Con đường thực phẩm vào bếp ăn bán trú: Cơ chế “quýt làm cam chịu”?

GD&TĐ - Gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh nghi xuất phát từ các bếp ăn tập thể làm dấy lên lo ngại của các bậc phụ huynh đối với bữa ăn bán trú của con em mình tại trường học. Vậy, hãy cùng tìm hiểu về con đường thực phẩm vào bếp ăn nhà trường, liệu ngành giáo dục có bao nhiêu phần trăm vai trò ảnh hưởng về vấn đề này?.

Giao nhận thực phẩm cho bếp ăn bán trú thường bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng hàng ngày.
Giao nhận thực phẩm cho bếp ăn bán trú thường bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng hàng ngày.

Thực phẩm vào trường học qua kênh nào?

Trao đổi với một số Trưởng Phòng GD&ĐT trên địa bàn Hà Nội, được biết, Phòng GD&ĐT quận, huyện không tham gia bất cứ khâu nào trong lựa chọn các nhà cung cấp thực phẩm cho hệ thống các trường học trên địa bàn.

“Phòng GD&ĐT là đơn vị thuần túy về chuyên môn nên việc đánh giá năng lực của các công ty thực phẩm cũng như kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm là không phù hợp với chức năng nhiệm vụ”, ông Nguyễn Đắc Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho hay.

Qua tìm hiểu được biết, quy trình lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhà trường được bắt đầu từ Phòng Y tế các quận, huyện. Đơn vị này có trách nhiệm thẩm định hồ sơ các công ty cung cấp thực phẩm. Sau đó chuyển danh sách các công ty có đủ năng lực và điều kiện pháp lý tới các nhà trường để trường tự lựa chọn đơn vị để hợp tác dựa trên hồ sơ.

Hiện nay, hầu hết các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội lựa chọn hình thức ký kết với các công ty cung cấp suất ăn. Ngoại trừ các trường Mầm non thường ký kết trực tiếp với các công ty cung cấp thực phẩm do có biên chế cho nhân viên nuôi dưỡng.

Các công ty được ký kết với nhà trường sẽ phải trình tất cả hồ sơ hợp tác với các công ty cung cấp thực phẩm khác để nhà trường nắm được thông tin.

Như vậy, các trường hiện nay đang chỉ nắm phần ngọn, chỉ biết năng lực các công ty mình phối hợp qua giấy tờ và dưới sự kiểm soát của UBND các quận, huyện mà trực tiếp là Phòng Y tế.

Thực đơn, phiếu giao nhận thực phẩm tại bếp ăn trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội)
Thực đơn, phiếu giao nhận thực phẩm tại bếp ăn trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) 

Cơ chế “quýt làm cam chịu”

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thúy Minh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội), hiện nay thông tin về mất an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng nhiều khiến nhiều phụ huynh và cả giáo viên thực sự e ngại. Bởi vậy, nhà trường luôn hoan nghênh sự vào cuộc, giám sát nguồn thực phẩm của các bậc phụ huynh như một biện pháp chung tay bao vệ con em mình.

Tuy nhiên, cũng theo bà Thúy Minh, sau khi lựa chọn và ký kết với công ty cung cấp suất ăn, nắm hồ sơ pháp nhân và năng lực của các đơn vị cung cấp thực phẩm liên quan thì nhà trường phát huy tối đa trách nhiệm cũng chỉ đến mức kiểm tra chất lượng ATTP bằng … mắt thường.

Chúng tôi tin tưởng vào sự lựa chọn của Phòng Y tế quận, tin vào uy tín của đơn vị phối hợp với tư cách đơn vị thụ hưởng và giám sát trực tiếp. Vấn đề là khi gặp bất cứ sự cố nào liên quan đến ATTP thì Hiệu trưởng và nhà trường lại là người chịu trách nhiệm chính.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy trình giao nhận thực phẩm đầu vào tại bếp ăn nhà trường thường được bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng. Dựa trên thực đơn đã được xây dựng sẵn cho cả tuần, thực phẩm tươi sẽ được giao vào đầu giờ sáng mỗi ngày theo thực đơn cụ thể.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Khi giao nhận thực phẩm luôn có sự chứng kiến và ký Phiếu xuất kho của đại diện 3 bên: Công ty cung cấp – Đại diện Ban giám hiệu nhà trường – Đại diện giáo viên. Thực phẩm phải đảm bảo đủ tem mác, hạn sử dụng, chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo độ tươi ngon,…

Khâu kiểm định từ phía nhà trường chỉ đơn thuần là kiểm tra bằng cảm nhận và kinh nghiệm của “người đi chợ”.

Các bếp ăn bán trú đều có sổ sách ghi chép theo hướng dẫn và lưu giữ các mẫu thức ăn đề phòng tình trạng ngộ độc thực phẩm. Các trường đều ký cam kết đảm bảo ATTP ở tất cả các khâu, từ mua, chế biến thực phẩm đến việc kiểm tra, lưu mẫu thức ăn, bảo đảm cung cấp các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh cho trẻ.

“Mặc dù nỗ lực và thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn nhưng vẫn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm hay dịch bệnh nghi liên quan đến bữa ăn bán trú. Và dư luận luôn luôn chĩa mũi nhọn, quy lỗi đầu tiên cho ngành giáo dục, cho nhà trường. Phải chăng, đây chính là hệ quả của cái gọi là “quýt làm cam chịu”?”, Ông Nguyễn Đắc Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình nêu băn khoăn.

Nhiều người trong cuộc tự hỏi, đến bao giờ câu chuyện về thực phẩm cung cấp cho bữa ăn bán trú trong trường học mới trở về đúng vai, đúng chỗ,… để những người làm giáo dục được toàn tâm toàn lực với công tác chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ