(GD&TĐ) - Người trẻ mê nhạc ngoại, chọn hát tiếng Anh, bỏ quên ca khúc Việt trong các cuộc thi, sân chơi âm nhạc là điều không còn phải bàn cãi. Vì sao vậy?
Nếu như cách đây vài thế hệ, giới trẻ Việt lớn lên qua câu hát ru ngọt ngào trong cánh võng của mẹ, của bà thì giờ đây trong thời đại số, các bạn trẻ dễ dàng truy cập internet tìm kiếm những ca khúc tuỳ theo "gu" và sở trường riêng. Đa phần trong số đó hướng đến nhạc ngoại.
Lấn át theo trào lưu
Khi nói về dòng nhạc ngoại lai đang tràn vào Việt Nam, nhạc sĩ Lê Mây chia sẻ: "Hiện, dòng nhạc ngoại lai xuất hiện ở nước ta rất nhiều, mang hơi thở lạ trong âm nhạc, đó là một vấn đề nan giải. Phim Hàn Quốc tràn vào Việt Nam mang theo những bài hát Hàn, làm cho giới trẻ bắt chước, từ bài hát đến cách ăn mặc cũng giống Hàn Quốc. Trong số những bài hát ấy, chỉ một vài bài hay còn hầu như là những bài hát ca từ nhạt nhẽo, nhưng giới trẻ yêu thích theo trào lưu cái mới, cái lạ".
Tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh và rộng như ngày nay càng tạo điều kiện thuận lợi cho nhạc ngoại tấn công giới trẻ. Dòng nhạc trữ tình dân tộc làm say đắm lòng người, dòng nhạc cách mạng hùng hồn nhiệt huyết tuổi trẻ một thời như bị thay thế bởi dòng nhạc rock, rap, hip hop.... đi đâu cũng thấy các nhóm bạn trẻ ngân nga những ca khúc dạng này, thậm chí còn cài làm nhạc chuông, nhạc chờ trong điện thoại. Một số bạn trẻ còn coi đó chính là linh hồn của họ và dùng mọi cách để bảo vệ trước mọi sự lên án về loại ngôn từ tục tĩu và thiếu tính giáo dục. Tuy nhiên, có nhiều ca khúc ngoại khi nghe bản gốc thì rất dễ thương, nhưng khi đã Việt hóa thì lại trở nên rất … khô cứng, làm mất vẻ đẹp của âm nhạc.
Hiện nay, rất nhiều ca sĩ của Việt Nam sử dụng nhạc ngoại để đặt lời Việt, nhạc tốt nhưng phần lời còn yếu, hời hợt thiếu sự hấp dẫn. Nhiều bạn thì cho rằng nhạc ngoại hay bởi giai điệu mới lạ, sôi động không lặp lại mô tip. Mặt khác các bạn trẻ nghe nhạc ngoại để thể hiện "đẳng cấp" mình sành điệu. Rồi có người lại cho rằng giọng của các sao ngoại luôn luôn đẳng cấp hơn, họ là những ngôi sao tầm cỡ thế giới chứ Việt Nam đâu đã có ai được cả thế giới biết đến? Nói ra điều đó nhưng nhiều người đâu biết rằng, công nghệ lăng xê của họ “ghê gớm” hơn chúng ta rất nhiều. Hơn nữa, họ có những ê kip chuyên nghiệp mang tầm vóc quốc tế nên chuyện họ là ca sĩ quốc tế cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, chuyện so sánh đẳng cấp ở đây có phần hơi bị … nhảm nhí!
Những thần tượng K-Pop hot nhất đầu năm 2013 |
Một nguyên nhân nữa là do các chương trình MTV trên đài truyền hình, sóng phát thanh trở nên quen thuộc hơn. Phim ngoại không chỉ hấp dẫn về nội dung mà các ca khúc đi kèm cũng được các bạn trẻ ưa chuộng. Có lẽ một bộ phận đông đảo các bạn trẻ thích nhạc ngoại cũng là do xu hướng chung của thời kì hội nhập và phát triển.
Cần có sự động viên rất lớn tới người sáng tác
Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Tôi sốt ruột về đời sống âm nhạc hiện nay. Âm nhạc có chức năng giải trí và chức năng giáo dục. Nếu chỉ chú trọng chức năng giải trí mà xem nhẹ chức năng giáo dục là một sai lầm. Người nào chỉ thích nhạc nhẹ đã là sai lầm, nhưng người nào chỉ biết mỗi nhạc nhẹ thì sai lầm gấp 10 lần. Ngày nay giới trẻ quá nhấn mạnh đến chức năng giải trí mà ít chú ý đến chức năng giáo dục”.
Gần đây các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc đang diễn ra khá nhiều trên các kênh truyền hình. Song các chương trình này hầu như cũng làm giảm đi "sức nóng" và giá trị giải thưởng của một số cuộc thi chuyên sâu về âm nhạc, chưa động viên được người sáng tác những vấn đề lớn của đất nước. Về phương diện này cần có sự động viên rất lớn tới người sáng tác để có những tác phẩm hay.
Theo nhạc sĩ, Việt Nam đang bị xâm lăng về mặt văn hóa. Gần đây một số cuộc thi trên truyền hình cũng hát bằng tiếng Anh. Như cuộc thi “Giọng hát Việt” nhưng chủ yếu hát bằng tiếng Anh, hay trong cuộc thi tìm kiếm tài năng Vietnams Got Talent… Trong các cuộc thi mang tính nội bộ của các trường học, hiện tượng thích nhạc ngoại của số đông khán giả trẻ càng đậm nét.
Nghe nhạc ngoại, thích nhạc ngoại hơn không phải là chuyện mới nhưng rõ ràng, nó đang trở nên mất định hướng. Nhiều người nghe nhạc nhưng chưa nhìn vào chiều sâu giọng hát của các ca sĩ Việt lẫn ca sĩ ngoại để so sánh, mà mới chỉ đứng nhìn vẻ bên ngoài hào nhoáng thôi. Chính điều đó khiến cho những cảm nhận của các bạn về âm nhạc Việt bị lệch lạc, hình thành những lí do chê nhạc Việt.
Theo nhạc sĩ Lê Mây, “để giới trẻ không quay lưng với dòng nhạc Việt, điều quan trọng là ngay từ nhà trường phải đào tạo từ cấp tiểu học, những bài hát viết từ cội nguồn dân ca, không nhất thiết phải viết như dân ca nhưng chỉ cần có hơi thở dân gian”.
Thưởng thức giải trí không chỉ theo xu hướng thời đại mà còn theo phong cách lứa tuổi. Đó là một hiện thực cần thay đổi để thế hệ trẻ có sự hài hoà nhạc trẻ với nhạc trữ tình dân tộc.
Đăng Huyền