưa lũ. Cũng vào những ngày mưa lũ (nhất là lũ quét) kéo dài, thầy cô Kỳ Sơn phải cầm cự “cháo bẹ, rau măng” là chuyện thường ngày...
Hơn chục năm trước, tôi thăm trường tiểu học Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, chỉ cách biên giới Cămpuchia con sông nhỏ. Chuẩn bị đón Tết, mấy thầy cô đón khách bằng món chim nướng ngon ngọt tuyệt vời. Một thầy giáo kể: NGƯT Phạn Chí Năng – giám đốc Sở GD Đồng Tháp vừa thăm và tặng quà Tết trường chúng em.
Chẳng được báo trước, tụi em chỉ còn mấy con khô mắm và mấy cái chân chim nướng nguội ngắt. Thầy giám đốc và mấy thầy cô cùng đi, ngồi nhấm nháp với đĩa mồi đơn sơ, hổng cho tụi em đi mua đồ ngon... Trường chúng em có mấy chục học trò bên Campuchia, ngày nào cũng bơi xuồng qua bên mình học. Một số trò quá nghèo, thầy cô san sẻ chén cơm, manh áo, bớt tiền lương mua tập vở, dép, cặp sách cho các em...
Đi nhiều mới thấu, ở bất cứ nơi đâu, các nhà giáo của nhân dân – cho dù họ chưa được tặng bất kỳ danh hiệu hoặc huân chương cao quý nào – thì họ vẫn lặng thầm cống hiến và có cả sự hy sinh khó có thể nói thành lời.
Có những cặp vợ chồng nhà giáo cắm bản ở biên giới núi cao vực thẳm Kỳ Sơn (nói trên), tuy cùng dạy cùng huyện, nhưng có khi vài tháng mới gần gũi nhau. Đứa con nhỏ thì gửi nội – ngoại dưới xuôi, đến hè mới gặp. Lý do: nếu vợ chồng cuối tuần nào cũng tìm gặp nhau, riêng tiền xăng nhớt (kể cả sửa chữa xe) tốn gần hết 1 tháng lương.
Đành ngậm ngùi nuốt nỗi khát khao: “Dành chút tiền, còn để về chăm con, thuốc thang cho nội – ngoại già yếu ở quê xa...”.
Đôi chút nỗi niềm
Có lần gần nửa đêm, anh bạn thân là giám đốc một công ty sách – thiết bị trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long, bất ngờ gọi điện cho tôi trách móc: “Báo Ngành phải chuẩn mực về câu cú chữ nghĩa. GD&TĐ hôm nay tớ đọc có tới hơn chục lỗi. Đề nghị đừng để phạm lỗi không đáng như chính tả và ngữ pháp nhé!”...
Lần nọ (và không biết bao lần khác), nhiều bạn đọc thẳng thừng với tôi: “Báo GD&TĐ chống tiêu cực trong nội bộ ngành GD ít quá?”. Có người dứt khoát: “Nếu làm nhà báo mà ngại va chạm thì nên gác bút đi!”.
Tôi giật mình, chứ không buồn. Vậy là rất nhiều bạn đọc vẫn tìm đến “báo nhà” để gửi gắm tin yêu và hy vọng. Cá nhân tôi nghĩ rằng, không phải GD&TĐ né tránh phanh phui cái xấu dưới các mái trường hay ở các cơ sở GD. Có điều, cái chưa tốt của cán bộ quản lý GD, hoặc của nhà giáo, hay của học sinh (và cha mẹ học sinh), nếu có xảy ra chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Nếu báo ngành chống tiêu cực trong ngành GD kiểu tràn lan, định hướng dư luận không tốt, các bài báo viết gay gắt nặng lời có tính giật gân..., chắc chắn sẽ “lợi bất cập hại”.
Làm báo về GD, nghĩa là phải luôn luôn đồng cam cộng khổ với các nhà giáo, sẻ chia với thầy cô qua từng trang giáo án đẫm mồ hôi, sát cánh cùng đội ngũ “kỹ sư tâm hồn” đương đầu với những thách thức nặng nề, để sớm tìm ra các giải pháp đột phá, góp phần đưa toàn ngành GD&ĐT vươn lên, “đổi mới căn bản và toàn diện”, thành công hơn mong đợi.